Hai hôm nay, anh đánh giày bị câm Trần Khắc Ân và chú cún mù lại một lần nữa trở thành đề tài nóng được cư dân mạng bàn luận sôi nổi. Trước đó, hai nhân vật đặc biệt này từng gây bão mạng xã hội vào giữa tháng 8 năm ngoái nhờ tình bạn đẹp và giản dị của họ. Còn lần này, cả hai được nhắc đến qua sự kiện bộ đồ đánh giày và chú chó của anh Ân bị kẻ xấu đánh cắp nhưng may mắn là chú chó đã trốn thoát và tìm được đường về với chủ nhân.
Sau khi được đông đảo mọi người biết tới, anh Ân liên tục nhận được nhiều sự trợ giúp của cộng đồng. Dù người đánh giày câm vẫn có thể tiếp tục tự mình kiếm tiền từ công việc đánh giày thường lệ nhưng mọi người vẫn bất chấp kéo đến tặng quà, gửi tiền, mang đồ ăn, thức uống tới… Họ không cần biết anh có thật sự cần những thứ đó và cũng chẳng bận tâm anh có thoải mái khi phải tiếp nhiều người lạ hay không. Lòng tốt thái quá của mọi người khi đó đã ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt của người đàn ông tội nghiệp và chú chó cưng của mình.
Sự kiện anh Ân bị mất cắp bộ đồ nghề và suýt mất cả người bạn thân nhất của mình lần này cũng vậy. Trong khi anh vẫn bình thản đón nhận sự việc thì báo chí và cộng đồng mạng lại đua nhau phẫn nộ và đau khổ thay anh. Thậm chí, nhiều người còn kịch cỡm chửi đời, lên án xã hội đầy rẫy trộm cướp hay ca thán rằng sự việc trên khiến họ mất niềm tin ở cuộc sống. Một việc rất nhỏ, rất bình thường nhưng có lẽ vì gắn liền với hai nhân vật từng gây sốt nên đã bị một bộ phận “thà nước đục thả câu”, thêm thắt và trầm trọng hóa vấn đề.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ không chỉ lên án hành động ăn cắp của bọn xấu mà còn tiếp tục vận động đóng góp cho anh Ân một cách vội vàng, không sáng suốt y như lúc các bạn mới biết về sự tồn tại của anh và chú chó nhỏ. Chúng ta cũng có thể dễ dàng đoán ra, cuộc sống của anh Ân sẽ lại bị đảo lộn một lần nữa: anh không đi đánh giày được vì cứ phải tiếp hết người này tới người kia, chú chó nhỏ cũng không được yên thân vì mọi người đến sẽ lại bế chú lên mà cưng nựng. Một vòng luẩn quẩn nữa sắp lại bắt đầu.
Chị Nga - một người bán hàng trong khu vực anh Ân sinh sống cho biết anh Ân là người có lòng tự trọng rất lớn. Dù không có cuộc sống dư dả, nhưng anh không bao giờ nợ tiền của hàng ăn hay mọi người xung quanh. Anh vẫn có thể ăn hàng, hút thuốc, mặc quần áo sạch sẽ, gọn gàng, không đáng phải thương hại như những gì cư dân mạng “vẽ” ra cả. Ngoài ra, anh cũng có ý thức tiết kiệm. Và kể cả như vậy, thì mức thu nhập cỡ 100.000 đồng một ngày cũng có thể giúp anh sắm sửa lại một bộ đồ nghề mới mà không phải quá chật vật. Ấy thế mà, vẫn có những người không chịu ngẫm ra được việc đơn giản này và làm ầm lên chỉ vì anh Ân bị mất một bộ đồ nghề.
Quả thật là vậy, nói ra mình thương ai đó nghèo khổ, bỏ ra chút ít tiền giúp đỡ họ ngay lập tức thì dễ nhưng hiểu, thương và giúp đúng cách mới là điều khó khăn mà nhiều người cần phải học.
Chủ một quán cà phê trên đường Thái Văn Lung, nơi anh Ân hay xuất hiện, cho hay người đàn ông câm thường để đồ ở giữa hè đường rồi đi đâu mất dạng nên việc anh bị mất đồ là chuyện có thể lường trước được. Mọi người không nên mù quáng, trầm trọng hóa một việc rất đơn giản như thế này. Vấn đề quan trọng là bản thân anh Ân phải rút kinh nghiệm không để đồ đạc ngoài phố dẫn đến bị mất cắp như vậy nữa. Cuộc sống của chúng ta còn rất nhiều điều ý nghĩa để làm, hơn là nhắm mắt nhắm mũi để truyền thông không có lương tâm dắt đi.
Như vậy, sự việc không may xảy ra với người đánh giày câm lần này trước hết là do bản thân anh không cẩn thận. Nhiều người nhân sự kiện này lên tiếng chửi đời dường như có phần “ngây thơ”. Bởi nạn trộm cướp vốn dĩ đã là một phần của cuộc sống này. Xã hội có người tốt thì cũng có người xấu, có việc tốt thì cũng có việc đáng lên án. Ngay cả ở các nước phát triển, nếu sơ hở, người dân vẫn bị mất cắp như thường. Bản thân mỗi người nên tự ý thức làm nhiều việc tốt, hạn chế điều xấu thay vì hùa nhau nhằm vào những việc nhỏ nhặt, mang tính cục bộ để mà lên án cả một xã hội.