Đầu tháng 5, ôm di ảnh con gái tham dự phiên toà sơ thẩm xét xử ba bị cáo liên quan vụ 8 người chết do tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bà Nguyễn Thị Thu (64 tuổi) khóc nấc, than “đã quá mệt mỏi khi vụ việc dai dẳng mãi không giải quyết xong”.
Bà bảo đã qua sáu lần đối thoại song bà vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ bệnh viện cho cái chết bất ngờ của con gái 36 tuổi.
Cộng tất cả phí mai táng, hỗ trợ nuôi con nhỏ và bồi thường tính mạng, gia đình bà Thu yêu cầu bệnh viện chi trả hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên đã gần một năm sau sự cố y khoa xảy ra sáng 29/5/2017, bà Thu và 7 gia đình có người thiệt mạng mới nhận được 10 triệu đồng.
Bác sĩ Hoàng Công Lương trả lời toà án trong phiên toà bị hoãn ngày 7/5
Một bà mẹ khác cho hay gia đình đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bồi thường 250 triệu đồng. Tuy nhiên, phía lãnh đạo bệnh viện không đồng ý và đưa ra mức đền bù từ 169 đến 242 triệu đồng, tuỳ thuộc vai trò của mỗi nạn nhân trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con của nạn nhân 60 tuổi) cho hay theo yêu cầu của bệnh viện họ cung cấp chứng từ chi phí đám tang, song khi nộp thì được trả lời là “không phù hợp”.
Trả lời VnExpress, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Lê Xuân Hoàng cho biết, do chưa đạt được thoả thuận cuối cùng về việc bồi thường, bệnh viện sẽ chờ phán quyết của toà. Trong vụ án này, bệnh viện tham gia với tư cách bị đơn dân sự.
Theo cáo trạng, đại diện tám gia đình bệnh nhân tử vong đã kê khai số tiền mai táng từ 78,6 đến 157 triệu đồng. Gia đình chị Đinh Thị Thu Hằng, nạn nhân trẻ tuổi nhất yêu cầu trợ cấp nuôi con và trả nợ ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng. Ngoài số tiền trên, gia đình các nạn nhân còn đề nghị bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật.
Ba trong tổng số 10 bệnh nhân đã phục hồi sức khoẻ, yêu cầu được bồi thường về thiệt hại sức khỏe, tinh thần với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng. Bảy người khác cũng có đơn yêu cầu bồi thường theo quy định về những tổn hại sức khỏe họ phải chịu.
Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong.
Bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội Vô ý làm chết người.
Gia đình hai bị can Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả lần lượt là 50 và 30 triệu đồng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn (đơn vị cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 tại bệnh viện) đã nộp 740 triệu đồng cho cơ quan thi hành án để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các gia đình nạn nhân.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) cho rằng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình yêu cầu phải có hóa đơn đỏ về chi phí mai táng là “không phù hợp với thực tiễn”. Nhiều khoản tiền trong đám tang khó có hóa đơn và phải tùy thuộc vào phong tục từng địa phương. Khi vụ việc được đưa ra xét xử, tòa án sẽ phán quyết dựa vào tình hình thực tế.
Cũng theo luật sư Vinh, khoản bồi thường về chi phí mai táng, sức khỏe, tinh thần, trợ cấp nuôi con nhỏ… được các gia đình nạn nhân liệt kê là đúng quy định pháp luật.
Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định, người chịu trách nhiệm bồi thường ngoài bồi thường thiệt hại vật chất, phải có một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
“Tuy nhiên, việc nhận được bao nhiêu tiền bồi thường phải căn cứ theo kết luận của tòa án. Mà để tòa án phán quyết mức bồi thường lại phải căn cứ vào kết luận điều tra của công an”, ông Vinh phân tích.
Phiên toà sẽ được mở lại vào sáng thứ ba (15/5).