Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đạp vịt trong cơn giông: Những đồng tiền vô tâm và sự vô trách nhiệm với mạng sống bản thân

Trong buổi chiều trời đất tối sầm chuẩn bị đón một cơn mưa giông dữ dội, người phụ nữ vẫn quyết định đưa mẹ già và cháu trai ra Hồ Tây đạp vịt, trong khi đó công ty quản lý thuyền vịt vẫn mặc nhiên bán vé và để khách hàng tự "xoay xở" trong giông tố giữa lòng hồ.

Theo thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, chiều 29/5 chị Nguyễn Thị Hạnh (trú tại Âu Cơ - Hà Nội) có đưa mẹ và cháu trai đến Hồ Tây để đạp vịt.

Tại đây, chị Hạnh đã tới khu dịch vụ cho thuê thuyền vịt của Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây để mua vé. Lúc này, trời đã có dấu hiệu sắm mưa giông nhưng vì sự háo hức của gia đình nên chị Hạnh vẫn quyết định mua vé để ra hồ đạp vịt.

Điều đáng nói là sau khi xuống thuyền đạp vịt, do không để ý nên chị Hạnh đã đạp thuyền vịt vượt quá mốc cờ đỏ thứ nhất, diễn biến tiếp tục xấu đi sau khi chị gần tới mốc cờ đỏ thứ hai thì mưa giông bắt đầu ập đến, trời bắt đầu nổi gió dữ dội.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Hạnh, từ lúc chị vượt mốc cờ đỏ cho tới khi trời nổi giông, chị không nghe thấy bất kỳ tín hiệu cảnh báo hay nhắc nhở nào từ phía công ty du thuyền, cũng không thấy có bóng dáng của đội cứu hộ ở trên bờ hay xung quanh.

ho-tay1

Thuyền vịt của chị Hạnh bơi vượt cọc mốc nhưng không có cảnh báo cũng không có sự xuất hiện của nhân viên cứu hộ

Con thuyền quay cuồng trong cơn giông bão giữa lòng hồ rộng lớn

Chiếc thuyền vịt chở một phụ nữ, một người già và một trẻ nhỏ quay cuồng trong cơn giông bão giữa lòng hồ rộng lớn

Chị Hạnh bức xúc cho biết, giá vé cho mỗi người xuống đạp vịt là 80.000 đồng/giờ, vậy mà việc giám sát, đảm bảo an toàn, tính mạng cho du khách lại không được chú trọng, bởi khi chị đạp thuyền vượt mốc an toàn mà nhân viên không hề hay biết cũng như không có lời cảnh báo nào.

Chị Hạnh cho biết thêm, do cơn mưa giông đến khá nhanh nên chị không kịp quay vào bờ và bị gió đẩy ra xa giữa lòng hồ, không thể điều khiển được thuyền vịt quay về điểm xuất phát. Lúc này cháu nhỏ và đặc biệt là mẹ chị (Bà H.T.Mai) sợ hãi và hoảng hốt, liên tục nhắc chị đánh lái về bờ. Tuy nhiên chị “bất lực” vì sức đẩy của mưa gió quá lớn so với sức chị.

“Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ lênh đênh giữa lòng hồ, mái che của thuyền vịt bị bật tung, ba bà cháu ướt sũng thì thuyền vịt của tôi cũng dạt được vào bờ và mưa giông bắt đầu ngớt. Lúc này thuyền của tôi được chủ cửa hàng Bến Thủy cùng các nhân viên cứu giúp. Cả nhà tôi được họ đưa vào quán để trấn an tinh thần và cho mượn quần áo để thay, sau đó họ gọi taxi cho chúng tôi về” - Chị Hạnh xúc động nói.

Anh Tuấn Anh (Âu Cơ - Hà Nội người tham gia cứu hộ), cho biết: “Các nạn nhân được đưa vào nhà hàng với tình trạng ướt luớt thuớt, mặt lạnh, tái ngắt, sợ hãi và đặc biệt không ai mặc áo phao trên người. Tôi thấy chị Hạnh liên tục cầu xin Phật, bé trai thì khóc vì sợ hãi…”.

Con thuyền dạt vào bờ sau đó được người dân bên đường giúp đỡ

Con thuyền dạt vào bờ sau đó được người dân bên đường giúp đỡ

Lúc các nạn nhân được đưa vào bờ thì nhân viên cứu hộ mới xuất hiện. Tuy nhiên, thay việc hỏi thăm tình trạng sức khỏe, động viên tinh thần cho nạn nhân thì nhân viên cứu hộ này lại chỉ lo việc kéo thuyền về bến. “Lúc này tôi có nói “anh phải vào hỏi thăm xem khách hàng của anh như thế nào chứ…”, tuy nhiên chỉ nhận được thái độ thờ ơ bằng cái “xua tay” và trở về bến”, anh Tuấn Anh cho biết thêm.

Những đồng tiền vô tâm và sự vô trách nhiệm với mạng sống của bản thân

Sau khi câu chuyện của chị Hạnh được chia sẻ trên mạng xã hội, cộng đồng đang lên án rất mạnh mẽ về sự vô trách nhiệm của công ty Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao công ty này lại vẫn mặc nhiên bán vé cho gia đình chị Hạnh xuống hồ đạp vịt mặc dù khi đó thời tiết đã có dấu hiệu sẽ chuyển biến xấu. Nhất là khi thuyền của chị Hạnh vượt quá mốc cho phép lần một, thậm chí quá cả mốc cho phép lần hai mà công ty không hề đưa ra lời cảnh báo, nhắc nhở thuyền chị quay về bờ.

Công tác cứu hộ của công ty này cũng cho thấy sự lơ là, lỏng lẻo hết sức, vì trong hơn một tiếng “vật vã” dưới lòng hồ, sóng nước tạt tứ tung khiến bung cả mái thuyền, ba người đều trong tình trạng ướt sũng, mặt mũi tái nhợt… Vậy mà không có bóng dáng của bất kỳ một nhân viên cứu hộ nào của công ty.

Facebook Sương Miên bức xúc: “Không thể nào chấp nhận với kiểu làm ăn vô trách nhiệm như vậy, trong khi đạp vịt ở Hồ Tây không hề an toàn chút nào. Nếu chẳng may sơ sẩy lúc đó có phóng xuồng cấp tốc ra cũng không thể kịp được, chứ chưa nói là không có nổi lấy một nhân viên cứu hộ”.

Chưa kể sau khi ba người nhà chị Hạnh vào đến bờ vẫn còn trong tình trạng xây xẩm mặt mày, tinh thần hoảng loạn thì người của công ty du thuyền kia cũng không được lời hỏi thăm mà chỉ “xua tay” rồi “kéo thuyền về bến”.

Bạn Đô Nguyễn ngán ngẩm: “Vô trách nhiệm quá. Thấy khách mua vé lúc trời sắp có cơn giông thì phải không được bán. Đằng này vì đồng tiền mà coi thường tính mạng người ta như vậy. Lại còn cả người cứu hộ nữa chứ, chỉ cứu cái thuyền vịt thôi chứ người cũng mặc kệ. Chán cái xã hội này”.

Tuy nhiên, xét đi và phải xét lại, chị Hạnh cũng là người có lỗi trong sự việc lần này, khi chị đã bất chấp thời tiết đang chuyển xấu mà mua vé đưa một mẹ già và một em nhỏ ra giữa hồ như vậy.

Không ít ý kiến cho rằng nếu như không may sự việc đau lòng xảy ra hôm đó thì công ty du thuyền kia vô trách nhiệm kia đáng lên án một thì lỗi liều lĩnh, vô trách nhiệm với mạng sống của người thân và của chính mình ở chị Hạnh phải đáng lên án gấp mười lần.

“Thật ra trong chuyện này chị Hạnh cũng có phần lớn lỗi vì chị biết trời sắp mưa giông mà lại có mẹ già con nhỏ. Ừ thì bơi gần bờ một lúc thì lên cho khỏi háo hức. Đằng này chị vượt mốc 1 rồi mốc 2. Đến bản thân chị cũng có xem tính mạng mẹ già và con nhỏ của chị ra gì đâu?!”, Facebook Đạt Mai Cao viết.

Thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam cũng thông tin thêm, liên hệ với chị Hạnh và gia thì thì được biết, tinh thần các nạn nhân hiện tại vẫn chưa hoàn toàn ổn định. 

Câu chuyện trên được chia sẻ trên mạng xã hội trong ngày hôm qua một lần nữa là tiếng chuông báo động về trách nhiệm cứu hộ của những trò chơi nguy hiểm trên sông nước như trò đạp vịt giữa Hồ Tây ở Hà Nội.

Mặt khác cũng là lời cảnh báo cho tất cả những người có ý định vui chơi theo kiểu “hành xác” trong mùa có diễn biến thời tiết cực đoan thường xuyên diễn ra ở Hà Nội như hiện nay. Chưa kể trước khi để người khác chịu trách nhiệm về mạng sống của mình thì hãy nên tự mình ý thức và có trách nhiệm với điều đó.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất