Chiều 18/10, thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp hai đối tượng liên quan đến việc đổ dầu gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy nước sạch sông Đà.
Hai nghi phạm bị tạm giữ là Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986, trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn); đồng thời cơ quan công an cũng đã tạm giữ 02 xe ô tô liên quan vụ xả chất thải.
Trước đó, vào khoảng 21h30 ngày 8/10, tại đường giao thông liên xã Phú Minh - Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (thuộc địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến) xảy ra vụ việc một số đối tượng xả chất thải nguy hại (nghi là dầu thải) xuống mặt đường và chảy xuống suối Trầm thuộc xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến đến hồ Đầm Bài (là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà). Vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ chức năng Công an tỉnh, Công an huyện Kỳ Sơn tổ chức các hoạt động xác minh điều tra để làm rõ đối tượng đã xả chất thải nguy hại tại khu vực suối Trầm.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015 để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ Công an qua áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và sự phối hợp chặt chẽ của các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an và Công an các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Tuyên Quang và Công an TP. Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng là thủ phạm xả Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.
Tại cơ quan công an, hai đối tượng trên khai nhận, ngày 08/10, đã điều khiển 1 xe ô tô tải chở khoảng 10 m3 chất thải (dầu thải) đến địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để tiến hành xả chất thải.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra, thu thập các tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định, hướng dẫn tại Điều 235 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam;
b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần;
d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilôgam trở lên;
b) Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở lên;
d) Xả ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
đ) Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3)/giờ trở lên bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;
e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilôgam trở lên;
g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định 04 lần trở lên.
3. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam;
b) Chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy thuộc danh mục cấm sử dụng trái quy định của pháp luật từ 2.000 kilôgam trở lên;
c) Xả thải ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần;
d) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần;
đ) Xả ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày trở nước thải lên thuộc một trong các trường hợp nước có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;
e) Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên;
g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000 kilôgam đến 200.000 kilôgam;
h) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;
i) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đến 10.000.0000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.