Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Dân chơi Sài thành hít bóng cười xuyên đêm 'phê lạc lối' về

Theo Thanh Niên Theo dõi Saostar trên google news

'Bóng cười' chính là 'khí cười' (N2O) đã không còn quá xa lạ với giới trẻ ngày nay, khi nó được mua bán một cách công khai. Tưởng chừng vô hại nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức được tác hại khôn lường của loại khí này…

Một nhóm bạn trẻ đang hít bóng cười trong quán cà phê

Đêm cuối tuần tháng 6, một thanh niên loạng choạng bước ra từ quán cà phê nhạc trên Đại Lộ Võ Văn Kiệt, vừa đi vừa la hét rồi nôn thốc như vừa nốc hết nửa két bia. Mất kiểm soát, tay này ngã nhào xuống đất, bảo vệ phải ập vào dìu lên taxi.

Song, thứ khiến tôi tò mò hơn cả là quả bong bóng to gã đang ngậm chặt trên miệng…

VIDEO: Nhiều quán cà phê vô tư kinh doanh hít bóng cười

“Ổ” bóng cười giữa đại lộ đêm

Tôi quyết định vào “khám phá” ngay quán cà phê khác lạ này. Trái với vẻ yên ắng phía trước, bên trong quán khách đông như trẩy hội, tây - ta có đủ, tất cả cùng lắc lư theo tiếng nhạc xập xình, dưới làn khói mờ ảo.

Tôi được một nam nhân viên bước đến hỏi: “Anh đi mấy người, có hút bóng không để em vào chuẩn bị”. Tôi hỏi lại: “Bao tiền một quả, chất lượng ra sao, to hay nhỏ…”. Nam nhân viên này nhanh nhảu đáp: “Dạ. 120.000 đồng một quả, ở đây bán loại lớn thôi không có loại nhỏ, hàng chất lượng lắm anh!”.

Sau khi quan sát thấy phía trong có rất nhiều thanh niên đang phấn khích tột độ miệng ngậm bóng la hét rồi cười sằng sặc, tôi bèn tiến thẳng vào đó nhưng bị một nhân viên phục vụ cản lại: “Anh đi một mình thì mình ngồi phía ngoài anh nha, khu vực bên trong dành cho nhóm 4 khách trở lên”.
Nhìn bao quát có thể thấy không gian tại đây biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chỉ ánh lên vài ngọn đèn cầy leo lét qua làn khói mờ mờ ảo ảo tạo một cảm giác bí hiểm đầy cám dỗ… Cứ cách 5 phút sẽ có nhân viên phun khói một lần, đặc biệt tại đây được thiết kế màn hình máy chiếu phát toàn hình ảnh gây ảo giác, góp phần đẩy cảm xúc cao trào cho những “tay chơi bóng”.

Hít bóng xuyên đêm

Một thanh niên ngoại quốc chừng 20 tuổi từ ngoài bước vào quán, đi thẳng đến chỗ nhân viên và trao đổi gì đó. Không lâu sau khi được nhân viên phục vụ đem “bóng cười” ra, anh này châm điếu thuốc rít một hơi và bắt đầu hít bóng. Động tác của cậu khách trẻ khá thành thục, tay phải cầm chặt miệng bóng, tay trái đỡ phía dưới bầu bóng, từ từ ngậm quả bóng vào miệng rồi hít vào thở ra liên tục, ánh mắt lờ đờ như mơ ngủ. Anh ta thả mình ra phía sau, nhìn chăm chăm vào màn hình máy chiếu, lắc lư theo nhạc, ra chiều “phê” lắm….

Khoảng 5 phút sau, có tất cả là 5 người, trong đó có một cô gái trẻ tiến vào bàn của anh chàng này. Và dĩ nhiên ai cũng có phần để hít bóng xuyên đêm.

Cô gái trẻ có vẻ như mới lần đầu đến đây nên khá lóng ngóng khi làm theo hướng dẫn của đàn anh trong nhóm. Vừa hít được vài hơi, cô này có biểu hiện chóng mặt và nôn mửa nhưng sau đó cười không ngớt kèm theo hành động hưng phấn tột độ, hò hét, ôm hết người này tới người kia….

Để ý thấy gần đó có một thanh niên đang hít bóng một mình, tôi đến bắt chuyện làm quen và được biết, anh này tên N.Đ.N (21 tuổi, sinh viên) là khách ruột tại đây. “Tuần nào cũng cứ thứ bảy hoặc chủ nhật là ghé quán, có hôm đi một mình có hôm đi cùng đám bạn”, N.Đ.N vừa nói vừa lắc lư theo nhạc.

“Ở đây giá nước cao, nhưng không gian bao “phê”, hít bóng vào mà nhìn lên màn hình này là đúng bài bản rồi. Nhậu nhẹt có thứ này vào nó vui hơn, loại này hít vào đã lắm, đặc biệc là cười không ngậm được mồm”, N.Đ.N tỏ vẻ sành điệu.

N.Đ.N kể tiếp: “Giá mỗi chỗ bán khác nhau, 30.000 đồng cũng có mà 150.000 đồng cũng có, có chỗ bán hít vài hơi đã lên, còn có chỗ hít đến quả thứ 2 mới bắt đầu lên, loại nào mạnh quá hít vào vui không thấy mà cơm cháo thì mửa ra hết. Hôm rồi có một đứa bạn mới chơi lần đầu, hít bóng mấy hơi bắt đầu vô góc ngồi im ru không nói năng gì rồi nôn ra hết”.

Khi tôi hỏi chơi bóng vậy có sợ bị công an tóm không, N. trả lời: “Sợ gì. Loại này đâu phải chất cấm đâu mà sợ bị bắt, người ta bán công khai, ở phố Tây bán đầy như chợ vậy”. Nhạc vẫn cứ dồn dập, những thanh niên này vẫn hút bóng rồi hú hét không dứt… Khách mới vẫn vào ra thâu đêm suốt sáng.

“Hít bóng” ở phố Tây Bùi Viện

Chúng tôi đã tìm đến Phố tây Bùi Viện (Q.1), nơi mà có rất nhiều quán Bar, club, hoạt động về đêm… để tiếp tục tìm hiểu giới chơi bóng cười. 23 giờ, phố tây tấp nập người, hàng quán, bar bày biện bàn ghế ra vỉa hè. Sau 30 phút quan sát, tôi bắt gặp một thanh niên đi xe tay ga, phía sau xe chở một bình khí khoảng 5 kg.

Tôi lân la theo chân thanh niên này đến bar gần đó. Ngay lập tức, một nhóm thanh niên lắc tay ra hiệu bằng cách đưa 5 ngón tay lên. Tay chở bình khí hiểu ý giơ tay đáp trả, sau đó anh ta đứng trực tiếp dưới đường mở cốp xe lấy 1 túi bóng đủ màu sắc ra và bắt đầu bơm. Bóng được gắn trực tiếp vào miệng bình sau đó tay này xả van từ từ, quả bóng bắt đầu căng tròn. Tôi theo sát cuộc mua bán nên thấy rõ sau khi bơm khí vào bóng xong, anh chàng này mang hàng vào cho khách với giá 100.000 đồng/quả.

Sau khi thanh toán tiền, một thanh niên trong nhóm có vẻ chưa hài lòng về số lượng nên gọi thanh niên bán bóng cười quay lại bơm tiếp cho 5 quả dạng nhỏ với giá 50.000 đồng/quả. Sau đó, tôi tiếp tục đi dọc theo đường Bùi Viện trong dòng người chen lấn. Thấy phía trước một quán cà phê có trưng bày bảng ghi thức uống, đặc biệt là có 2 quả bóng được treo phía trên, tôi vào quán tìm hiểu.
Thấy khách vào, một tiếp viên nữ bước đến hỏi: “Cho hỏi anh uống gì ạ! Anh có dùng thêm shisha hay bóng cười gì không anh”.

Tôi hỏi lại: “Bóng cười giá bao tiền, có mấy loại,…”, nữ nhân viên nhanh nhảu trả lời: “Ở đây có 2 loại, loại nhỏ thì 60.000 đồng, loại lớn thì 150.000 đồng”. Tôi hỏi tiếp: “Bóng này chắc quán nào cũng có bán hết hả?”, nữ phục vụ tiếp lời: “Đúng rồi anh, mấy bar bán nhiều lắm. Người ta còn chở bình khí cười đi bán dạo nữa là khác”.

Một nhóm khách trẻ ngồi bàn gần đó nói với qua, chen ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi: “Cho thêm 4 quả em ơi”. Ngay lập tức, nữ phục vụ này đáp lời. Bên trong khu pha chế, một nam phục vụ khác nhanh chóng lấy bình khí dạng 5 kg để sẵn bên dưới và bơm đầy 4 quả, sau đó đưa cô gái mang ra cho khách.

Sau khi gọi tiếp 4 quả bóng và hít khoảng 30 phút, một thanh niên trong nhóm này đứng dậy cầm ly nước múa may loạng choạng, miệng cười hô hố,…do hút liền 2 quả. 1 giờ sáng nhưng không khí hít bóng tại đây vẫn còn khá náo nhiệt. Còn ngoài kia, tay thanh niên vẫn chở bình khí cười đi bán dọc phố tây và nhiều bạn trẻ vẫn còn đang “phê” quên… đường về. Cuộc vui của những bạn trẻ, dân chơi này vẫn 'chìm đắm', bất chấp ngày mai.

Chuyên gia nói gì về Bóng cười

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM trước đây từng cảnh báo với Thanh Niên về nạn hít bóng cười của một số người trẻ. Ông cho biết: hiện nay, “khí cười” được lạm dụng ra khỏi phạm vi y tế, nó được bán trên “thị trường đen” dưới hình thức một bình xịt. Người sử dụng sẽ bơm vào một bong bóng và thở ra hít vào trong cái bong bóng đó. “Nếu hít trực tiếp từ bình xịt thì có thể bị phỏng lạnh niêm nạc hầu họng và đường hô hấp
Chất khí được bơm vào “bóng cười” chính là N2O, có tên quốc tế là Dinitrogen monoxide hoặc Nitrous oxide.

Sau khi hít 10-30 giây, N2O sẽ gây một hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ và duy trì trong 2-3 phút, làm giảm nhẹ sự tỉnh táo. Việc sử dụng thường xuyên “khí cười” có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ và các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12.

Ngoài ra, việc dùng quá liều N2O sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật.

“Trong gây mê, khi dùng N2O cần có một lượng ôxy pha chung để tránh bị ngạt thở. Đây là điều mà các “khí cười” đang có trên thị thường có thể không có nên người hít khí N2O có nguồn gốc phi y tế có thể bị ngạt”, bác sĩ Hiển giải thích.

Bác sĩ Hiển khuyến cáo thêm, với liều sử dụng cao, N2O gây suy hô hấp cấp. Đặc biệt nếu tỷ lệ N2O/O2 cao hơn mức 2/1 nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy não cấp.

Hiện tại, N2O chưa bị xem là ma túy vì không bị luật pháp ngăn cấm và vẫn còn đang được sử dụng trong y học. “Tuy nhiên, tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều có thể gây tác hại, đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ”, bác sĩ Hiển cảnh báo.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Thanh Niên

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi