“Bố em chửi chúng em là chó, là lợn, là điên, chửi tiên sư. Bố chửi em giữa trường, giữa bao nhiêu người khác. Phụ huynh các bạn nhìn thấy, có người thương mẹ em, có người bảo con không được chơi với em nữa, …”
“Bố em đánh em gẫy nhiều cái chổi, cái roi và vỡ nhiều cái ống nước rồi. Bố không cho khóc. Càng khóc càng đánh. Đánh vào đầu có, đánh vào chân tay thì vô kể. Đánh bao giờ nhừ tử, chảy máu, bố hả dạ thì thôi. Hồi em học lớp chín, bố đánh em đến sưng vù mặt và gãy cả tay. Mẹ em đi công tác, may mà em nhờ bác hàng xóm đưa đi viện, không thì chắc là hôm nay không được ngồi đây gõ gõ nữa”.
Đó là hai trong rất nhiều câu chuyện của những bạn trẻ trên các diễn đàn mạng xã hội mỗi khi có một hình ảnh hay clip nào về bạo hành con cái được chia sẻ.
Ngày 19/6, mạng xã hội truyền tay nhau clip một ông bố đánh con mình 2 lần trong quán game vì đã hơn 1h sáng, anh chàng này vẫn say xưa ngồi chơi để bố phải đi tìm. Ban đầu, ông bố tát người con khá mạnh và yêu cầu cậu con trai này đi về. Tuy nhiên, khi ra đến cửa, có lẽ do không giữ được bình tĩnh nên ông đã đánh con mình lần nữa từ phía sau. Thật bất ngờ, lúc này người con trai đã quay lại đánh trả bố của mình bằng hai cú đá khá mạnh vào vai và đầu.
Clip này đã gây ra khá nhiều tranh cãi trong dư luận. Có ý kiến chê trách anh chàng này là đứa con hư đốn khi đi chơi muộn và còn dám đánh lại bố mình. Hành động đánh cha mẹ dù bất kỳ lý do nào cũng rất bất hiếu. Thế nhưng, cũng có không ít ý kiến khác bênh vực cậu con trai và cho rằng việc bị bố đánh ở nơi công cộng như thế không khác nào hành động làm nhục con cái.
Clip con trai phản đòn đánh bố trong quán game gây xôn xao dư luận.
Nếu đặt mình ở vị trí của những đứa con, bạo lực dù ở mức độ nào, đặc biệt là bạo lực nơi công cộng luôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Những bạn trẻ ở tuổi vị thành niên như chàng trai trong clip nói trên, các bạn đã dần hình thành những tư duy trừu tượng, trưởng thành nhiều hơn trong suy nghĩ.
Việc bị bố đánh liên tục giữa quán game nơi có sự xuất hiện của nhiều người khiến chàng trai này cảm thấy bị sỉ nhục và không được tôn trọng. Tuổi mới lớn đa phần đã tự ý thức được bản thân không còn là trẻ con nữa nên luôn có nguyện vọng được cha mẹ và người khác tôn trọng như một người lớn thực thụ.
Bị bố mẹ đánh giữa nơi công cộng là một sự tổn thương. Nhưng khi sự việc bị ghi hình lại, đăng tải lên mạng cho hàng nghìn người xem, chia sẻ, sự lặp lại đó khiến tổn thương càng bị xoáy sâu. Và hành động phản đòn, đánh lại cha mẹ như một sự phản kháng chứng minh rằng bản thân đã trưởng thành, có sĩ diện và cần được tôn trọng. Tuy nhiên, sự phản kháng đó lại chưa đúng đắn. Bởi vì thời điểm bị đánh, trong đầu những bạn trẻ này sẽ hình thành tư duy rằng nếu bố mẹ làm mình xấu hổ hoặc mất mặt, mình có quyền làm nhục họ như chính cái cách bố mẹ làm với mình trước sự chứng kiến của đám đông.
Ngày 17/6, một vụ án thương tâm xảy ra ở xã Thuỵ Vân, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo đó, nam thanh niên tên Đào Đức Bình mượn xe mô tô nhãn hiệu Dream của ông Trung, bố của Bình để đi làm hồ sơ xin việc. Trong quá trình tham gia giao thông, do không có giấy phép lái xe và vi phạm luật giao thông đường bộ nên Đào Đức Bình bị lực lượng Công an xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện.
Khi về nhà Bình đã bị ông Trung chửi mắng. Sau đó, mâu thuẫn giữa 2 bố con ông Trung lên đến đỉnh điểm, Bình đã dùng dao bầu đâm ông Trung đứt 2 xương sườn, thấu phổi dẫn đến tử vong. Sau khi đâm ông Trung, Bình đã dùng chính con dao đó tự đâm vào ngực trái mình nhằm tự sát. Tuy nhiên, do được mọi người cấp cứu kịp thời nên Bình đã qua cơn nguy kịch.
Đây là một trong những vụ án điển hình thời gian gần đây. Thể hiện rõ nét hậu quả nghiêm trọng của việc cha mẹ không khéo léo trong cách xử lý tình huống, chưa hiểu rõ tâm sinh lý con mình. Xét về góc độ của những người làm cha mẹ. Chửi mắng con cái hay bạo hành con giữa chốn đông người thể hiện sự bất lực của họ. Hành động bạo lực xuất phát từ mong muốn con tốt hơn thế nhưng đôi khi nó lại có tác dụng ngược, đó là những lần phản đòn không kém phần mạnh mẽ của những đứa con đó.
Trước khi sử dụng đòn roi với con cái, có lẽ cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khiến con mình đã có những việc làm như vậy. Từ đó có thể kiềm chế cơn nóng giận và tìm cách xử lý bình tĩnh hơn thay vì đánh chửi con. Bởi vì một khi sự tự ái và tính sĩ diện của con trẻ bị xâm phạm một cách quá đà, những người con ấy trong cơn thú tính có thể sẵn sàng có những hành động vô pháp.