Sáng 7/12, hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ Grab tập trung ngay trước trụ sở đơn vị này tại ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội để phản đối việc đơn vị này tăng giá cước cho mỗi chuyến đi từ ngày 5/12.
Theo đó, càng về trưa số lượng tài xế đến đây ngày một đông, tất cả đều tắt app, mong muốn được làm việc với đơn vị chủ quản. Mọi người phản ứng về chính sách tăng thuế lần này ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của tài xế.
Tài xế Ngô Bá Tạ (25 tuổi) cho biết, gần 2 năm nay anh gắn bó với công việc Grab. Khi nghe tin Grab tăng giá cước cho mỗi chuyến đi, anh không đồng tình với việc này.
Theo anh Tạ, sở dĩ mọi người có mặt tại đây đều tắt app, đình tài để phản đối chính sách tăng thuế lần này. “Nếu tăng thuế như vậy chạy cuốc 13.000 đồng chắc tài xế chỉ nhận được 8.000 đồng, việc tăng giá cước như này là quá bất công với những tài xế như chúng tôi", anh Tạ nói.
Do lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, công an quận Cầu Giấy đã cử lực lượng ra nhắc nhở để đảm bảo an ninh, trật tự.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện truyền thông Grab cho hay, đã nắm được thông tin tài xế tập trung phản đối chính sách tăng thuế ở Hà Nội. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phía Grab đã cắt cử người để nói chuyện và giải thích cho tài xế hiểu rõ hơn về nghị định tăng thuế dịch vụ theo đúng Nghị định của Chính phủ.
“Có một số tài xế chưa hiểu rõ cụ thể nên chúng tôi đang cố gắng giải thích cho tài xế hiểu, đây là quy định của nhà nước chứ bên Grab không phải tự ý tăng như vậy. Tài xế tụ tập quá đông lại đang trong mùa dịch nên đơn vị không thể tập trung hết lại để nói chuyện được. Thật ra chúng tôi đã truyền thông về vấn đề này nhiều lần rồi", vị đại diện nói.
Trước đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi Thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12.
Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng. Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tuỳ từng thành phố.
Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.
Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.