Xin chào! "Mùa chuyển nhượng"
"Mùa" gì mà dân chúng kháo nhau tìm mẫu CV đẹp, "chất lượng HD"?
"Mùa" gì mà điện thoại réo inh ỏi chuyện tìm việc, "tới công chuyện" chưa?
"Mùa" gì mà lũ bạn cứ share nhau về "job ngon", "sếp tốt", "chỗ làm ưng"?
"Mùa" gì mà đơn nghỉ việc cứ đặt liên tục trên bàn sếp như "lá mùa thu"?
Xin thưa, đó là mùa "chuyển nhượng" hay nói nôm na đây là giai đoạn "vàng" để chuyển công việc hiện tại. Năm mới đi qua cũng là lúc GenZ và "vũ trụ chuyển nhượng nghỉ việc, xin việc bắt đầu xoay vần!
Tuy nhiên, văn hóa nghỉ việc hoàn toàn là một câu chuyện đáng bàn, đáng được đặt lên bàn trà đá ngay lúc này.
Chị Thảo Uyên (SN 1998) chia sẻ: "Gọi dịp qua Tết là "mùa chuyển nhượng" bởi lẽ người ta có xu hướng tìm việc mới vào thời điểm này. Mình ví dụ, như các khoản quyền lợi trong năm cũ đã lấy xong nên người ta sẽ muốn nghỉ việc, tìm việc mới vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, bạn phải tin mình rằng "nghỉ việc" cũng là một nghệ thuật đó. Việc rời đi chắc hẳn sẽ có vài lý do khách quan, lẫn chủ quan: Sếp khắt khe, đồng nghiệp không "fair" hay lương chưa tốt... Mình thấy rằng nhiều bạn chỉ chờ đến ngày cuối cùng để "block hết cả công ty". Hay thậm chí, một số bạn còn dành một dòng trạng thái dài để than phiền, trách móc về nơi làm việc cũ.
Làm thế thì sao? Thì chả sao! Nhưng có điều chúng ta sẽ khó nhìn mặt nhau trong lần tiếp theo thôi. Lần tiếp theo ở đây không phải là sẽ xin việc tại công ty cũ lần nữa, mình đang muốn nói đến những tình huống "trái đất tròn". Ngành y tế, ngành truyền thông, ngành giáo dục, ngành thương mại điện tử... mối quan hệ giữa người với người vẫn cứ kết nối. Vào một ngày đẹp trời, nếu bạn rơi vào tình huống gặp lại sếp cũ hay đồng nghiệp cũ thì chắc là sẽ "đắng" không kém gặp lại "người yêu cũ".
Đi hay ở?
GenZ là thế hệ vẫn còn "trẻ khỏe". Kinh nghiệm chưa dày nhưng cơ hội việc làm cho genZ là có không? Chắc chắn là có! Rộng nữa là khác.
Lấy ví dụ, đài truyền hình V. được xem là một nhà đài lớn, có truyền thống lâu đời. Đầu năm nay, nhà đài bất ngờ ra thông báo ứng tuyển dành riêng cho genZ. Chưa có kinh nghiệm cũng được, tuổi đời còn trẻ cũng được, nhưng tư duy của genZ sẽ mang đến sự mới mẻ, như một làn gió mát để thay đổi nội dung.
"Chúng mình đang tìm kiếm những bạn trẻ năng động, sáng tạo và có cá tính riêng để đồng hành cùng Bản tin, với vai trò Biên tập viên dẫn. Hãy đến với chúng mình, để được làm việc với ekip tuy không còn trẻ nhưng luôn khao khát làm mới bản thân", nhà đài dẫn lời.
Có thể thấy, cơ hội việc làm của genZ rất rộng mở, chỉ cần bạn biết nắm bắt, tận dụng cơ hội mà mình đang có. Cũng chính vì lí do này, nhiều genZ rơi vào tình trạng không biết "đi hay ở".
Cụ thể, bạn Đức Tiến (SN 1997) cho biết: "Mình từng chứng kiến những cuộc chia tay-quay lại, người ta phân vân giữa quyết định "đi hay ở" 1000 lần. Cuối cùng lại có kết thúc không tốt đẹp. Bởi lẽ, khi bạn nộp đơn nghỉ việc rồi rút, rồi lại năn nỉ sếp quay lại công việc cũ khi những khúc mắt trước chưa được giải quyết, tâm trạng của bạn sẽ càng tệ hơn thôi.
Thậm chí, một số bạn lựa chọn cách ở lại nhưng với thái độ hằn học "ghét bỏ cả thế giới". Hoặc khi bạn chọn ở lại, mà tâm hồn bạn không thuộc về nơi này 100% thì đó là lúc nên ra đi". Chuyện ở lại hay ra đi vốn dĩ rất bình thường nhưng mối quan hệ đằng sau đó mới là cái để nói, để nghĩ.
Nhã Thụy (SN 1995) nói: "Năm 2020, khi quyết định chuyển việc, mình được chị sếp gọi vào phòng và hỏi về công việc sắp tới của mình. Chị nói một câu mình rất tâm đắc: "Chọn công việc như chọn gia đình, thời gian trong một ngày ở cạnh đồng nghiệp của em có khi còn nhiều hơn cả người thân". Chị chúc mình vui, luôn yêu đời và không nói gì thêm nữa. Khi đó, mình lại thấy biết ơn chị. Suy cho cùng, nghỉ việc cũng là một văn hóa, không chỉ là khi bạn đặt lá đơn trên bàn, nó còn là cách ứng xử, thái độ mà người khác nhớ về bạn trong suốt thời gian dài".!