Nhân viên phục vụ quán bar được coi là một nghề đang thu hút các bạn trẻ những năm gần đây, nhất là các bạn sinh viên muốn làm thêm kiếm thu nhập. Thế nhưng, phía sau ánh đèn mờ, mọi thứ lại không hề đơn giản.
Công việc vất vả lại dễ bị hiểu nhầm
Khi nhu cầu giải trí tăng dần lên cũng là lúc các quán bar, club, pub… mở ra ngày càng nhiều, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Dù làm ăn minh bạch thì hình ảnh quán bar với đèn mờ nhấp nháy, vũ công nóng bỏng trên sàn cộng thêm tiếng nhạc, tiếng người hú hét đã vô hình chung mang lại cho nhiều người cái nhìn chẳng mấy thiện cảm với nơi này.
Chính vì thế, dù chỉ làm công việc phục vụ hết sức bình thường như phục vụ quán hàng ăn, nhưng khi biết được môi trường làm việc ở bar, không ít người lại tỏ ý khinh miệt họ. Đó cũng là một trong những nỗi khổ chẳng thể giãi bày của người làm công việc phục vụ quán bar.
Biết Quang từ những ngày còn đi học đại học, tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu nghề phục vụ quán bar, cũng chính là công việc làm thêm của Quang mấy năm gần đây. Không như tôi nghĩ, Quang lập tức đồng ý ngay vì muốn nhiều người hiểu hơn về cái nghề này.
Không nhẹ nhàng như nhiều người tưởng tượng, Quang cho biết làm nhân viên tại quán bar còn vất vả hơn so với nghề phục vụ ở nhà hàng bởi lượng khách hàng đông phải chạy liên tục và thời gian làm việc là cuối ngày nên cơ thể cũng mệt mỏi.
“Làm ở bar yêu cầu thời gian khác biệt là về đêm nên mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Thường mình đi làm từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng mới nằm yên vị ở nhà. Sáng hôm sau mà có tiết học lúc 7 giờ thì mệt mỏi lắm, chỉ mong có buổi học chiều thì may ra hôm đó ổn. Ngủ không đủ giấc, cơ thể hoạt động liên tục nên sức khỏe mình bị ảnh hưởng khá nhiều”.
Ban đầu, Quang chỉ là nhân viên phục vụ bàn, có khiếu ăn nói nên Quang được giới thiệu lên làm MC tại một quán bar lớn ở Tây Sơn (Hà Nội). Lương nhân viên vào khoảng 2 đến 3 triệu, nếu được thưởng thêm cùng tiền tips của khách, mức thu nhập hàng tháng cũng lên đến 8 triệu. Với mức lương này, Quang đủ trang trải cuộc sống sinh viên. Nhìn vào số tiền đó, ai cũng muốn làm nhưng để được nhận việc, bạn phải nộp hồ sơ, thủ tục xin việc như bình thường.
“Để được nhận vào làm ở bar, bạn cũng phải làm hồ sơ xin việc như bao công việc khác. Chưa nói cái nghề này cũng có những yêu cầu đặc biệt là bạn phải có ngoại hình và khả năng chịu áp lực cao. Nếu không bạn không thể trụ nổi quá một tháng. Áp lực ở đây nhiều lắm! Áp lực thời gian, áp lực về cân bằng cuộc sống ngày và đêm hay áp lực từ đồng nghiệp và quản lý” - Quang cho hay.
Bạn Đào Yến, nhân viên phục vụ ở một quán bar trên đường Lý Thường Kiệt cũng chia sẻ về các yêu cầu gắt gao khi tuyển dụng. Không chỉ cần hình thức, chịu được áp lực, đối với nữ giới, yêu cầu cao hơn và có một điều kiện bắt buộc là uống được rượu.
“Mình làm nhân viên phục vụ cũng 4 năm rồi, cũng được coi là kì cựu. Nhiều em trẻ xin vào đây hình thức xinh xắn nhưng hai ba ngày rồi bỏ vì không uống được rượu. Không phải nhân viên phục vụ bàn phải tiếp rượu nhưng trong một số trường hợp, bạn phải uống và buộc phải uống được để tỉnh táo làm việc tiếp”.
Giống như Quang, sức khỏe của Yến cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Ngày đầu đi làm, chưa quen với tiếng nhạc to và mùi khói thuốc, Yến thường xuyên bị chóng mặt, buồn nôn đến nỗi, phải xin nghỉ ốm ở nhà một tuần. Sau rồi cũng quen nhưng tai của cô không còn nghe rõ như trước.
“Mình đã đi khám và được chẩn đoán là viêm tai giữa với điếc lửng đấy. Mới đầu hoang mang, sợ lắm, tính nghỉ việc nhưng khoảng đó, nhà mình khó khăn nên vẫn cố đi làm tiếp. Bây giờ, mình uống thuốc, chăm sóc cẩn thận nên cũng bệnh tình cũng giảm, mỗi tội vẫn không thể nghe rõ như trước. Có lúc nhạc đã to sẵn, tại lại lửng, khách nói gì mình cũng ú ớ gật gù coi như nghe được. Thỉnh thoảng khách tức vì mình không nghe đúng món đồ khách gọi. Mà cũng vui, khách tức, khách mắng hay quản lý nói mình cũng không nghe rõ!” - Yến cười.
Bên cạnh đó, Yến cho biết thêm môi trường làm việc ở bar cũng giống môi trường làm việc tập thể khác. Không chỉ là cạnh tranh giữa đồng nghiệp với nhau vì tiền tips, nói xấu nhau để dìm hàng trước mặt quản lý, ở bar cũng có cái văn hóa gọi là “con ông cháu cha”. Cô gái bức xúc chia sẻ:
“Xin được việc khó lắm. Mình chẳng qua làm lâu năm nên cũng được nể nang chứ bây giờ, hội trẻ mới vào cạnh tranh nhau lắm. Có thể cạch mặt nhau vì tiền tips, mách tội với quản lý nên làm việc ở bar cũng phải nhìn mặt từng người má ứng xử. Chưa hết đâu. Nếu có nhân viên mới là con em của anh chị quản lý hay cháu chú nào khách quen… bạn có thể phải nghỉ việc dù vẫn làm tốt để nhường vị trí”.
Cám dỗ và nguy hiểm rình rập
Làm ở bar khó khăn vất vả là thế nhưng mấy ai hiểu. Phải chạy đi chạy lại liên tục, phải nhẫn nhịn nếu khách say, có bị ép uống rượu cũng khó từ chối… Chưa kể, khách hàng ở bar cực kỳ đa dạng, nhiều lúc không tránh khỏi những lời gạ gẫm từ khách khi hơi men đã ngấm. Những lúc ấy, cảm giác xấu hổ - tức giận - buồn tủi dường như xâm chiếm lấy tâm trí người phục vụ, nhất là phục vụ nữ, song họ vẫn tỏ ra vui vẻ và tìm cách từ chối khéo, bởi nếu phản ứng thái quá, họ sẽ mất việc. Một công việc đặc biệt, một môi trường đặc biệt, các nhân viên phục vụ quán bar vẫn từng ngày đối mặt và cố gắng vượt qua rất nhiều cám dỗ, vì họ đang có những dự định cho riêng mình.
Chính nỗi niềm này khiến tôi rất khó thuyết phục Hương, cô sinh viên năm cuối ở một trường đại học lớn tại Hà Nội chia sẻ về cám dỗ trong nghề cô gặp phải. Dù chỉ là công việc làm thêm nhưng vì sợ mọi người hiểu lầm, Hương muốn tôi không đưa tên và ảnh thật. Hương nói:
“Gia đình em không biết em làm thêm ở quán bar, nếu biết chắc chắn sẽ buồn và nghĩ em hư hỏng dù em không hề làm gì quá giới hạn. Nên chị đừng đưa tên và ảnh của em”.
Học năm cuối, dư dôi thời gian nên Hương cũng không gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa học và làm. Tuy nhiên, điều Hương thấy lo ngại nhất chính là cám dỗ. Không phải Hương không tin bản thân mình mà ở một vài trường hợp, Hương không thể kháng cự nếu nó xảy ra.
Theo quy định của quán bar, nhân viên nữ không phải làm việc tiếp rượu như tiếp viên nhưng cũng không được từ chối khách hàng và nếu “chiều” được khách sẽ có phần trăm tiền hoa hồng và tips cao. Cô gái trẻ mong mỏi kiếm tiền đã gặp phải không ít tình huống trớ trêu và chỉ thêm chút nữa, cô dễ đánh mất mình.
“Em còn nhớ tháng đầu em vào làm nên rất hăng hái, nhiệt tình thể hiện với chủ quán. Em luôn tươi cười với khách và hiếm khi từ chối yêu cầu của khách nên đã xảy ra hiểu lầm.
Hôm đó, trong lúc đưa đồ vào phòng cho khách, em bị một khách say kéo tay và mời mọc uống rượu. Như mọi lần, em cười và từ chối khéo. Nhưng vị khách này là khách quen nổi tiếng khó tính, khó từ chối và nếu từ chối sẽ làm mất lòng ông ấy và về sau sẽ rất khó sống. Em rất sợ và hoang mang không biết làm gì vì em không phải người uống được rượu.
Không từ chối được, em đành phải uống. Lúc đó, non trẻ em không hiểu là đã uống 1 lần thì sẽ có lần 2. Cứ như thế, em uống 5 đến 6 chén và bắt đầu chếnh choáng. Vị khách thấy vậy nên có những hành động sàm sỡ. Tuy hơi say nhưng em nhận thức được và chạy thoát khỏi đó sau khi được sự trợ giúp của một người bạn làm cùng”.
Cứ ngỡ mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, cô gái có dáng người nhỏ nhắn xinh xắn này vẫn tiếp tục là con mồi cho những vị khách già. Sau lần thoát thân ấy, vị khách vẫn nhắm tới Hương và luôn tìm cách tiếp cận. Ông hết năn nỉ rồi mời mọc Hương “chiều” ông ở khách sạn gần đó với mức giá chục triệu. Hương giật mình và cảm giác bị xúc phạm khi khách hàng cho rằng cô làm “gái”.
“Em buồn lắm, cảm thấy tủi thân, cảm thấy nhục nhã khi họ cho rằng mình bán thân lấy tiền. Họ nghĩ ai làm ở đó cũng cần tiền nên bất chấp tất cả chăng. Em khóc và xin lỗi vì không thể đi cùng ông. Em sợ vị khách đó làm phiền thêm nên đã xin quản lý đổi ca và nghỉ làm một vài ngày”.
Tương tự, Đào Yến cũng cho biết nguy hiểm không chỉ đến từ khách hàng mà ngay cả quản lý hay đồng nghiệp cũng phải dè chừng. Khi mới đi làm, Yến lọt vào mắt xanh của anh quản lý tại quán bar. Ban đầu cũng tưởng đó là sự giúp đỡ của cấp trên nhưng sau khi người này bắt đầu có những lời mời mọc, hành động sỗ sàng trước mặt mọi người, Yến đã phải gặp riêng quản lý để nói chuyện rõ ràng.
Chưa hết, cô gái kỳ cựu trong nghề này còn gặp tình cảnh trớ trêu hơn: bị đánh ghen. Yến kể:
“Mình từng bị hiểu lầm và đánh ghen ít nhất 4 lần. Vì làm lâu, quen khách nên cũng coi họ như bạn bè. Thân thiết quá khiến cho người yêu, vợ họ hiểu lầm và đánh ghen. Lần mình nhớ nhất cũng là lần nguy hiểm nhất.
Hôm đó, khoảng 3 giờ sáng đi làm về, mình thấy có một tốp thành niên theo dõi và khi đi khỏi quán tầm 30 phút, nhóm người chặn đầu xe của mình. Hoảng sợ, mình hỏi họ định làm gì thì một tên đi lên hỏi tên tuổi. Sau đó, họ đe dọa tránh xa người khách thân quen kia, nếu không nghe theo thì lần tới sẽ không còn đứng nói chuyện như vậy nữa”.
Không chỉ nữ giới, nam giới như Quang cũng phải chú ý lời ăn tiếng nói cùng cám dỗ từ những lời mời mọc của khách. Tuy nhiên, nếu mục tiêu xác định là công việc làm thêm, để kiếm thu nhập và không bao giờ đánh mất bản thân thì nhân viên phục vụ sẽ không dễ bị cám dỗ vật chất làm gục ngã.
Mỗi ngành, mỗi nghề đều có những nỗi khổ riêng không phải ai cũng nhìn thấy. Nếu là giáo viên, bạn sẽ làm quen với bụi phấn và soạn giáo án trước mỗi ngày lên lớp; nếu là xe ôm, bạn phải quen với bụi đường cùng mưa nắng; và nếu là nhân viên phục vụ quán bar, bạn buộc mình làm thân với tiếng xập xình, mùi thuốc lá cùng những cám dỗ từ đồng tiền.
Tất nhiên, chúng ta đều hiểu rằng không thể bắt ai thấu hiểu cho mình, đặt vào hoàn cảnh của mình bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên chúng ta chỉ cần sống như Hương từng nói với tôi: Hạnh phúc và không hổ thẹn với bản thân, với những người thân yêu, thế là đủ!