Trên chiếc ghe rộng khoảng 10 mét vuông chính là "ngôi nhà" của anh Nguyễn Văn Thon và chị Ngô Thị Hiền Giang (phường An Khánh, TP Thủ Đức). Không có đất cũng chẳng có điều kiện thuê nhà trọ nên anh Thon và chị Giang cùng 3 người con của mình đã sống trên ghe hơn 10 năm qua.
Trước đây anh Thon làm công việc giăng câu trên sông Sài Gòn, với chiếc xuồng nhỏ, có ngày anh Thon phải đi đến tận Đồng Nai để bắt cá bán.
Gắn bó với công việc này một thời gian, anh bị thoái hóa cột sống nặng không thể làm việc nặng, nên chiếc xuồng câu của anh cũng trở nên “nhàn rỗi” mấy năm qua.
Gần chiếc ghe nơi cả gia đình anh Thon neo lại là khu đất trống được quy hoạch, dự tính sẽ xây dựng thành công viên trong tương lai, anh Thon may mắn được địa phương tạo điều kiện cho mượn đất trồng rau, chị Giang mang ra chợ bán để có thu nhập cho gia đình.
Chỉ tay về mấy luống rau muống đã tàn lụi dần, anh Thon chia sẻ: “Ngoài rau muống, đậu bắp, bầu mướp, tôi cũng ráng trồng thêm vài cây đu đủ để có thêm nhiều thứ bán.
Chứ chỉ bán có vài loại rau người ta sẽ ít mua. Khi nào phường xây dựng công viên mình không được trồng nữa, trả đất lại”.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi bé Nhật Cường, đứa con út của anh chị bị đổ bệnh nặng. Đó là những ngày mà theo chị Giang gọi “chỉ biết quơ quào”.
Lúc sinh ra Nhật Cường vẫn rất khỏe mạnh, được mấy tháng Cường phát bệnh khóc la cả ngày. Gia đình mang bé qua bệnh viện Nhi Đồng 2, được chẩn đoán trào ngược dạ dày. Về nhà 3 ngày sau đầu bé u như bị té, lại tiếp tục đưa đi khám siêu âm, đo điện não và xác định bé bị bệnh não úng thủy.
Để cứu con, gia đình phải chạy vay khắp nơi. Chị Giang nhớ lại: “Chúng tôi ‘quơ quào’ mượn tiền rất nhiều, nội ngoại điều phụ tiền, nhưng bác sĩ chẩn đoán mổ không được.
Khi nghe bác sĩ nói Cường sẽ sống không quá 3 tuổi tôi như chết lặng, vừa ôm con từ bệnh viên về ghe vừa khóc, nhưng hiện tại Cường cũng đã 7 tuổi”.
Thấy được hoàn cảnh của Cường, nhiều người khuyên hãy gửi bé vào chùa nhưng chị Giang và anh Thon nhất quyết không đồng ý, dù sống trên ghe còn nhiều nhọc nhằn nhưng anh chị vẫn muốn tự chăm sóc con, tới đâu hay tới đó.
Nhật Cường còn có hai anh trai là Nhật Hưng 9 tuổi và Tấn Khang 16 tuổi.
“Hưng được bác sĩ chẩn đoán bị tặng động. Nhiều lúc Hưng 'lên cơn' bỏ đi khắp nơi, rồi bị kích động nặng muốn làm gì là làm không cản được, tôi phải mua dây xích trối con lại. Làm vậy cũng khó khăn, đau lòng lắm nhưng không còn cách nào.
Còn anh hai Tấn Khang năm 4 tuổi bị xe đụng gãy chân, bác sĩ phải bắt ốc vít trong chân. Nhưng cũng vì không có tiền nên đến nay Khang đã 16 tuổi vẫn chưa thể đi mổ lấy ốc vít ra”, anh Thon cho biết.
Cạnh chiếc ghe của gia đình anh Thon, cách đó vài chục mét cũng là chiếc ghe mà ông bà ngoại Nhật Cường sinh sống 4 năm nay.
Ba thế hệ cùng sống trên ghe, tuy khó khăn nhưng hiện tại gia đình vẫn cố gắng cho Nhật Hưng đi học, còn Tấn Khang cũng đã đi làm. Mấy năm gần đây Khang xin làm công việc phụ hồ mỗi ngày cũng thu nhập được khoảng 100 ngàn đồng.
Tay trái tay bồng con, tay phải múc chén cơm đã được xay nhuyễn đút cho Nhật Cường ăn, chị Giang cho biết trong tương lai chỉ mong có thêm sức khỏe để lo cho các con của mình.
Anh Thon ngậm ngùi mong muốn: “Tôi sống chông chênh trên ghe xuồng riết cũng quen. Đời tôi đã bấp bênh lắm rồi, giời chỉ mong đủ sức cho con đi học, đi làm để sau này tụi nó bớt khổ hơn mình”.