Nên rà soát những nội dung nào?
Như Infonet đã đưa tin, trên cơ sở phát hiện các dấu hiệu bất thường về kết quả thi ở một số địa phương và tiếp nhận thông tin phản ánh trong dư luận xã hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký công văn đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tất cả các tỉnh, thành trong cả nước rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 1/8.
Trao đổi với PV Infonet ngày 22/7, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh ủng hộ chủ trương tổng rà soát của Bộ nhằm có đánh giá chung trên phạm vi cả nước. Qua đó không chỉ phát hiện lỗ hổng do cố tình thay đổi quy trình như ở Hà Giang mà còn có thể chỉ ra những lỗi khác trong khâu chuẩn bị thi, coi thi, làm phách, vận chuyển bài thi, xử lý phần mềm, quét bài, chấm thi trắc nghiệm, tự luận… do khi ban hành quy trình không hình dung hết thực tiễn!
Theo ông, Bộ GD-ĐT mới định hướng rà soát những môn có nhiều thí sinh từ 8 điểm trở lên, cơ bản tập trung vào 3 môn Văn, Toán, Lý. Và hiện dư luận cũng chủ yếu chú ý những thí sinh trên 8 điểm, thủ khoa trường, thủ khoa tỉnh, thành, thủ khoa vào các trường đại học… Tuy nhiên ông kiến nghị trong cuộc tổng rà soát lần này cần tập trung cả vào mức điểm từ 3 trở xuống, đặc biệt là với các môn Lịch sử, Ngoại ngữ…
“Các môn Lịch sử, Ngoại ngữ thì phổ điểm chung của Bộ GD-ĐT rất thấp. Vì vậy cần rà soát đối với mức điểm từ 3 trở xuống ở các môn này để bản thân những người chỉ đạo, phụ trách về công tác chuyên môn, Ban ra đề của Bộ phải ý thức rút kinh nghiệm việc ra đề không tốt về mặt quy chuẩn, không đảm bảo yêu cầu vừa chuẩn kiến thức, vừa phổ quát, vừa phân hóa… để phục vụ vừa tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh đại học!” - Ông Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng cho rằng, qua tổng rà soát, Bộ GD-ĐT cần thực hiện việc tuyên dương - phê bình một cách rộng rãi. Mặc dù đây là kỳ thi quan trọng bậc nhất trong cả nước, có ảnh hưởng đến hàng triệu người nhưng lâu nay sau khi thi xong thì Hội đồng thi tự giải tán chứ không có sự phân loại, ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng nào đối với các sở, ngành, đơn vị, cá nhân làm tốt, làm đàng hoàng, nghiêm túc, đưa lại kết quả thực cho học sinh.
“Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần làm rõ, phê bình, xử lý những đơn vị, địa phương nào cố tình can thiệp vào quy trình làm thay đổi kết quả thi. Tùy theo mức độ mà nhẹ thì nhắc nhở, nặng hơn thì khiển trách, cảnh cáo, thậm chí nặng lắm thì buộc thôi việc. Qua đó tạo quy chuẩn cũng như sự răn đe cho những năm sau!” - Ông Nguyễn Đình Vĩnh kiến nghị.
“Tự rà soát” liệu có đảm bảo chính xác, khách quan?
Vấn đề dư luận băn khoăn hiện này là liệu có đảm bảo chính xác, khách quan khi các tỉnh, thành “tự rà soát”? “Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi”; nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo đúng quy định của quy chế và pháp luật.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, trước khi các sai phạm bị phanh phui thì lãnh đạo tỉnh và ngành GD-ĐT Hà Giang, Sơn La đều khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trên địa bàn của họ không có gì sai phạm. Nhưng rồi, càng kiểm tra thì sai phạm lộ ra càng nhiều, lây lan từ nơi này qua nơi khác, đến nỗi bây giờ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải chỉ đạo ra soát trên cả nước.
Thế thì sau khi tự rà soát, liệu có địa phương nào tự nhận việc tổ chức kỳ thi ở địa phương mình có gian dối, sai phạm hay không? Nếu có sai phạm thì trước hết Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia của địa phương đó phải chịu trách nhiệm người đứng đầu. Vậy có ông Trưởng ban nào lại đề nghị công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của chính mình hay không?
Như vậy, làm sao thông qua “tự rà soát” của các địa phương có thể “đảm bảo công bằng, khách quan, kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh” như mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu trong công văn ngày 20/7 gửi các tỉnh, thành trong cả nước?” - PV đặt vấn đề với ông Nguyễn Đình Vĩnh.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng thì các địa phương vẫn cần thiết “tự rà soát”. Tuy nhiên ông thừa nhận nếu chỉ để các địa phương kiểm tra sẽ khó cho ra kết quả đúng, hoặc nếu có kết quả đúng thì cũng khó nhận được sự đồng thuận của dư luận. Vì vậy ông cho rằng sau khi các tỉnh, thành có báo cáo (trước ngày 1/8) thì Bộ GD-ĐT cần tổ chức phúc tra, giám sát chéo giữa các địa phương để đảm bảo có kết quả đúng, khách quan hơn.
Nên tổ chức rà soát theo cách thức nào?
“Việc rà soát vừa phải đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về điểm thực để học sinh vào năm học mới, lại phải vừa đảm bảo phát hiện những lỗ hổng, kẻ hở trong quy trình tổ chức thi để khắc phục, chấn chỉnh cho các năm sau. Nhưng nếu cứ địa phương tự rà soát, báo cáo rồi sau đó Bộ phúc tra trên cả nước thì có kịp khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa vào năm học mới?” - PV đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh đề xuất: “Vậy thì cho giữ nguyên kết quả hiện giờ, nếu điểm thi tốt nghiệp THPT đủ xét tuyển vào đại học thì các em vẫn cứ đi học. Sau khi phúc tra chéo giữa các địa phương, hoặc do Bộ thực hiện phúc tra, nếu cho thấy điểm thi tốt nghiệp THPT của học sinh đó không đúng thì sẽ hủy kết quả trúng tuyển đại học!”.
PV hỏi tiếp: “Thế ông có nghĩ đến hậu quả khôn lường nếu có những em học sinh vừa trở thành tân sinh viên, đang ngồi trên ghế giảng đường đại học thì đột ngột bị đuổi học vì điểm thi tốt nghiệp THPT trước đó có gian dối, trong khi sự gian dối đó không phải do các em mà là do người lớn gửi gắm, lỗi không phải do các em mà là do người lớn gây ra hay không?”.
Sau vài phút suy nghĩ, ông Nguyễn Đình Vĩnh đưa ra giải pháp: “Tôi cho rằng Bộ có thể tổ chức các cụm phúc tra theo vùng hay khu vực, do các lãnh đạo của Bộ đứng đầu và các chuyên gia của Bộ, có thể mời thêm đại diện các trường đại học, đại diện ngành công an tham gia làm nòng cốt ở mỗi cụm. Đồng thời, mỗi địa phương trong cụm cử các đại diện tham gia đoàn phúc tra.
Ví dụ, ở miền Trung, tổ phúc tra tại Đà Nẵng, ngoài đại diện của Bộ GD-ĐT làm tổ trưởng, đại diện ngành công an, các trường đại học trong khu vực, sẽ có đại diện Bình Định, Phú Yên, Nha Trang… tham gia. Trong khi đó, đại diện của Đà Nẵng tham gia tổ phúc tra ở Quảng Ngãi, đại diện Quảng Nam tham gia tổ phúc tra ở Thừa Thiên - Huế…
Như vậy sẽ đảm bảo vai trò chủ chốt của Bộ GD-ĐT trong việc phúc tra, đảm bảo kết quả khách quan do phúc tra chéo, đảm bảo tiến độ cho các em học sinh vào năm học mới vì thực hiện đồng thời tại nhiều khu vực trên cả nước, và đảm bảo rút tỉa được những vấn đề cốt lõi nhất qua phúc tra để phát huy nếu đó là ưu điểm, để khắc phục, chấn chỉnh nếu đó là khuyết điểm, và để xử lý thích đáng nếu đó là cố tình sai phạm!”.
Báo Infonet xin chuyển những đề xuất trên đây của Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để xem xét, xử lý.