Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch vừa được nhận giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức.
Trước đó, ngày 19/2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã có đề xuất về ý tưởng trên. Đơn vị này mong muốn giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm, xây dựng một hệ thống hạ tầng chống ngập khổng lồ gắn với đường cao tốc ngầm, biến toàn bộ không gian kéo dài 15km của sông thành một công viên văn hóa đậm bản sắc văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội để phục vụ cộng đồng.
Ngay sau đó, Văn phòng Thành ủy đã có Công văn báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn của Thành phố nghiên cứu kỹ đề án này đồng thời phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu - nhược điểm, tính khả thi của Đề án, đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn; tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, ý kiến người dân...
Cùng với đó, JVE Group đề xuất tài trợ miễn phí lập quy hoạch xây dựng hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô dọc sông Tô Lịch. Đây cũng là đơn vị đã từng xử lý thí điểm mùi hôi trên sông Tô Lịch và nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn.
Theo chủ đầu tư, đây là một dự án xây dựng được cho sẽ cùng lúc giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô bao gồm ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho hay, do quy mô của Đề án rất lớn, liên quan đến rất nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau từ xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan công viên, xây dựng hạ tầng hệ thống chống ngập khổng lồ, cao tốc ngầm cho đến các nội dung liên quan đến mỹ thuật - kiến trúc, di sản, lịch sử, văn hóa, tâm linh vv...nên các bước từ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư, hiệp định liên quan nguồn vốn viện trợ ưu đãi giữa hai Chính phủ, vv... cần rất nhiều thời gian.
Đặc biệt đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua, phía Chuyên gia Nhật Bản cũng không thể nhập cảnh vào Việt Nam nên chưa thực hiện được các buổi hội thảo với các Chuyên gia, Nhà khoa học của Việt Nam cũng như với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn về các nội dung liên quan nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ mốc thời gian dự kiến ban đầu đưa ra.
“Thời gian tới, sau khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ có báo cáo tới các cơ quan chức năng để xúc tiến các công việc tiếp theo nhằm mục tiêu cuối cùng là triển khai được Dự án để tạo nên Dấu ấn nghìn năm Thăng Long – Hà Nội và là một biểu tượng mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, nhân dân hai nước trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động chào mừng Dấu mốc kỷ niệm quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tròn 50 năm”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Dự kiến, trước Tết Nguyên đán, sẽ có báo cáo các cơ quan liên quan đến đề xuất này.