Ban đầu, nhiều người dân đã tỏ ra thích thú vì nhầm tưởng đây là sương mù do không khí lạnh từ những cơn mưa bão liên tiếp trong những ngày qua tạo nên. Tuy nhiên, đến khi trời hửng nắng thì lớp sương mù này cũng không hề biến mất hay suy giảm, khiến người dân vô cùng hoang mang.
Hiện tượng xảy ra trên diện rộng, không chỉ ở khu vực trung tâm như quận 1, quận 3 mà còn ở các khu vực ngoại ô như quận 2, quận 9… Trên một số tuyến đường chính như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội…, lớp khói bụi dày đặc này còn gây cản trở tầm nhìn của những người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân ở các tỉnh Nam Bộ đã đồng loạt báo về cho biết hiện tượng trên cũng xuất hiện ở các vùng biển ngoài khơi như Côn Đảo, Phú Quốc…
Ông Đặng Văn Dũng - phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, TP HCM cho biết hiện tượng lạ trên chính là “mù khô”, thường xuất hiện khi không khí bị ô nhiễm. Cụ thể hơn “sương mù” mà người dân nhìn thấy chính là một lượng lớn khói bụi và khí thải từ các phương tiện giao thông, các khu xây dựng và các nhà máy trong thành phố tích tụ lại và lơ lửng ở lớp không khí sát mặt đất. Đặc biệt, thường sau một đêm mưa, hơi nước ngưng tụ trong không khí, gặp khói bụi do ô nhiểm càng khiến hiện tượng mù khô nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn.
Ngoài ra, bà Lê Thị Xuân Lan - chuyên gia khí tượng thủy văn còn cho biết thêm: “Hiện tượng mù khô xuất hiện trên diện rộng và kéo dài hai ngày vừa qua khác hẳn với hiện tượng mù khô đã xảy ra trước đây. Hiện tượng này có khả năng là do ảnh hưởng từ nạn cháy rừng ở Indonesia lan truyền ra các nước Đông Nam Á. Đặc biệt là những vùng có vĩ độ thấp, gần với Indonesia, trong đó có các tỉnh thành khu vực phía Nam nước ta. Khi gió Tây Nam suy yếu thì hiện tượng mù khô sẽ giảm đi”.
Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng mù khô xuất hiện tại TP HCM. Cũng vào tháng 10 năm ngoái, người dân thành phố cũng đã chứng kiến hiện tượng “sương mù” bất ngờ tương tự. Nếu chính quyền thành phố không có những động thái quyết liệt đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường thì hiện tượng mù khô sẽ còn tái diễn nhiều lần trong tương lai và ngày một nghiêm trọng hơn.
Mù khô trông có vẻ vô hại, thậm chí một số người còn thấy hiện tượng này lãng mạn vì giống sương mù ở Đà Lạt hay châu Âu. Nhưng thực tế, mù khô là một hiện tượng phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí nên có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, phổ biến nhất là gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là một vấn đề cấp bách nhưng để có kết quả cần nhiều thời gian để thay đổi, siết chặt các chính sách về môi trường. Do đó, trước mắt, người dân cần phải nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Khi ra đường nên đeo khẩu trang và trang bị các thiết bị bảo hộ khác như kính râm, kính chắn bụi. Trên thị trường hiện nay còn có bán các loại khẩu trang than hoạt tính, mặt nạ chống ô nhiễm… Về đến nhà nên nhanh chóng vệ sinh thân thể và thay quần áo sạch.
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của riêng chúng ta mà là bài toán khó của nhiều quốc gia trên thế giới. Một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ trường Đại học California tại thành phố Berkeley (Mỹ) cho thấy khoảng 1,6 triệu người Trung Quốc thiệt mạng mỗi năm bởi các bệnh được gây ra từ tình trạng ô nhiễm không khí nặng.
Vào cuối tháng 8, để đảm bảo bầu trời xanh cho cuộc diễu hành nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thế chiến thứ hai kết thúc, chính quyền Bắc Kinh đã kiểm soát 5 triệu ô tô lưu thông luân phiên theo biển số chẵn lẻ, đóng cửa hàng trăm nhà máy và hạn chế hoạt động xây dựng trong thành phố và những vùng lân cận. Kết quả của động thái này là lần đầu tiên người dân Bắc Kinh đã được nhìn thấy một bầu trời trong xanh đến khó tin sau một thập kỷ sống trong ô nhiễm vì khói bụi.
Có lẽ biện pháp tuy ngắn hạn của Bắc Kinh cũng là một gợi ý hay mà TP HCM nên tham khảo nhằm cải thiện chất lượng không khí, bảo đảm môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho người dân.