TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cũng khẳng định không nên dựng tượng Vua Hùng.
Nhận xét về 3 mẫu phác thảo chân dung đang lấy ý kiến, ông Tuấn cho biết, chưa bàn tới khuôn mặt, mắt mũi, chân tay thì cá nhân ông cũng không ủng hộ việc Vua Hùng mặc áo giáp, đeo long bào.
“Quan điểm của tôi là Vua Hùng thời đó chưa có quần áo để mặc, cũng chưa chắc đã là đóng khố. Vua Hùng càng không thể mặc áo giáp, long bào”, ông nói.
Ông Tuấn khẳng định, khi mọi thứ còn quá mơ hồ như vậy thì Phú Thọ nên cân nhắc chưa nên vội vàng dựng tượng. Theo ông, số tiền 500 tỷ là số tiền không nhỏ, cần cân nhắc để sử dụng nó cho hiệu quả.
“Không thể dựng lên một vị Vua mà không giống ai, na ná người khác. Ví dụ như tượng đài bà Lê Chân thì quá gợi cảm, hiện đại. Hiện chỉ có bức tượng Đức Thánh Trần ở Nam Định được coi là thành công nhất, mặc dù vẫn thể hiện sai thế”, ông Tuấn góp ý.
Về vấn đề này, một vị chuyên gia giấu tên thẳng thắn cho biết, không nên dựng tượng Vua Hùng nhất là khi không ai biết mặt mũi Vua Hùng ra sao, hình mẫu ra sao.
“Vua Hùng, Vị Vua tổ của Việt Nam lại to lớn, hình dáng oai như một ông Tây là không được”, ông nói.
Ông cho rằng, với những nhân vật có hình ảnh, có thông tin, có niên đại lịch sử gần chúng ta nhất như Vua Lý Thái Tổ, Nguyễn Huệ mà vẫn mỗi nơi làm một kiểu. Hà Nội khác Bắc Ninh; Bình Định khác Gò Đống Đa….
Ông khẳng định, “không thể bịa ra một chân dung. Khi chưa đầy đủ thông tin mà cố tình làm là bịa đặt, lãng phí, là có tội với dân”, ông nói.
Vì thế, theo ông, “tốt nhất là không nên dựng tượng mà chỉ nên xây đền thờ như VN vẫn đang thờ các vị thần thánh”.
Vấn đề thứ hai, ông cho biết, ngay cả khi dựng tượng lên nhưng cũng sẽ không có một vị giám khảo nào đủ cơ sở, khả năng để chấm điểm, lựa chọn các bức tượng này.
“Ngay cả trong những trang viết về Vua Hùng cũng “vô hồi kỳ trận” huống chi là dựng lên một chân dung cụ thể. Vậy thì khi lựa chọn các vị giám khảo sẽ chấm theo tiêu chí và cơ sở nào”.
“Hội đồng tuyển chọn sẽ căn cứ trên cơ sở nào để lựa chọn? Làm gì cũng phải dựa theo khoa học, phải căn cứ vào các cơ sở định tính, định lượng cụ thể. Đã dựng chân dung thì phải có mắt, mũi, chân tay, có vóc dáng, có thân hình, có áo quần, trang phục. Vậy phải vẽ lên một bức tượng mà không có chân dung thì phải vẽ thế nào? Lựa chọn thế nào?”, ông đặt câu hỏi.
Cả 3 mẫu tượng đều không đạt
Trao đổi thêm với báo chí, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành, thành viên Hội đồng tuyển chọn cho biết, cả 3 bức tượng vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý của dư luận.
“Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý, Hội đồng tuyển chọn sẽ họp, đánh giá, bình luận và lựa chọn bức tượng khả thi nhất để chuẩn bị cho bước tuyển chọn tiếp theo. Bước tiếp theo sẽ phóng tỉ lệ đất sét 1:1, sau đó lại tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng, xin ý kiến từ Bộ Chính trị… Khi có đầy đủ ý kiến thống nhất từ các cơ quan, ban ngành, khi đó mới quyết định lựa chọn bức tượng nào”, ông cho biết.
Cá nhân ông Thành cũng đánh giá, việc nghiên cứu về Vua Hùng cũng vô cùng khó khăn vì ở VN không có sử sách nào ghi chép lại bằng hình ảnh về các vị vua đời trước. Tất cả chỉ có một vài giữ liệu sử sách viết về Vua Hùng, rất mờ hồ, chung chung về mặt tạo hình. Vì thế, ngay cả việc tìm ra một chứng cứ để khẳng định trang phục nào của thời nào cũng đã vô cùng khó khăn.
Về phía các họa sỹ, phải có trách nhiệm nghiên cứu dựa trên lịch sử, trang phục, văn hóa. Đặc biệt, Vua Hùng là thời xa xưa, là huyền thoại, nên việc nghiên cứu, thu thập các cứ liệu lịch sử về vị Vua tổ của VN cần phải dựa trên những văn hóa của trống Đông, phải dựa trên sử sách, dựa trên lễ hội, văn hóa…
”Tất cả đều không đơn giản, dễ dàng mà đưa ra một bức tượng”, ông Thành nói.
Theo vị Cục trưởng, trên cơ sở những tiêu chí Ban quản lý dự án đưa ra, Hội đồng tuyển chọn sẽ lựa chọn, chấm điểm.
Đánh giá về 3 mẫu phác thảo đang lấy ý kiến, ông Thành cho biết: “Tôi không hoàn toàn hài lòng với bức tượng nào, tất cả còn phải tiếp tục hoàn thiện và sửa chữa. Quan điểm của tôi là không đạt thì tôi không chọn”.