Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đọc tin này để hiểu vì sao 16 người Việt mới có năng suất lao động bằng 1 người Singapore

Việc nghỉ lễ quá dài và quá nhiều đang được cho là nguyên nhân khiến năng suất lao động của người Việt Nam bị liệt vào dạng thấp nhất thế giới, nhưng có lẽ ý thức trách nhiệm kém, tinh thần rệu rã, trì trệ của mỗi người sau mỗi dịp nghỉ lễ mới chính là nguyên nhân chính!

Công sở rệu rã như “quân thất trận” sau kỳ nghỉ lễ

Cứ sau mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, một vấn đề nổi lên mà hàng bao nhiêu năm qua người Việt Nam vẫn không thể khắc phục được đó là tinh thần rệu rã khi quay trở lại đi làm, đi học.

Nhất là năm 2016 này, các kỳ nghỉ lễ khá sát nhau mà đợt nghỉ lễ nào cũng kéo dài từ 3 - 4 ngày, khiến cho người ta dễ bị “ngợp” vì được nghỉ quá nhiều, xong có vẻ như sau đó dẫn đến hiện tượng “sốc” khi phải làm việc trở lại.

Từ trong ngay những ngày nghỉ cuối cùng, người ta đã bắt đầu than thở, rên rỉ nào là “ngay mai đã phải đi làm rồi à?”, “tại sao lại được nghỉ ít thế nhỉ”, “cuộc đời này thật là bất công”, v…v… Tất cả cũng chỉ vì ngày mai là ngày phải đi làm bình thường trở lại (?!).

Chưa hết, hầu như nơi làm việc nào trong những ngày đầu tiên sau nghỉ lễ cũng bị rơi vào trạng thái uể oải, ù ờ như mất hồn, vì rất ít người thực sự có tinh thần tập trung làm việc hay thực sự muốn động đến thứ gọi là “công việc” ấy.

Đến công sở, điều đầu tiên có thể trông thấy trên nét mặt của nhiều người đó là sự chán nản, mệt mỏi. Nhiều người đến làm việc nhưng “mắt trước mắt sau” đã thấy ngủ gục ở trên bàn.

Tình trạng uể oải, mệt mỏi dễ thấy của dân văn phòng sau mỗi dịp nghỉ lễ kéo dài - Ảnh minh họa

Tình trạng uể oải, mệt mỏi dễ thấy của dân văn phòng sau mỗi dịp nghỉ lễ kéo dài - Ảnh minh họa

Như chị Hòa Vân ở công ty truyền thông HMT chia sẻ: “Sáng đầu tiên đi làm trở lại đã thấy không khí chán nản rồi. Hầu như ai cũng đi làm muộn, trên mặt thấy rõ sự mệt mỏi, uể oải, chán nản. Thậm chí có anh còn xin nghỉ không đến cơ quan buổi sáng vì ở quê không bắt được xe nên chưa kịp có mặt. Bên phòng hành chính có người còn xin nghỉ vì đi du lịch về mệt quá nên chưa đi làm được nữa cơ, còn nhờ mình nói đỡ với sếp mãi để vẫn được xếp vào danh sách thưởng tháng của cơ quan (?!)”.

Không chỉ riêng cơ quan chị Vân, ngay cả những người lãnh đạo như anh Doãn Mạo Hùng, giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu tại Hải Phòng còn cho biết, bản thân anh hiểu nhân viên của mình đi làm trong những ngày đầu sau nghỉ lễ sẽ có rất nhiều biến động về tâm lý.

“Có những nhân viên vẫn còn tỏ ra tiếc nuối vì cảm thấy nghỉ chưa được đã, có người tác phong làm việc thẫn thần thờ thờ, có người chưa làm đã nghĩ đến chuyện về, có người vẫn còn thiết tha kêu trời kêu đất ao ước giá mà được… nghỉ tiếp”, vị giám đốc cho biết.

Chính vì vậy, dù không phải là thứ hai đầu tuần nhưng anh vẫn quyết định tổ chức một cuộc họp toàn công ty để xốc lại tinh thần làm việc cho anh em. Có những trường hợp xin nghỉ rất vô lý nhưng anh cũng cố gắng châm chước để họ có thời gian hồi lại như cũ, lấy sức để làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bản thân anh Hùng cũng hiểu việc này cũng chỉ giải quyết được phần nào, quan trọng vẫn là tinh thần và ý thức ở mỗi người.

Chưa hết, những câu chuyện mọi người nói với nhau thay vì tiến độ công việc ra sao, hôm nay cần làm những gì thì được chuyển sang thành những câu chuyện về đi chơi, đi du lịch, đi nghỉ dưỡng hay ở nhà… trong suốt 4 ngày nghỉ lễ.

Thời gian làm việc sẽ còn có thêm cả những khi lên mạng tán gẫu cùng bạn bè về việc nghỉ lễ đi đâu làm gì, hay lượn lờ facebook cập nhật tình hình xem mọi người đã và đang ăn chơi ở những đâu, xem ảnh đi du lịch của mình mới đăng ngày hôm qua được bao nhiêu lượt thích, bao nhiêu bình luận…

Văn phòng vắng hoe sau mỗi kỳ nghỉ lễ kéo dài vì nhân viên về quê không kịp bắt xe lên đi làm - Ảnh minh họa

Văn phòng vắng hoe sau mỗi kỳ nghỉ lễ kéo dài vì nhân viên về quê không kịp bắt xe lên đi làm - Ảnh minh họa

Chưa kể, sau một kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài như vậy, người dân lại phải đối mặt với sự đông đúc, tắc nghẽn khi ra đường, cộng thêm cái nóng oi ả đầu mùa hè khiến cho tinh thần càng thêm phần xuống dốc.

Anh Hùng cũng nói thêm: “Một cơ quan ví dụ có 50 con người, thì chỉ cần 20 người có tinh thần đi xuống như vậy cũng đã đủ khiến cho không khí chung của cả công sở bị mất đi khí thế, thành ra rệu rạo chẳng khác nào cơm nguội. Hệ quả của những kỳ nghỉ lễ dài cảm tưởng như là vô hình nhưng có thể nhìn thấy được rõ ở từng nhân viên, và về sau nó còn thể hiện trên năng suất lao động và chất lượng hoạt động của toàn công ty”.

Do đó có lẽ việc được nghỉ lễ quá dài chính là nguyên nhân cốt lõi khiến cho tinh thần làm việc của người lao động bị ảnh hưởng lớn đến như vậy, và cũng là lý do vì sao mà năng suất lao động của người Việt Nam vẫn bị liệt vào dạng thấp so với trong khu vực, chứ chưa nói tới so với thế giới.

Năng suất lao động Việt Nam thấp do được nghỉ nhiều?

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì gần 16 người Việt Nam mới có năng suất lao động bằng một người Singapore và phải mất hơn 60 năm mới đuổi kịp được họ.

Hay như theo thông báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam đã thua Lào, chỉ còn cao hơn được Myanmar và Campuchia.

Theo thống kê, nếu tính cả số lượng ngày nghỉ cuối tuần gồm thứ 7 và chủ nhật, ngày nghỉ phép theo đúng quy định thì mỗi người lao động trong năm 2016 này sẽ được nghỉ tổng cộng 126-130 ngày.

Số ngày làm việc còn 238 - 242 ngày, tức là bình quân cứ đi làm 2 ngày, người Việt Nam sẽ có 1 ngày nghỉ.

Chia sẻ trên báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng, người Việt Nam nghỉ nhiều quá và điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.

Cộng với đó là tốc độ làm việc của người Việt Nam quá chậm, không thể có năng suất lao động cao bởi khi tính năng suất lao động người ta tính bình quân trên một đầu người lao động trong cả năm, dẫu năng suất lao động mỗi ngày của người lao động có cao nhưng nghỉ nhiều thành ra năng suất cả năm thấp.

1600504doisong-nghile3

Việc được nghỉ lễ liên tục và dài ngày trong đợt giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4, 1/5 vừa qua chắc chắn là niềm vui đối với nhiều người nhưng lại là điều khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực sự lo lắng.

Như đại diện một công ty đối tác của Samsung cho biết, họ vẫn phải bố trí người làm việc trong những ngày nghỉ để đáp ứng được đơn hàng của khách hàng, bởi lĩnh vực kinh doanh điện tử của Samsung yêu cầu tiến độ gấp và duy trì liên tục nên nếu nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ và chất lượng hoạt động của họ.

Ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cũng cho biết, việc nghỉ lễ dài ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả đầu ra của doanh nghiệp và thậm chí của cả nền kinh tế.

Hay như nhiều chuyên gia cũng đã nhận định, không khó hiểu khi những doanh nghiệp nước ngoài thường hay “chê” nhân lực Việt Nam và xin được đưa lao động nước ngoài về Việt Nam làm việc.

Ngoài việc lao động Việt Nam trình độ chuyên môn không cao, khả năng ngoại ngữ thuộc dạng kém, các kỹ năng mềm cũng chưa tốt … thì việc có quá nhiều ngày nghỉ lễ sẽ khiến cho năng suất lao động bị giảm đi đáng kể, và phải mất kha khá thời gian để tái khởi động lại năng suất công việc của toàn hệ thống.

Chưa kể người Việt Nam thường có tâm lý “nghỉ một nhưng vẫn muốn nghỉ hai”, nên dư âm sau mỗi kỳ nghỉ lễ có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Như nghỉ Tết Âm lịch kéo dài trong 9 ngày nhưng bánh chưng, thịt mỡ vẫn “theo” người Việt tới tận hết tháng Giêng.

Theo thống kê của Viện khoa học Lao động và Xã hội cho hay, số ngày nghỉ của Việt Nam vẫn ở mức trung bình so với các quốc gia khác trên thế giới và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Lào, Campuchia….

Tuy nhiên, ở các quốc gia khác, số lượng ngày nghỉ trong mỗi dịp lễ thường chỉ dao động trong 1 -2 ngày, ngoài ra người dân nơi đây tự ý thức được việc nghỉ-ra-nghỉ và làm-ra-làm, tức trong những ngày nghỉ họ cũng sẽ đi du lịch, đi nghỉ dưỡng hoặc chỉ đơn giản là đi cắm trại, đi câu cá gần nhà như một cách để nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Song khi đã trở lại làm việc, họ sẽ thực sự bắt tay vào làm việc như chưa từng được nghỉ, thậm chí là chấp nhận làm thêm giờ để giải quyết khối lượng công việc đã bị dồn ứ lại do những ngày vừa nghỉ.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng như: sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, trình độ công nghệ, chất lượng lao động, chất lượng kết cấu hạ tầng cơ sở, năng lực quản trị điều hành ở cấp quốc gia và cấp doanh nghiệp, v.v…

Do đó không chỉ vì một vài ngày nghỉ mà có thể đánh giá sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước xung quanh.

Nhưng điều quan trọng là trong khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập thì lao động trong nước lại bị đánh giá năng suất lao động thấp, các doanh nghiệp nước ngoài thì e ngại sử dụng chỉ vì nghỉ lễ quá nhiều.

Và đáng nói hơn là có thể thấy ý thức của người lao động Việt Nam vẫn chưa thực sự phân tách rõ ràng giữa làm và nghỉ, tâm lý ề à, trì trệ hay cũng như trách nhiệm đối với công việc tập thể và đối với ngay cả công việc cá nhân sau mỗi đợt nghỉ lễ vẫn chưa cao.

Cho nên có lẽ chỉ đến khi nào không còn những gương mặt uể oải chán nản, những lý do nghỉ không chính đáng xuất hiện ở công sở sau những kỳ nghỉ lễ dài hay không còn những câu hỏi đại loại như: “Vì sao có 18 vị Hùng vương nhưng nghỉ lễ lại chỉ có 1 ngày mà không thêm 17 ngày nữa?”, thì chắc có lẽ khi đó mới dám mong năng suất lao động thực sự của người Việt Nam có thể cải thiện được.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm