Chiều 18/12, theo báo Đầu Tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội, cho biết, sở này vừa có báo cáo về tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua. Theo đó, chất lượng không khí trên địa bàn TP.Hà Nội nhiều ngày gần đây có xu hướng xấu đi so với trước.
Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu, dao động từ 112 - 121; không có ngày AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng).Từ những thông số này cho thấy, vấn đề chất lượng không khí cần có những giải pháp xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới.
“Cụ thể, tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5h00-12h00) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày, sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm. Qua theo dõi, đây là giai đoạn có mức độ ô nhiễm cao nhất tính từ thời điểm đầu năm đến nay (4 ngày liên tiếp chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu”, vị này cho biết trên báo Đầu Tư.
Theo báo Tuổi Trẻ, báo cáo về thực tế ô nhiễm không khí những ngày qua, ông Lê Tuấn Định - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.
“Đợt ô nhiễm không khí cao điểm nhất là trong tháng 12 (từ ngày 8-12 đến 14-12), chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu” - ông Định nói.
Đánh giá nguyên nhân, ông Định cho biết có hai nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan.
“Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đặc biệt tháng 12 mưa ít, ít gió, giảm đối lưu trong không khí khiến mức độ ô nhiễm không khí gia tăng”.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là từ 11 nguồn thải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP thời gian qua.
“Thứ nhất, vẫn là nguồn thải từ các phương tiện giao thông như xe máy, ôtô những ngày mật độ giao thông cao tập trung ở đô thị. Thứ hai, do nguồn thải từ các hộ vẫn vẫn duy trì sử dụng bếp than tổ ong.
Thứ ba, do hoạt động đốt rơm rác ở các khu vực ngoại thành. Thứ tư là nguồn bụi từ quá trình phá dỡ các công trình cũ, mới, từ vận chuyển vật liệu xây dựng.
Tiếp nữa là nguồn gây ô nhiễm từ mùi hôi, từ quá trình thu gom rác thải, hệ thống nước thải, chăn nuôi. Rồi nguồn ô nhiễm khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP, các tỉnh lân cận” - ông Định nêu.
Dẫn nguồn tin trên Zing.vn, đề cập đến các giải pháp ứng phó trước tình trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, Sở TN&MT đề nghị UBND Hà Nội giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công trình thi công, xây dựng, các khu công nghiệp, làng nghề, các khu xử lý chất thải tập trung.
Sở cũng đề nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300). Theo đó, trong những ngày này, UBND Hà Nội ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục Đào tạo để các trường mầm non, tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.
Ngoài ra, trong những ngày này, Sở TN&MT đề nghị thành phố cấm các loại xe tải nặng, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trong 12 quận nội thành, tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm.