Chàng trai Thi An Kiện tử nạn khi cùng bạn bè chinh phục cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng. Nơi anh nằm xuống là con thác dữ Lao Phào, thuộc ngọn núi Công Chúa nổi tiếng hiểm trở, linh thiêng.
Phải mất đến 3 ngày kể từ khi được tìm thấy, thi thể Kiện mới được đưa lên khỏi con thác để về với gia đình. Đâu ai muốn anh phải nằm lại nơi lạnh lẽo đó lâu đến như thế, nhưng thác Lao Phào cùng núi rừng Phan Dũng không dễ dàng chinh phục. Những chàng trai của các nhóm cứu hộ đến Phan Dũng để đưa thi thể An Kiện về nhà chính xác là đã bước vào 1 cuộc chiến khốc liệt với thiên nhiên, với những nỗi sợ và với cả sức chịu đựng của bản thân mình.
Cuộc chiến đầy cam go ấy đã được Nguyễn Quốc Huy - 1 trong những người trực tiếp đưa thi thể An Kiện về gia đình kể lại.
“12h đêm, anh em vẫn tự động viên nhau giữa núi rừng bạt ngàn”
Nguyễn Quốc Huy là 1 hướng dẫn viên thuộc Hiệp hội du lịch Lâm Đồng. Chàng trai đam mê với du lịch mạo hiểm này chưa một lần đặt chân đến cung đường Tà Năng - Phan Dũng dù đã từ rất lâu rồi, anh mơ ước được khám phá.
Anh quyết định lên đường đến đây sau 1 cuộc điện thoại từ bạn bè, báo tin cần người có kinh nghiệm leo núi để giúp đỡ đưa thi thể chàng phượt thủ Thi An Kiện lên từ tầng thứ 3 con thác Lao Phào. Hành trình đến với thác dữ Lao Phào đã được anh cùng đồng đội lên kế hoạch nhưng không thể tránh khỏi được những khó khăn bất ngờ.
Cuộc chiến với thác dữ Lao Phào bắt đầu với địa hình vô cùng hiểm trở. Để xuống được tầng thứ 3 nơi Kiện đang nằm, mỗi thành viên trong các nhóm cứu hộ đều phải trang bị cho chính mình những thiết bị leo núi chuyên dụng.
“Thi thể được xác định nằm ở tầng thác thứ 3 của thác Lao Phào nằm trên địa phận Phan Dũng, Tuy Phong, Bình Thuận. Ngay lúc đó, anh em tìm mọi cách băng rung băng suối leo các vách đá dựng đứng để tới nơi xác nằm một cách nhanh nhất để tìm phương án tác chiến. Khoảng 15h30, đoàn tiếp cận được xác sau 3h30 phút băng rừng, cũng rất may có lực lượng anh em người địa phương hùng hậu giúp.
Anh em chúng tôi vận chuyển một lượng đồ nghề khá lớn để xuống thác làm công tác cứu hộ. Vấn đề lớn nhất lúc này là mọi thứ nó đang nằm ngoài sức tưởng tượng của anh em, về địa hình, về thời gian tiếp cận và thi thể đã nằm đó quá lâu đang phân hủy mạnh” - anh Huy kể lại hành trình của đoàn trên Facebook cá nhân.
Khi cả đoàn cứu hộ tiếp cận được thi thể An Kiện cũng là khi trời trở tối. Khi ấy, cuộc chiến với con thác Lao Phào lại thêm gian nan khi một vấn đề khác lại nảy sinh: Thiếu lương thực. Nếu không có thức ăn, các anh em trong đoàn cứu hộ dù khỏe mạnh nhất cũng sẽ không thể còn sức để đưa được thi thể Kiện lên tới đỉnh thác. Do vậy, ngoài những anh em ở lại tầng thác thứ 3, những người còn lại đã phải đi bộ ngược trở lại nơi tập kết để lấy lương thực tiếp tế.
“Vấn đề đặt ra cho cả đoàn bây giờ là dựng lều ngủ lại hay lên điểm tập kết? Nếu ngủ lại với Kiện thì sẽ có 1 đêm có anh em? Còn với anh em ngủ lại thì không có đủ thức ăn lương thực và có thể anh em sẽ ở đó với Kiện mãi mãi luôn. Nên quyết định là bằng mọi giá di chuyển trong đêm về điểm tập kết, và thế là băng rừng rậm, leo lên những vách đá dựng đứng và đối diện với hiện tượng đá lăn, anh em nối đuôi nhau chụp từng hòn đá lăn cho nhau trong cảnh núi rừng đã về đêm và mình là thằng đi sau cùng của đoàn.
23h đêm 22/5, sau 5h đồng hồ anh em đã có mặt tại điểm tập kết. Đói, mệt, lo lắng tìm sóng điện thoại thông báo cho gia đình đó là việc đầu tiên khi anh em tới điểm tập kết.
Anh em tự động viên nhau chợp mắt một lúc giữa núi rừng bạt ngàn. 1h sáng, 2h sáng vẫn nghe tiếng anh em nói chuyện và mình cũng thế, mệt nhưng không thể chợp mắt nổi!!” - Quốc Huy nhớ như in hành trình vượt rừng quay lại nơi tập kết lấy lương thực.
Sáng ngày hôm sau, hành trình đưa An Kiện trở về nhà từ thác dữ Lao Phào lại tiếp tục. Khi ấy, lương thực đã được tiếp tế, nhân lực cũng đã bổ sung, cái khó ở đây là cách để đưa được thi thể nam phượt thủ đã phân hủy lên qua 3 tầng thác.
“6h30 ngày 23/05, mỗi người tranh thủ ăn tạm miếng bánh, miếng lương khô, uống chút nước và lên đường. Lần này, team Đà Lạt sẽ tiếp cận thác 1, 2 và một số anh em xuống 3 phụ mang lương thực cho team Sài Gòn mắc kẹt cả đêm ở thác 3 không nước, không đồ ăn… Ơn giời là anh em vẫn ổn cả.
Dưới thác 3 có nhiệm vụ tiếp tục di chuyển Kiện lên với thác 2. Các đội set up dây làm sao nhanh nhất với phương án cuốn chiếu từng tầng thác một. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp với sự kết hợp hoàn hảo giữa 3 đội.
12h30, Kiện đã lên tới đỉnh thác 1. 50% chặng đường đã thành công đội lương thực đã tới, những thùng mì tôm lúc này quý giá biết bao… Chặng đường con khó khăn phía trước với việc đưa Kiện lên trên bằng cáng khiêng và mùi thi thể ngày càng nặng.
Mất khoảng 2h để đưa Kiện lên đường mòn để có thể cột lên những chiếc “siêu xe” xuôi về Phan Dũng nơi ba mẹ gia đình đang ngóng chờ em.
14h30, đoàn cứu hộ hành quân xuống. Một đội đi trước dọn đường cho xe qua, một đội phụ sau xe, một đội mang các hành lí tiếp thực, ai cũng mệt nhưng đã tới thời điểm này thì không được lùi bước nữa.
21h00 ngày 23/05, Kiện đã được gặp gia đình. Lúc này những bước chân cũng đã không còn chuẩn nữa..!!” - Hành trình đưa An Kiện về nhà kết thúc vào tối ngày 23/5, sau 3 ngày phát hiện thi thể chàng trai dưới thác Lao Phào.
“Đam mê ai cũng có, nhưng hãy thực hiện nó một cách an toàn, hiểu biết nhất”
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Quốc Huy cho biết dù bản thân đã có nhiều năm kinh nghiệm chuyên về leo núi và vượt thác, trước khi đến Tà Năng - Phan Dũng anh cũng đã tự tìm hiểu về địa hình ở đây, thế nhưng anh đã phải choáng ngợp trước con thác Lao Phào dốc dựng đứng vô cùng nguy hiểm.
“Trước khi đi mình có tìm hiểu về thác Lao Phào nhưng đến nơi vẫn thấy hoàn toàn choáng ngợp. Số lượng người đến thác Lao Phào khi ấy chừng 30 người, đều là những người rất khỏe mạnh, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ.
Kể cả những người khỏe nhất trong đoàn khi ấy đều rất mệt và đói. Tất cả mọi người đều rất cố gắng. Mình thực sự khâm phục những người đã ở lại Phan Dũng từ trước đó khi mới bắt đầu tìm kiếm Kiện cho đến tận ngày đưa em lên, họ quả thực có sức khỏe và có “tâm”. Trước đó trong thời gian còn tìm kiếm Kiện, số người có mặt ở đây rất đông nhưng số nhiều không thể trụ lại được, vì công việc, vì kiệt sức, thậm chí có vài người chỉ đến săn tin” - Anh Huy chia sẻ.
Trong hành trình đưa An Kiện trở về với gia đình, nhóm của anh Huy đã bị hỏng 1 chiếc flycam. Thế nhưng những mệt mỏi, mất mát ấy có là gì đâu. Anh Huy kể, khi trực tiếp bàn giao thi thể An Kiện về với gia đình đang chờ ở nơi tập kết, cả đoàn đã chẳng thể nào che giấu được sự xúc động, nghẹn ngào.
“Khi gặp được gia đình Kiện phía ngoài rừng, mọi mệt mỏi, mất mát đều tan biến hết vì cả đoàn đã hoàn thành mục tiêu, đã giúp Kiện về được với gia đình” - anh Huy kể.
Anh Huy cũng cho biết, anh làm nghề du lịch mạo hiểm đến thời điểm hiện tại đã được 4 năm. Anh có nhiều kinh nghiệm về leo núi và vượt thác, có đầy đủ các chứng chỉ về hành nghề do chuyên gia nước ngoài cũng như do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp. Dù có nhiều kinh nghiệm chinh phục những địa hình khó, tuy nhiên anh cho rằng trekking Tà Năng - Phan Dũng không chỉ cần có mỗi đam mê, cung đường này đòi hỏi sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên đường.
“Tất cả các tai nạn tại Tà Năng - Phan Dũng tới thời điểm này là do các bạn trẻ đi theo hình thức tự phát, không có công ty tour hay người dẫn đường nào cả. Đây là 1 cung đường đẹp nhưng cũng nhiều nguy hiểm nếu như mình không chuẩn bị kĩ. Theo cá nhân mình thì việc chinh phục bất cứ cái gì thì bạn phải là người tìm hiểu kĩ lưỡng về nó.
Đam mê ai cũng có, nhưng hãy thực hiện nó một cách an toàn, hiểu biết nhất” - Anh Quốc Huy tâm sự.
Với những cống hiến đầy kiên cường của mình cùng anh em, đồng đội, anh Huy cùng 4 thành viên khác thuộc đoàn cứu hộ nam phượt thủ Thi An Kiện là anh Trần Lý Tưởng, anh Ngô Anh Tuấn, anh Đặng Hữu Tuấn và anh Phạm Tuấn Anh đã vinh dự nhận được giấy khen của Hiệp hội du lịch Lâm Đồng.