Mấy ngày vừa qua các tỉnh miền Bắc và Hà Nội đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Việc nhiệt độ xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ con người, đặc biệt những người có bệnh lý nền, người già, trẻ nhỏ.
Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), trong mấy ngày vừa qua, thời tiết lạnh đột ngột nên số bệnh nhân nhập viện tăng. Khoa có 100 giường thì đều đã kín. Người bệnh nhập viện với các bệnh lý về hô hấp, phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ.
Theo TS Thắng, người cao tuổi phần lớn đã có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường khi gặp thời tiết lạnh cơ thể không thích nghi kịp khiến huyết áp tăng vọt, dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường, mùa lạnh thường ăn nhiều hơn khiến đường huyết tăng cao, gây biến chứng. Có người bị đột quỵ tái đi tái lại nhiều lần.
Ngoài ra, người cao tuổi thường có thói quen đi bộ và tập thể dục buổi sáng sớm, ra ngoài thời tiết lạnh đột ngột, cơ thể thích nghi kém, kết hợp sương nên dẫn đến đột quỵ. Vì thế, trời lạnh người già không tập thể dục vào buổi sáng, chỉ nên tập buổi chiều tối và tập trong nhà càng tốt.
Lãnh đạo Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết, trong những ngày lạnh vừa qua, các bệnh nhân đến khám và nhập viện do bệnh xương khớp, liệt giây thần kinh số 7 gia tăng. Đặc biệt, nhiều trường hợp là trẻ nhỏ, người cao tuổi bị liệt giây thần kinh số 7 ngoại biên do những thói quen hàng ngày như tập thể dục khi thời tiết quá lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột…
Nắm bắt trước được tình hình, bệnh viện đã lên kế hoạch khám chữa bệnh cho đợt lạnh đỉnh điểm này. Bệnh viện đã bổ sung thêm đèn sưởi, chăn đệm ở phòng điều trị nội trú, …làm sao đáp ứng tốt nhất việc điều trị cho người bệnh.
TS. Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết lạnh là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tại Trung tâm Hô hấp, trời lạnh, có những ngày tiếp nhận tới 15-20 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện và đa phần là những cơn kịch phát diễn biến nặng, phải thở máy. Nhiệt độ giảm mạnh còn là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng.
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng khoảng 15-30%. Bác sỹ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, ngoài nguy cơ đột quỵ, một số bệnh về tim mạch ở người cao tuổi cũng sẽ gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó cần đặc biệt lưu ý bệnh tăng huyết áp kịch phát mỗi khi lạnh đột ngột do mặc không đủ ấm, phòng ngủ không kín gió, chăn, đệm không đủ chống rét, tắm nước lạnh.
Khi nhiệt độ xuống thấp cũng làm cho các bệnh về xương khớp ở người cao tuổi gia tăng hoặc tái phát như thoái hóa, đau và xơ cứng khớp gối, khớp bàn tay, cổ tay, khớp cột sống thắt lưng. Thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa đông giá rét làm cho người bệnh khó vận động, đau nhức, giấc ngủ không yên, vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thống kê trong những ngày vừa qua cho thấy số lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú có giảm nhẹ so với bình thường, nguyên nhân có thể do trời quá lạnh nên khi trẻ bị ốm nhẹ phụ huynh tự theo dõi không đưa đến viện.
Trẻ đến khám chủ yếu vẫn liên quan đến vấn đề tiêu hóa (tiêu chảy) và các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, số lương bệnh nhân nội trú có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là nhóm trẻ có sẵn bệnh mãn tính như: viêm phế quản mạn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng mạn tính, trẻ bị mắc các bệnh lý tim mạch bẩm sinh...
Theo đó, các khoa/trung tâm hầu hết đã đạt gần 100% số gường kê thực tế. Tại Trung tâm Cấp cứu Chống độc đang điều trị cho 95 bệnh nhân nội trú/100 giường thực kê; Trung tâm Hô hấp đã vượt qua số giường thực kê là hai giường với 149 bệnh nhi; Trung tâm Tim mạch cũng trong tình trạng tương tự 113 bệnh nhi/113 giường thực kê. Tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, hiện cũng đã gần kín giường thực kê với 165 bệnh nhi/170 giường.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương ghi nhận số bệnh nhân nhập viện trong thời gian vừa qua cũng tăng mạnh, chủ yếu các người mắc bệnh liên quan đến hô hấp, thậm chí có người bị nặng còn phải thở máy, đặc biệt là người cao tuổi. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh làm gia tăng các bệnh về hô hấp như hen phế quản, co thắt phế quản mạn tính.
Để chủ động phòng bệnh mùa lạnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Mọi người tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.