Gặp nhau trong một buổi Hà Nội cứ chợt mưa chợt nắng, đạo diễn Việt Tú hào hứng kể về kỳ nghỉ dài ở nước ngoài cùng gia đình. Anh đã dắt các con đi xem nhiều vở diễn, nhiều triển lãm nghệ thuật nổi tiếng thế giới trước khi dành thời gian cho riêng mình, để nghiền ngẫm các kế hoạch, ý tưởng sáng tạo mới…
Nhưng lạ thay, Việt Tú dường như còn… hào hứng hơn khi nhắc tới những ồn ào dở khóc dở cười mà lần đầu tiên anh gặp phải sau gần 20 năm “lăn lộn” trong môi trường nghệ thuật. Anh cho biết mình đã chính thức đóng án phí cho vụ kiện ngược phía Tuần Châu Hà Nội - đơn vị chủ quản của Tinh hoa Bắc Bộ.
Anh Tú này, “Tinh hoa Bắc Bộ” vừa nhận hai kỷ lục Guiness Việt Nam là Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam và Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam. Cảm giác của anh khi nhận tin này thế nào?
- Guiness không phải giải thưởng hay kỷ lục quan trọng vì nó từng được trao cho cả những thứ rất funny, ví như chiếc bánh chưng to nhất hay người có nhiều hình xăm nhất… Nhưng tôi vẫn coi những gì Tinh hoa Bắc Bộ đạt được là giải thưởng của mình vì nó được trao dựa trên những sáng tạo của tôi. Cụ thể ở đây là vở diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam và show diễn có số lượng diễn viên là nông dân lớn nhất Việt Nam.
Tất cả mọi người đều biết, khi vở diễn thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam là Ngày xưa được công bố, nhà đầu tư đã sử dụng chính các thông tin này để highlight với truyền thông và bây giờ, họ lại một lần nữa sử dụng nó mà thôi.
Tôi vui mừng khi Tinh hoa Bắc Bộ được công nhận kỷ lục bởi những sáng tạo của mình đã được thừa nhận, những gì mình làm đã đi đúng hướng. Nhưng tôi biết, mình cần rút kinh nghiệm để sau này, những gì mình làm đích thực là của mình, không ai có thể lấy khỏi tay mình và nhận xằng là của họ, tránh những tranh cãi không đáng có.
Bạn bè đồng nghiệp, khán giả và cả báo chí cũng hỏi tôi rồi, rằng: “Cái đó là của ông mà bây giờ lại trao giải nọ kia dưới tên người khác, ông thấy sao?”. Bản thân câu hỏi này đã là một câu trả lời rồi.
Nhiều lần Tinh hoa Bắc Bộ xuất hiện trên báo chí, bạn bè ở nước ngoài không biết câu chuyện hậu trường, vẫn nghĩ đó là vở diễn của tôi nên nhắn tin chúc mừng. Thậm chí khi kỷ lục Guiness được trao, nhiều người nông dân tham gia vở diễn còn nhắn tin cho tôi. Những điều đó chứng minh cái tôi đã và đang làm nên chẳng cần phải đôi co nhiều. Họ nhận giải nhưng tôi thấy rất vui và không ý kiến gì…
Anh nghĩ gì sau tất cả những ồn ào, rắc rối này?
- Tôi nghĩ đó là một phần con đường mình phải trải qua. Nếu không va vấp về pháp lý hay chuyện kiện tụng, bạn sẽ không rút ra bài học nào. Tại một thị trường nơi chất xám của người nghệ sĩ chưa được đề cao như ở Việt Nam, câu chuyện tôi đang gặp dường như là một phần tất yếu, khó có thể tránh khỏi. Chẳng qua là không phải với nhà đầu tư này thì sẽ là người khác.
Tới bây giờ, nhiều nghệ sĩ bạn bè của tôi còn không hiểu câu chuyện cụ thể đang diễn ra như thế nào. Trong khi đó, nếu hiểu cặn kẽ, rất nhiều người - thậm chí cả thị trường - đều được hưởng lợi. Việc tôi làm không phải là đối đầu với nhà đầu tư, dù họ là người đẩy mình vào tình huống này. Việc tôi làm là tạo ra một con đường, có thể chưa chắc đã đạt được điều mình muốn nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Nếu tôi không làm và ai cũng chấp nhận xuê xoa thì bao giờ Việt Nam mới ra được thị trường thế giới?
Ước mơ của tôi là thông qua vụ việc này, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có những Beyonce, Steven Spielberg, Trương Nghệ Mưu… với những sáng tạo nghệ thuật được công nhận và có thể sống cả đời thoải mái với các sáng tạo đó. khi các sáng tạo của họ được khi nhận và có thể sống cả đời với những các sáng tạo đó.
Anh có thấy mệt mỏi vì những gì mình phải trải qua?
- Đôi khi tôi nghĩ số mệnh của mình gắn liền với những gì mở đường hay gai góc nhất. Trước đây, tôi chính là người làm những thứ điên rồ như đưa nghệ thuật đương đại vào các chương trình nọ kia, điên tới mức nhiều khi khách hàng không hiểu và không dám mời mình làm việc luôn. Nhưng bây giờ thì sao? Bây giờ ai cũng nói về nghệ thuật đương đại và đưa nó vào sự kiện này, sản phẩm kia…
Nếu như đã là số mệnh rồi, tôi nghĩ mình cứ thoải mái tiếp nhận mọi chuyên đi thôi!
Nhưng nói gì thì nói, chắc chắn công việc của anh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều chứ nhỉ?
- Ngay trước khi bắt đầu kỳ nghỉ ở Mỹ, tôi đã hoàn thành một chương trình ở Đà Nẵng được đánh giá là hoành tráng và hot nhất tại Việt Nam từ trước tới bây giờ. Các con số thống kê không bao giờ biết nói dối và tôi nghĩ đó là câu trả lời hay nhất cho câu hỏi công việc của tôi có bị ảnh hưởng không.
Hơn nữa, tôi rất tách bạch. Kiện là chuyện của kiện. Còn các sáng tạo của tôi chưa bao giờ vì thế mà bị ảnh hưởng. Mà thật ra đây chỉ là một vụ kiện dân sự thôi. Mình theo đuổi chỉ để có một bài học sau này hành xử cẩn trọng hơn với các sáng tạo nghệ thuật của mình. Nó không thể trở thành rào cản nào với tôi.
Không hiểu sao tôi lại có cảm giác anh chẳng hề buồn mà còn rất thoải mái với những gì mình đang đối mặt nhỉ?
- Này nhé, thậm chí tôi còn thấy vụ kiện này rất thú vị bởi nó cho tôi cơ hội học luật rất kỹ càng. Thời gian qua, tôi đã nghiên cứu hàng quyển luật về bản quyền. Thay vì sau này va vấp thì bây giờ tôi đã trải nghiệm và có những hiểu biết nhất định rồi. Đó chẳng phải là chuyện tốt sao?
Tôi thấy nên nhìn mọi việc ở góc tích cực nhất. Như tôi vẫn nói với ekip của mình, phải coi đây là một bài học bổ ích, bởi nhờ nó, mình không chỉ là một nghệ sĩ đơn thuần nữa mà là một nghệ sĩ hiểu rõ về luật bản quyền.
Trước đây tôi cũng ngô nghê lắm. Gặp luật sư cứ ố á “anh hiểu như thế này, anh tưởng như thế kia” nhưng họ đã bảo tôi là: “Không anh ơi, luật là như thế này và như thế này mới là luật”.
Nhìn lại, tôi cũng thấy mình rất may mắn vì luôn tuân thủ cái gọi là hệ thống sau nhiều năm học ở nước ngoài. Chính bởi thế, mọi giao dịch, trao đổi của tôi với nhà đầu tư từ đầu tới giờ đều được văn bản hoá. Tôi tin nếu toà xem xét kỹ khoảng 5 cân hồ sơ tôi đã gửi thì chẳng luật sư nào dám nhận lời bào chữa cho họ cả.
Tại sao lại như vậy?
- Họ đang dựa vào luận cứ mà tôi cho là rất buồn: “Tôi đã trả ông Tú rất nhiều tiền rồi mà”. Nhưng rất nhiều này khác hoàn toàn với việc đã trả đủ hay chưa?
Không thể lý luận cái “bọn” nghệ sĩ vớ vẩn thì nhận ngần đó tiền đã là nhiều rồi còn đòi hỏi gì. Tôi xin hỏi: trên thế giới có những nghệ sĩ như Beyonce, cát-sê một đêm diễn là mấy chục triệu USD. Nếu một doanh nghiệp bảo cô ấy chỉ là “xướng ca vô loài”, tuổi gì mà đòi ngần ấy và chỉ trả cho cô ấy vài chục hay trăm ngàn USD là nhiều rồi, chuyện đó có được không? Không được đâu! Anh là doanh nghiệp lớn, tôi là nghệ sĩ nhỏ, ít hay nhiều là tuỳ theo định giá của mỗi người nhưng anh đã cam kết với tôi thì phải trả đủ đã.
Ban đầu, rất nhiều người shock khi nhận được thông tin nhà đầu tư đã trả đến tiền tỷ cho Việt Tú. Nhưng trả tiền tỷ khác với việc đã trả đủ tiền chưa.
Hãy nhìn ra câu chuyện thế giới. Michael Jackson đã chết nhưng vẫn được trả hàng triệu đô tiền bản quyền. Theo kiểu Việt Nam, chắc chết là hết, còn trả gì nữa. Nhưng xin hỏi nếu cứ thế, nghệ sĩ sáng tạo để làm gì, động lực nào để họ tiếp tục cống hiến? Ở Việt Nam, đa phần nghệ sĩ rất vất vả vì chất xám được đánh giá, định vị quá rẻ trong những điều kiện quá dễ dàng. Đó không phải giấc mơ của tôi.
Theo thông tin mới nhất, Toà Án Nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức thụ lý vụ đạo diễn Việt Tú kiện ngược phía Tuần Châu Hà Nội (đơn vị chủ quản của Tinh hoa Bắc Bộ) với mức đòi bồi thường lên tới hơn 8 tỷ đồng. Theo đó, nếu không chứng minh được mình đúng, Tuần Châu Hà Nội sẽ phải bồi thường cho những thiệt hại mà họ đã gây ra cho đạo diễn Việt Tú.
Trong khi đó, vụ đạo diễn Tinh hoa Bắc Bộ - Nhật Nam - kiện Việt Tú về hành vi xúc phạm nhân phẩm đã bị toà án nhân dân quận Bình Thạnh - TP.HCM từ chối thụ lý.
Diễn biến tranh cãi giữa tập đoàn Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú:
- Tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú ra mắt Thuở ấy xứ Đoài mà theo anh cho biết là “vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam”. Đây là vở diễn do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư. Thế nhưng, sau đó vở diễn bất ngờ bị hủy bỏ.
- Cuối tháng 10/2017, vở Tinh hoa Bắc Bộ được ra mắt trên đúng địa điểm trước đó đã diễn ra vở Thuở ấy xứ Đoài. Lý giải về sự thay đổi này, đại diện đơn vị đầu tư cho biết vở diễn do Việt Tú dàn dựng “không chạm đến trái tim người xem”.
- Tháng 3/2018, người đại diện Công ty Tuần Châu Hà Nội cho biết Tòa án nhân dân Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Luật sư của Tuần Châu Hà Nội cáo buộc đạo diễn Việt Tú đã vi phạm nhiều nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên. Cụ thể Việt Tú và Công ty DS đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của Tuần Châu Hà Nội như tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn.
Phía đạo diễn Việt Tú phủ nhận việc vi phạm hợp đồng về quyền công bố tác phẩm.
Anh cũng khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ của Hoàng Nhật Nam chỉ là tác phẩm phái sinh từ Thuở ấy xứ Đoài do anh làm đạo diễn. Việt Tú khẳng định không có vở thực cảnh nào trên thế giới lại được dàn dựng trên nền không gian của một vở trước đó.