Mấy ngày nay, thông tin những chiếc khăn Khaisilk, vốn lấy slogan “Tôn vinh lụa tơ tằm Việt Nam”, lại là hàng “Made in China” đang gây xôn xao dư luận.
Khoan hãy nói đến vụ việc kể trên, nhân ngày “khaisilk” đang trở thành từ khóa “hot” trên mạng, chúng ta hãy nhìn lại xem doanh nhân này là ai và chặng đường 30 năm kinh nghiệm buôn lụa đã đem lại cho ông những gì?
Tuổi thơ nghèo khó ít người biết của Khải Silk
Đại gia Khải Silk (Hoàng Khải) sinh năm 1964 tại Hà Nội, trong một gia đình có cửa hàng thêu trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Là con trai cả trong gia đình có 3 anh em, hết giờ ăn học, ông Khải vẫn phải giúp mẹ thêu cờ thi đua để kiếm thêm thu nhập.
Trước khi bước vào con đường kinh doanh, Khải Silk là sinh viên của Nhạc viện Hà Nội. Tuổi thơ ông phải chịu nhiều vất vả vì nghèo khó. Lúc đó, có lẽ Hoàng Khải cũng không thể hình dung sau này, ông sẽ sở hữu nhiều tài sản lớn đến vậy.
Bước ngoặt bắt đầu vào năm Khaisilk 25 tuổi, ông từ bỏ tình yêu âm nhạc để gia nhập thương trường. Nhờ những quan sát ở nước ngoài, ông Hoàng Khải mở thành công tiệm bán tơ lụa đầu tiên tại Hàng Gai, với định vị sản phẩm ở phân khúc cao cấp. Từ cửa hàng đầu tiên ở phố Hàng Gai, ông Khải phát triển thêm có 3 cửa hàng lớn nằm tại khách sạn Metropole, khách sạn Nikko và Sofitel Plaza.
Tích lũy đủ vốn, doanh nhân này xoay sang đầu tư vào bất động sản, rồi dần chuyển hướng kinh doanh mũi nhọn vào Sài Gòn. Giai đoạn những năm 2000, ông chủ Tập đoàn Khải Silk phát triển các khách sạn 5 sao nổi tiếng như Legend, NewWorld và Nhà hàng Ngôi Nhà nhỏ “Au Manoir De Khai”. Sau đó, những cửa hàng, thương hiệu Khaisilk bắt đầu có mặt ở những khu vực Đồng Khởi (TPHCM), khách sạn Intercontinental Peninsula Đà Nẵng và JW Marriott Phú Quốc.
Khối tài sản “kếch xù” và những lần “chơi trội” khiến dân tình choáng váng
Ở tuổi 53, Khaisilk hiện sở hữu khối bất động sản có giá trị hàng triệu USD. Nổi bật là tòa lâu đài màu trắng Tajmasago trị giá 15 triệu USD nằm tại bờ hồ bán nguyệt của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đã từng được nhắc đến trong tạp chí Forbes phiên bản tiếng Việt. Ngoài ra, vị doanh nhân này còn sở hữu Trung tâm thương mại và giải trí “Sài Gòn Paragon” với số vốn đầu tư lên tới 35 triệu USD.
Ông chủ họ Hoàng còn sở hữu chuỗi nhà hàng cao cấp như Charm Charm, Nam Phan, Khai’s Brothers… Trong tháng 10 này, doanh nhân Hoàng Khải đã khởi công xây dựng dự án cao ốc The Khai tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng với tổng vốn đầu tư 19 triệu USD. Ngay cạnh đó, dự án The Price cao 20 tầng cũng đang được triển khai được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển.
Năm 2007, chiếc Rolls-Royce Phantom với trị giá khoảng 1 triệu USD đột ngột xuất hiện trước cửa khách sạn Sheraton đường Đồng Khởi, quận 1, TP HCM, khiến nhiều ngoài choáng váng. Chủ nhân của siêu xe này chính là đại gia Khải Silk. Vào thời điểm đó, chiếc Rolls-Royce Phantom được coi là chiếc xe đắt nhất Việt Nam.
Ngoài sở hữu bất động sản, Khaisilk cũng được đánh giá là đại gia chịu chi khi sở hữu bộ sưu tập xe hơi hoành tráng. Cùng với Rolls-Royce Phantom, ông Khải còn tậu thêm Range Rover, Jaguar, Audi Q7, BMW series 7, Mercedes S500 đời 2016… với giá bán từ 3,5 - 6 tỷ đồng.
Người truyền cảm hứng cho start-up Việt nhưng dính khá nhiều vụ lùm xùm
Là một trong những nhà đầu tư khách mời của chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank, doanh nhân Hoàng Khải được nhiều start-up mến mộ vì những câu nói truyền cảm hứng. Trước truyền thông, ông Khải cũng từng có những câu nói truyền lửa rất ấn tượng như:
“Không có một cái gì có thể làm cho bạn giàu lên trong chốc lát ngoài việc các bạn phải trau dồi thêm kiến thức và chịu khó đi làm việc để có thêm những kinh nghiệm trong cuộc sống trước khi nắm bắt lấy nhưng cơ hội, hoặc tự mình tạo ra cơ hội cho chính mình.
Hãy làm việc với những cơ hội ấy với 1 lòng đam mê, đầy nhiệt huyết cho đến khi tay của bạn chạm được vào thành công đó thì sự thành công đó nó mới là của chính bạn”.
Tuy nhiên, ngoài những điều này, doanh nhân này cũng dính phải một số vụ lùm xùm. Trước đó, việc doanh nhân này từng có ý định mở chuỗi 300-400 quán phở cùng vấp phải rắc rối liên quan đến sáng tạo thương hiệu. Chủ quán phở Sướng tại Hà Nội cho rằng việc Hoàng Khải có ý định đặt tên phosuong là vi phạm bản quyền thương hiệu.
Nhắc đến lụa Khaisilk, người ta nghĩ ngay đến một thương hiệu “made in Việt Nam” sang trọng, đẳng cấp. Nhiều du khách tìm mua bằng được một chiếc khăn Khaisilk làm kỷ niệm, trong khi không ít người Việt cũng lựa chọn sản phẩm này làm quà tặng cho đối tác trong những sự kiện quan trọng. Tự hào và đặt niềm tin vào Khaisilk bao nhiêu, người tiêu dùng càng thất vọng bấy nhiêu khi công ty bị tố bán khăn lụa tơ tằm xuất xứ Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam.
Sau một thời gian giữ im lặng, ông Hoàng Khải cũng chính thức lên tiếng thừa nhận thông tin trên là sự thật, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng những vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng.