Sáng 27/6, thí sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT 2018. Đa số sĩ tử cho biết họ thiếu thời gian làm bài, phải khoanh bừa (bài thi Khoa học Tự nhiên). Nhiều chuyên gia và giáo viên cũng đánh giá đề thi một số môn khó và đặt ra câu hỏi liệu có phù hợp mục tiêu “hai trong một” của kỳ thi.
Đuối sức với 150 phút 3 môn thi
Cô Đoàn Thúy Nga, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), đánh giá đề thi môn Sinh năm nay khó hơn năm trước nhiều.
“Đề vừa dài vừa khó. Càng về cuối, đề lại có nhiều bài toán đếm và đều rơi vào câu khó. Những câu hỏi như vậy đòi hỏi nhiều thời gian và thí sinh phải bình tĩnh mới làm được. Một câu hỏi với nhiều ý, nếu các em trả lời sai, sẽ mất điểm cả câu”, cô Nga cho hay.
Giáo viên này cũng cho biết thêm học sinh của mình đều than rất mệt. Nhiều em đầu óc căng thẳng, không thể tư duy tiếp sau khi kết thúc hai môn Lý, Hóa. Đến thời gian làm bài Sinh học, các em đuối sức và bị ảnh hưởng tâm lý từ môn trước.
Với đề thi năm nay học sinh khá, giỏi cũng chỉ có thể đạt điểm 7,5-8 và rất khó có điểm 9 trở lên. Theo cô Nga, đề thi khó chưa chắc đã phân loại tốt thí sinh như người ra đề kỳ vọng. Người ra đề dường như không tính đến khả năng thí sinh đuối sức sau 150 phút với 3 môn thi.
Đáng nói hơn, đề thi cả 3 môn trong bài Khoa học Tự nhiên đều được đánh giá dài và khó hơn năm trước nhiều. Trong khi đó, thí sinh chỉ có chưa tới 10 phút nghỉ ngơi giữa các môn nếu tính thời gian nộp lại đề, phiếu trả lời sau đó lại phát đề thi môn tiếp theo. Như vậy, thí sinh gần như không có thời gian nghỉ.
Thầy Đoàn Thành Trung, ĐH Khoa học Tự nhiên (TP.HCM), nhận định đề Hóa năm nay khó với lượng kiến thức rộng hơn năm ngoái. Ông cho biết một số giáo viên thử ngồi giải đề Hóa trong 50 phút nhưng cũng không thể hoàn thành hết đề thi. “40 câu hỏi với thời lượng 50 phút là quá sức với thí sinh”, thầy Trung nói.
“Tôi cho rằng ra đề khó để phân loại thí sinh, phổ điểm đẹp là không nên, nếu thử thách thí sinh như vậy sẽ không có lợi. Các em năm sau cũng sa vào học thêm, học bớt, luyện chiêu, học mẹo mà thôi”, thầy Trung nêu quan điểm.
120 phút với đề Văn là bất khả thi
Thời gian làm bài thi môn Văn cũng được cho là quá ngắn so với yêu cầu cần thí sinh giải quyết trong đề thi. Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), chia sẻ là giáo viên dạy Văn 24 năm với một lần thi đại học, trải qua 3 giai đoạn thay đổi đề thi tốt nghiệp, đại học, từng dạy luyện thi, cô vẫn không tránh khỏi lúng túng khi đọc đề Văn.
Tương tự, thầy Trịnh Văn Quỳnh - giáo viên Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh Nam, Nam Định, cho hay đề nghị luận văn học có kiến thức và phạm vi quá rộng khi có hai tác phẩm, một ở đầu chương trình lớp 11 và một tác phẩm ở cuối chương trình lớp 12. Dù có học cơ bản, học sinh cũng gặp khá nhiều khó khăn. Đề thi yêu cầu kỹ năng đòi hỏi học sinh phải phân tích, so sánh, bình luận là rất nặng, trong khi chỉ có 120 phút để làm bài.
Ngoài ra, theo giáo viên này, đề thi đọc hiểu văn bản ngôn ngữ có tích hợp kiến thức địa lý nên cách hỏi đặt vấn đề giống với văn bản khoa học hơn là đề Ngữ văn.
“Với đề thi như thế này, không biết năm tới học sinh và giáo viên sẽ phải ôn thi như thế nào”, thầy Quỳnh nói.
Đề thi chạy theo dư luận?
Theo dõi sự tiến hóa của đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán từ các đề minh họa 1, 2, 3 năm 2017, đến đề chính thức 2017, đề minh họa 2018 và cuối cùng là đề chính thức 2018, TS Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ông thất vọng vì người làm đề không có triết lý, chiến lược xây dựng đề. Điều này không khác gì so với việc đẽo cày giữa đường, thay đổi liên tục theo ý kiến dư luận.
“Năm ngoái ra dễ, nhiều điểm 10, dư luận kêu không phân loại được. Năm nay ra khó ít điểm 10, phân loại tốt hơn nhưng dư luận vẫn kêu? Chắc là năm sau sẽ ra dễ hơn? Các bài toán thực tế lúc xuất hiện, lúc lại không, cứ như là tung xúc sắc. Mà cũng chẳng có mấy bài ra dáng thực tế”, thầy Dũng phân tích.
Trong khi đề thi được khẳng định chuẩn hóa và được biên soạn theo quy trình khoa học, thầy Dũng cho rằng từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi, thi thử nghiệm đến chọn và phản biện đề không được tổ chức tốt.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đức Vĩnh, nguyên trưởng bộ môn Toán ĐH Nông nghiệp, cho rằng ngành giáo dục giống như đẽo cày giữa đường, chạy theo dư luận để điều hành việc thi cử.
Từng có thâm niên gần 20 năm ra đề thi đại học và 20 năm giảng dạy cho khối chuyên Lý ĐH Khoa học Tự nhiên, ông Vĩnh khẳng định đến giáo viên cũng khó làm được 40 câu của đề Toán trong 50 phút.
“Lẽ nào vì muốn hạn chế điểm 10, Bộ GD&ĐT cho phép những người ra đề lấy đề thi tự luận cho học sinh giỏi làm trong 40 phút bắt học trò của ta làm trong 2 phút. Nhưng để hạn chế điểm 10 mà người ra đề phải chọn những câu quá khó của hình thức thi tự luận đưa vào thi trắc nghiệm là một sai lầm”, ông Lê Đức Vĩnh nói.
Theo ông, với đề thi năm nay, để phân loại chính xác thí sinh đạt điểm từ 6,5 tới 10 sẽ không dễ. Mặt khác, ông cũng cho rằng thi trắc nghiệm môn Toán là kiểu thi bóp chết tư duy logic, tư duy hệ thống, tư duy sáng tạo lẫn tư duy chính xác của môn này.
“Sử dụng hình thức thi theo kiểu bỏ trắng hoặc tô đen sẽ tạo ra một lớp cử nhân viết không thành câu, nói không thành lời, không biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình và tạo cho học sinh có thói xấu đánh dấu bừa sẽ có tác hại khôn lường tới xã hội trong tương lai”, ông Vĩnh nêu quan điểm cá nhân.