Ngọt ngào hương vị tuổi thơ
Để nhắc nhớ về tuổi thơ, trong mỗi chúng ta là hàng chục, hàng trăm kí ức cuồn cuộn chảy. Đó là những buổi trưa hè nắng gắt, mình mải miết nô đùa, trốn tìm trong mấy khúc quanh của con hẻm nhỏ. Đó là vị mằn mặn từ niêu cá kho của bà. Đó là tiếng tí tách khi cho hết vốc "trái nổ" xuống mương nước sau nhà.
Và thật lạ, khi người ta lớn lên, những hồi ức êm đềm đó vẫn có thể vỗ về tâm hồn, giúp ta mỉm cười giữa cuộc sống bộn bề lo toan. Và có những hương vị của kí ức khiến ta như bé lại, trở thành lũ trẻ rong chơi như ngày nào.
Nếu là một đứa trẻ lớn lên ở Sài Gòn, chắc hẳn bạn đã thưởng thức qua món bánh tráng mạch nha. Mấy buổi trưa hè, chúng tôi hay chạy đuổi theo những gánh hàng rong len lỏi trong con hẻm nhỏ. Gánh bánh tráng mạch nha rất đơn giản, khuôn mạch nha vào nâu vàng óng ánh, hủ mè rang nho nhỏ, kế bên là dừa bào sợi... Chỉ bấy nhiêu thôi mà làm bao đứa trẻ "say mê".
Sài Gòn là lưu vực rộng lớn của nhiều dòng chảy văn hóa. Bằng chứng là ngay từ nhỏ, chúng tôi vẫn cứ thích mê món hủ tiếu người Hoa, phở Bắc, bún mắm miền Tây... Và bánh tráng mạch nha cũng thế. Nó là sự kết hợp giữa lớp bánh tráng Tây Ninh giòn xốp và kẹo mạch nha trứ danh của Quảng Ngãi.
Làm kẹo mạch nha cũng là một "nghệ thuật", bởi đôi tay của người bán phải thật sự khéo léo mới cho ra mẻ mạch nha vàng ươm, thơm lừng, đủ độ dẻo để kéo phủ lên bánh tráng. Dừa bào sợi phải thật nhuyễn, mè rang vừa tới để làm tăng thêm hương vị cho bánh tráng mạch nha.
Món ăn đơn giản vậy thôi, mà nồng đượm mùi vị của tuổi thơ. Mỗi buổi chiều, chúng tôi ngồi quây quần quanh gánh bánh tráng, nhìn cô bán thoăn thoắt tay kéo kẹo, bào dừa, rắc mè rồi kẹp lại. Miếng bánh tráng giòn tan, kẹo ngòn ngọt, dừa beo béo, tất cả đều nồng nàn và lan tỏa.
Nó khiến bọn trẻ con thèm thòm, phải để dành tận 2, 3 ngày mới đủ mua một phần bánh tráng mạch nha. Nó khiến tuổi thơ chúng tôi ngọt ngào, vẹn tròn hơn.
"Ông chỉ" và bọn trẻ con
"Ông chỉ" là cách chúng tôi gọi vui người đàn ông bán kẹo chỉ trước cổng trường. Ông hiền lành, dễ mến và đầy tâm huyết. Vì sao? Bởi mỗi khi sợi chỉ chưa tơi, sữa, dừa thêm chưa đủ, ông sẽ làm lại cho bọn trẻ con.
Kẹo chỉ còn được gọi là kẹo tơ hồng bởi hình dáng mềm mại, mỏng manh như sợi tơ. Kẹo chỉ đặc biệt bởi cách thực hiện, phải thật "có nghề" lớp kẹo dẻo mới tơi ra thành sợi chỉ mỏng, bột năng sẽ làm chúng rời ra, nhưng đôi tay khéo léo mới là điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất.
Ông vung tay lên cao, kéo mạch nha ra thành sợi rồi lại gập đôi, giũ thật mạnh xuống mặt gỗ, lớp bột năng rơi li ti, trắng xóa. Chúng tôi nhìn "ông chỉ" bằng ánh mắt ngưỡng mộ rồi đón lấy phần bánh tráng giòn xốp được đặt kẹo chỉ, dừa, sữa đặc bên trong. Cắn một miếng, hương vị lan tỏa, tan ngay trên đầu lưỡi.
Trên xe "ông chỉ", đồ đạc bao giờ cũng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp nhất. Lon sữa đặc được ông cố định bằng khay nhôm tự chế, tảng mạch nha được đặt vuông vức với bàn kéo. Cây nạo dừa của ông thật ấn tượng, nó được làm từ một thanh gỗ gắn với cái nắp chai bằng thiếc. Mỗi khi tan học, chúng tôi đã thấy "ông chỉ" đứng sẵn góc cổng trường. Gương mặt ông khắc khổ nhưng miệng luôn nở nụ cười, đôi tay ông thô ráp, sần sùi nhưng lại vô cùng khéo léo.
Chỉ sau khi chúng tôi lên cấp 2, "ông chỉ" không còn nữa. Có người nói ông lớn tuổi, sức khỏe yếu dần nên không bán nữa. Có người nói nghề kẹo chỉ không đủ sống, ông phải chạy xe ôm kiếm thêm... Nhưng kí ức về "ông chỉ" vẫn vẹn nguyên trong lòng chúng tôi.
Bọn trẻ con năm ấy, không chỉ nhớ kẹo chỉ vì hương vị ngọt ngào, mà nó còn gói ghém cả kỉ niệm, khoảng trời tuổi thơ của chúng tôi. Để mỗi khi được nhắc nhớ về, chúng tôi lại ước mình như ngày xưa, được rong chơi mỗi buổi trưa hè, không có bất kì nỗi lo toan nào ngăn lại.