Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đem 300 ngàn để nhập học, khó khăn hay ỷ lại?

Một tân sinh viên của Đại học Bách khoa Đà Nẵng khiến nhiều người cảm thấy thương cảm khi không đủ tiền để đóng các khoản nhập học.

Vào ngày 4/9, Nguyễn Văn Sỹ, tân sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đến trường để làm thủ tục nhập học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông với số điểm 21,75. Nhưng khi đến làm giấy tờ, thấy số tiền đóng đầu năm lên đến hơn 4,6 triệu đồng, Sỹ hoàn toàn bất ngờ vì con số vượt quá khả năng của gia đình mình. 

Trong tay cậu chỉ có 300 ngàn. Đó là số tiền mà mẹ đã phải bán nửa tạ thóc để cậu đóng học phí. Thiếu kinh phí nhập học, Sỹ không làm thủ tục được và phải trở về.

6aa_fjpu

Nguyễn Văn Sỹ, cậu tân sinh viên của ĐH Bách khoa Đà Nẵng. (Ảnh: Tiền Phong)

Do không đủ tiền, Sỹ gọi điện nhờ chị gái đang làm công nhân giúp đỡ. Nhưng người chị nghèo, đang thử việc với mức lương bèo bọt cũng không làm được gì hơn dù rất thương em. Sỹ tiếp tục gọi về cho mẹ - trụ cột chính của gia đình nhưng cũng không giải quyết được tình thế vì nhà cậu đã chẳng còn gì để bán.

Được biết, tân sinh viên này quê ở tỉnh Quảng Nam, hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn bậc nhất trong xã. Hơn 7 năm nay, nhiều tài sản trong nhà đã bị bán đi để lo tiền thuốc cho người cha mắc bệnh sơ gan. Tiền nợ người thân thì đã lên đến hàng chục triệu đồng mà chưa biết ngày nào trả xong. Để có 300 ngàn cho Sỹ nhập học, tạ thóc cuối cùng trong nhà cũng phải chia đôi và đem bán.

6ba_lpmt

Bà Trần Thị Thảo, mẹ Sỹ, lo lắng thì không biết kiếm đâu ra tiền học cho con. (Ảnh: Tiền Phong)

Cảm thông hoàn cảnh, nhà trường đồng ý cho Sỹ đóng trước 1,5 triệu đồng (do một người bà con thương tình cho mượn) và cho cậu học tạm đến 1/10. Mẹ của Sỹ cũng đã gác lại việc dưới quê, gửi lại chồng bệnh tật và lên Đà Nẵng cùng con với hy vọng kiếm việc để có tiền giúp con nhập học.

Sau khi lên báo, rất nhiều người đã thông cảm và quyết định ủng hộ cho Sỹ, để cậu tân sinh viên hiếu học có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

300 ngan dong hoc phi - Cmt thong cam

Nhưng cũng có người cảm thấy lo sợ rằng sự ủng hộ này sẽ bị phản tác dụng như một số trường hợp khác. Họ cũng đưa ra một số giải pháp như thay vì giúp tiền mặt, thì người nào đó có thể giúp cậu có một công việc làm bán thời gian để tự trang trải cho bản thân mình về sau. Như vậy đúng với tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá”.

300 ngan dong hoc phi - Cmt viec lam

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, trường hợp của Sỹ cũng có những điểm khiến nhiều người suy nghĩ. Với một người đã xác định cho mình con đường đại học, thì trước khi đi nhập học hoặc chọn một ngôi trường nào đó, Sỹ cũng nên tìm hiểu thêm thông tin về trường học của mình, như mức học phí, quy định, thủ tục… Những thông tin này không hề khó kiếm, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, một cú điện thoại đã có thể giải quyết tất cả. Và đặc biệt, nó rất cần cho những trường hợp khó khăn như cậu. Tuy nhiên, Sỹ dường như đã không quan tâm đến điều này.

18 tuổi, Sỹ ham học là điều đáng khen, nhưng chàng thanh niên trẻ với cái tuổi đã trưởng thành lại hồn nhiên đổ hết gánh nặng lên vai mẹ mà không một lần bồi hồi lo lắng trước việc tạo thêm âu lo cho gia đình nghèo của mình thì thật là đáng trách.

300 ngan dong hoc phi - Cmt vo ly

Hơn nữa, nếu gia đình của Sỹ đúng là có hoàn cảnh khó khăn như những gì cậu chia sẻ trên báo chí, thì Sỹ hoàn toàn có thể xin xác nhận của địa phương để hỗ trợ vay vốn hoặc miễn giảm học phí cho hoàn cảnh của mìmh. Hiện nay, chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên của nhà nước có rất nhiều. Chỉ là vì cậu không hề có một sự chuẩn bị nào cho mình trước ngưỡng cửa đại học nên mới phải nháo nhào như thế.

300 ngan dong hoc phi - Cmt mien giam hoc phi

Nhiều người nghĩ xa hơn, còn cho rằng đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Tuy có được tấm bằng đại học cũng là sự minh chứng cho khả năng của bạn, nhưng tùy người và tùy khả năng mà chúng ta nên chọn con đường thích hợp nhất cho mình. Thực tế ngày nay, rất nhiều công ty họ không còn quan trọng tấm bằng đại học nữa. Họ chú trọng vào khả năng, thái độ, sự nhiệt thành trong công việc của bạn hơn là những tờ giấy chứng nhận vô hồn kia. Nếu gia đình quá khó khăn, Sỹ có thể chọn hướng đi làm trước, để tích lũy kinh nghiệm, kiếm thêm thu nhập. Rồi sau đó bạn hoàn toàn có thể theo các hình thức vừa học vừa làm để tiết kiệm thời gian để tự lực hoàn thành giấc mơ đời mình mà không cần làm phiền ai hay tạo thêm gánh nặng cho ai hết.

300 ngan dong hoc phi - Cmt khong hoc dai hoc

Xã hội chúng ta, tuy đang dần phát triển, nhưng vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cậu tân sinh viên Nguyễn Văn Sỹ không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là sau cùng. Nhưng thiết nghĩ, trước khi kêu gọi hay nhờ giúp đỡ, mỗi người đều phải tự chuẩn bị kỹ càng trước cho mình. Đừng ỷ y vào lòng tốt của xã hội, vào may mắn của bản thân mà tự biến mình thành một người mềm yếu, dựa dẫm.

Hy vọng sau khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, và qua được thời điểm khó khăn này, Sỹ sẽ rút ra bài học lớn và biết cách chuẩn bị kỹ càng hơn cho bản thân trong tương lai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất