Đại gia đình bán hoa rong
Ở quê đất nông nghiệp ít, thu nhập èo uột không đủ trang trải cuộc sống, nhất là khi các con đã lớn và nhu cầu chi tiêu ăn học ngày càng cao, thế nên cách đây 10 năm, chị Hường quyết định rời quê ở Bắc Giang lên Hà Nội làm nghề bán hoa rong. Thời gian sau, thấy công việc mang lại thu nhập ổn định, gia đình chị quyết định rời quê lên Hà thành kiếm sống.
Nhớ lại những năm tháng chân ướt chân ráo ấy, chị Hường không giấu nổi nghẹn ngào.
“Thời gian đầu, lúc mới lên đây, đêm nào tôi cũng khóc. Một phần vì từ trước đến nay chưa đi xa bao giờ, phần còn lại là do nhớ nhà và thương con. Thế là, sau 4 ngày mưu sinh trên đất khách, tôi bỏ về quê” - chị tâm sự.
Rồi chị lại quay trở lên thành phố bán hoa kiếm sống. Thời gian thấm thoát trôi, mọi thứ dần trở nên quen thuộc. Chị hiểu rằng, nếu từ bỏ thì đồng nghĩa với việc con cái ở quê sẽ không có cơ hội được học hành.
Ở làng Vườn (huyện Lục Nam, Bắc Giang), đây là câu chuyện chung của rất nhiều người, khi ruộng đồng chẳng thể giải được bài toán kinh tế. Bởi vậy, họ đã chọn cách rời quê lên thành phố lập nghiệp.
Khi mới vào nghề, chị Hường đi theo một phụ nữ cùng quê bán hoa rong tại Hà Nội. Sau này, khi đã có kinh nghiệm, chị tách ra buôn bán độc lập và kéo cả đại gia đình lên thành phố mưu sinh.
Ban đầu, chị dẫn theo 2 cô em gái và 1 cô em dâu lên Thủ đô kiếm sống.
Sau đó, khoảng 3-4 năm, khi khối công việc ngày càng nhiều mà người làm thì thiếu. Chị thuyết phục chồng và em trai ruột lên thành phố hỗ trợ thêm.
Thời gian đầu, ai có khó khăn thì mọi người cùng nhau đứng ra giúp đỡ, khi đã ổn định và quen công việc thì tách ra làm riêng. Như thế, vừa dễ để quản lý kinh tế, vừa chủ động trong việc buôn bán.
Cách đây 3 tháng, con trai chị đã gia nhập đội quân này. Hiện tổng số thành viên trong “gia đình bán hoa rong” lên tới 8 người.
“Thực ra, lúc đầu con trai tôi không có ý định lên đây. Nhưng tôi khuyên cháu trong thời gian chờ đi xuất khẩu lao động thì tạm theo mẹ đi bán hoa, vừa có thêm thu nhập, vừa có việc làm trong thời buổi khó khăn” - chị Hường tâm sự.
Nhọc lòng mưu sinh trên đất khách
Công việc của những người bán hoa rong thường bắt đầu lúc 4 giờ sáng và kết thúc khi tối muộn.
Sớm mỗi ngày, họ lấy hoa ở chợ đầu mối Quảng An (Hà Nội) rồi chở về phòng trọ phân loại, cắt tỉa, sau đó mới mang đi bán trong nội thành.
Trên những con “ngựa sắt” cà tàng, họ chở những thúng hoa lớn, cao vượt đầu người qua những con phố lớn, mặt đường thông thoáng và đông người qua lại như Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Phan Đình Phùng,…
Khi đỗ lại, mỗi người chia ra thành từng tốp để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, tránh hiện tượng chồng chéo khách của nhau.
Theo chị Hường, đi lại bằng xe đạp vừa dễ len lỏi trên phố đông vừa giúp tiết kiệm được một khoản kha khá. “Tính trung bình, mỗi ngày tôi phải đi đến 40-50 km, nếu mà đi xe máy thì tiền đổ xăng cũng hết cả lời”.
Để tiện di chuyển, họ cùng thuê phòng trọ tại khu vực chợ hoa Quảng An để làm nơi sinh hoạt. Mỗi phòng thường ở ghép 4-5 người để giảm bớt chi phí.
Chị Hường cho biết: “Trung bình 1 tháng cả tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống hết khoảng 2,5-3 triệu đồng, chia ra thì mỗi người phải nộp 600.000-700.000 đồng. Ở đây, ai cũng cố gắng tiết kiệm nhất có thể, như vậy thì mới có tiền gửi về quê”.
Nhờ chăm chỉ sớm khuya nên mỗi ngày, người bán hoa rong kiếm được 200.000-300.000 tiền lãi, những dịp lễ tết thì con số này có thể tăng gấp 2-3 lần.
“Mỗi tháng nhờ tần tảo, hà tiện tôi để ra được 3-4 triệu gửi về nhà. Bây giờ cũng có tuổi mà kiếm được ra tiền thế này là tốt rồi. Tôi chẳng mong gì cả, chỉ cầu cho trời phú cho sức khỏe để gắng sức nuôi con” - chị Dịu (em chị Hường) nói.
Rời quê đến nơi xa lạ lập nghiệp vốn dĩ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng đối với họ, ở đó có khát vọng, có tương lai nên không một ai muốn lùi bước.
Nói như cách của chị Dịu thì mỗi bó hoa trao đi là giấc mơ đến trường của con chị được thắp sáng.
“Tôi lam lũ đến nay cũng đã hết nửa đời người. Nguyện vọng của tôi chính là mong sao các con được ăn học đến nơi đến chốn để mai này đỡ vất vả. Bây giờ, khó khăn bố mẹ cứ gánh trước để sau này chúng có tương lai” - chị Dịu tâm sự.
“Tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn vì vẫn có công việc để mưu sinh. Biết chẳng có điều gì là dễ dàng, nhưng mỗi người cố thêm một tý, phụ nhau thêm một chút để cuộc sống ổn định hơn” - chị Hường tâm sự.