Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đề xuất quy hoạch trường sư phạm, giải thể đại học vùng

Quá nhiều đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên dẫn đến dư thừa, chất lượng nhân lực kém kéo theo cả hệ thống giáo dục kém.

Tại Hội thảo giáo dục năm 2018 với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, nhiều đại biểu cho rằng cần quy hoạch lại mạng lưới đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm và cân nhắc việc giải thể đại học vùng.

Cần cấp bách quy hoạch mạng lưới trường sư phạm

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, thông tin đến hết năm học 2016-2017, Việt Nam có 235 đại học, học viện. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện có 58 đại học, 57 cao đẳng, 40 trung cấp, trong đó có 14 đại học, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm.

Với số lượng này, việc tuyển sinh nhiều chỉ tiêu cho nhóm ngành sư phạm trong điều kiện thiếu kiểm soát sẽ làm dư thừa nhân lực. “Việc đào tạo không gắn bó chặt chẽ với nhu cầu sử dụng đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại cho toàn xã hội”, ông Minh nói và cho biết thêm năm 2017, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã thống kê cho thấy nhu cầu đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo không còn cao như cách đây hai thập kỷ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Dương Tâm

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ hầu hết trường đào tạo giáo viên thuộc hệ thống công lập. Trong điều kiện khó khăn, nền kinh tế không thể đầu tư đồng bộ cho hệ thống trường sư phạm cồng kềnh như hiện nay. Ngược lại, nếu cứ đầu tư dàn trải, các cơ sở đào tạo sư phạm sẽ không thể bứt phá.

Hơn thế nữa, theo ông Minh, việc tổ chức và chất lượng đào tạo của các trường đang không đồng nhất. “Điều này tác động không tích cực đến sự phát triển giáo dục vì muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có người thầy giỏi”, ông Minh khẳng định.

Ở các nước, mạng lưới trường sư phạm rất gọn nhẹ. Các nước có xu hướng phát triển mô hình đào tạo giáo viên truyền thống thành trường đa ngành/khoa trong trường đại học đa ngành với chương trình đào tạo linh hoạt cho phép người học có nhiều lựa chọn đầu ra. Ví dụ Sigapore chỉ có một đơn vị đào tạo giáo viên trực thuộc Đại học Nanyang. Nhật Bản có 56 cơ sở đào tạo đều thuộc các trường.

Từ thực tế trên, ông Minh cho rằng cần cấp bách quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm nhằm hình thành cơ sở đủ mạnh, đào tạo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục.

Ông Minh đề xuất xây dựng hệ thống trường sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên một cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 đến 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm.

“Các cơ sở khác, trường cao đẳng sư phạm có thể quy hoạch thành phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương”, ông Minh nói.

Trước thực tế nhiều đại học, cao đẳng sư phạm không tuyển sinh được, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định Bộ đang quy hoạch lại hệ thống giáo dục đại học nói chung và hệ thống đào tạo giáo viên nói riêng.

Trao đổi bên lề hội thảo, bà Phụng thông tin việc quy hoạch đang được làm theo hướng sẽ có chuẩn chất lượng theo từng trường. Trên cơ sở đó, trường nào đảm bảo chất lượng thì tiếp tục được tuyển sinh và đào tạo. Trường nào không đảm bảo, cơ quan chủ quản phải xác định nếu cần thiết thì đầu tư để đảm bảo chất lượng, còn nếu không thì phải có thay đổi chức năng nhiệm vụ hoặc cho giải thể, sáp nhập nhằm làm lành mạnh cho cả hệ thống.

Đề xuất giải thể hoặc thay đổi mô hình đại học vùng

Từng là hiệu trưởng đại học thành viên đồng thời là giám đốc đại học vùng, GS Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên, thẳng thắn đề xuất giải thể các đại học vùng. Việt Nam đã thử nghiệm mô hình đại học vùng được 24 năm. Thực tế cho thấy mô hình này không phù hợp, làm kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên.

“Vô tình chúng ta đang tạo ra cấp trung gian trong quản lý giáo dục đại học. Nó như cấp tổng cục vậy”, ông Hiển nói và đề nghị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu kỹ mô hình này.

Theo ông Hiển, giải thể được là tốt nhất. Nếu không, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu cơ chế quản lý nào đó để trao quyền tự chủ cho các trường thành viên. Cơ chế quản lý đại học vùng, đại học quốc gia cần được đổi mới để phát huy tác dụng cao nhất của trường thành viên.

Không nói cần giải thể đại học vùng nhưng GS Lâm Quang Thiệp (Đại học Thăng Long) nhận định mô hình hiện tại của cả đại học quốc gia và đại học vùng cần thay đổi vì đang làm các cơ sở giáo dục đại học không phát triển mạnh mẽ như mong muốn.

GS Lâm Quang Thiệp. Ảnh: Dương Tâm

Theo dõi việc xây dựng các đại học quốc gia và đại học vùng, ông Thiệp cho rằng các mô hình này có nhiều nhược điểm. Các trường thành viên quan hệ lỏng lẻo và hầu như độc lập với nhau về đào tạo nên ưu thế nâng cao chất lượng không thể hiện được, hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu, phục vụ xã hội và đáp ứng thị trường lao động thấp.

“Với đại học hai cấp, các trường thành viên là trường đơn lĩnh vực, đơn ngành. Mô hình này không hiệu quả, làm nảy sinh nhiều vấn đề”, ông Thiệp nói và cho rằng các cơ sở giáo dục đại học quan trọng của Việt Nam nên được xây dựng theo mô hình đại học đa lĩnh vực (university) thực sự chứ không nên sử dụng mô hình đại học hai cấp như hiện nay.

Ông Thiệp đề xuất hai giải pháp xử lý. Thứ nhất là cho phép trường thành viên đơn ngành, đơn lĩnh vực phát triển thành đại học đa lĩnh vực (university) và đại học hai cấp biến thành tập đoàn “university”. Thứ hai là đại học hai cấp chuyển thành một “university” đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp. Toàn bộ “university” có một chương trình đào tạo chung như kiểu Đại học Cần Thơ và một số đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hé lộ điều đặc biệt về không gian hẹn hò của Michael Trương ở Đảo Thiên Đường