Hai tháng nay, người dân Cà Mau bàn tán xôn xao về việc ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường cho hàng trăm người “bới tung” gò đất nổi giữa hồ Vân Thủy (Cà Mau) để tổ chức tiệc cưới hoành tráng cho con gái ông là chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (28 tuổi) và chồng Nguyễn Thanh Duy, đang làm trong ngành xây dựng.
Đám cưới hoành tráng nhất vùng cực Nam tổ quốc
Đêm 8/1, hai người cùng vợ chồng ông Cường có mặt tại “đảo uyên ương” để tham gia buổi tổng duyệt chương trình văn nghệ được cho là hoành tráng có một không hai ở các đám cưới miền Tây. Chương trình văn nghệ này đã diễn ra trên sân khấu nổi giữa nhà hàng Vân Thủy vào đêm 9 và 10/1.
Theo ông Cường, “đảo uyên ương” có sức chứa trên 1.200 người. Vì vậy, ông mời 1.900 thiệp cưới đến bạn bè, người thân và đối tác với dự kiến khoảng 2.000 người tham dự. Ngoài ra, còn có khoảng 500 người là nhân viên phục vụ, điều khiển âm thanh, ánh sáng… nên tiệc cưới được chia thành 2 đợt khách mời trong hai ngày.
Ông Cường cho biết, hồ Vân Thủy nằm giữa trung tâm TP Cà Mau, rộng trên 81.700 m2, giữa hồ có “đảo” đất tự nhiên. Để lễ cưới con gái được chu đáo và hoành tráng, người cha này đã chi hơn 9 tỷ đồng để trang trí, mua sắm bàn ghế, chỉnh trang cơ sở vật chất, dựng sân khấu nổi… để phục vụ tiệc cưới được cho là có một không hai ở Cà Mau. Nhiều đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú ở Hà Nội và TP HCM được nữ chủ hôn mời tham gia chương trình văn nghệ với chi phí trên 2 tỷ đồng.
Theo chương trình tổng duyệt, đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt, Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phụ trách tổng thề. Hai MC là Hồng Phúc (VTV) và Hoa hậu biển Việt Nam 2015 Nguyễn Thị Loan. Đối với nghệ sĩ, phóng viên ghi nhận được Phi Nhung, Giáng Tiên, Dương Ngọc Thái, Thanh Thanh Hiền, Nguyễn Phi Hùng… Đặc biệt, ông Tô Hoài Dân, Tồng giám đốc Tập đoàn Điện gió Bạc Liêu cũng tham gia chương trình văn nghệ này.
“Sau đám cưới, tôi cho tài sản và giao quyền điều hành cho vợ chồng con gái đối với cụm công ty con tại Cà Mau có tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng. Tiền mừng cưới được trích ra 50% để làm từ thiện”, ông Cường nói.
Hiện, Tập đoàn Phú Cường của ông chủ quê gốc Vĩnh Thuận (Kiên Giang) này đang tập trung vào các lĩnh vực đầu tư như: Thủy sản, đô thị nhà ở, năng lượng tái tạo và du lịch, dịch vụ.
Chân dung đại gia xuất thân từ nông dân
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường Nguyễn Việt Cường đã gầy dựng thành công một sự nghiệp to lớn như ngày nay mà lúc nào cũng giữ nếp sống giản dị và bao dung. “Tôi đã trải qua những lúc cơ cực, vì vậy rất thông cảm với người khác còn chưa được như mình. Tôi có niềm tự hào với những gì mình đã làm được, dẫu cuộc đời còn nhiều điều để học lắm. Điều lớn nhất học hoài không hết là làm sao để sống đắc nhân tâm”, ông chia sẻ.
Là người con thứ tư trong một gia đình có 9 người con sinh ra tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Cha mẹ ông đã phải bươn chải vất vả để mưu sinh trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, vừa nuôi dưỡng vừa giáo dục đàn con.
Vừa bước vào tuổi trưởng thành, chàng thanh niên Việt Cường đi bộ đội. Rời quân ngũ, ông đã phải tự bươn chải bằng nhiều công việc nặng nhọc để vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn trong những ngày nền kinh tế đất nước chưa chuyển sang cơ chế thị trường. Ông nói: “Có những lúc mình muốn buông xuôi trước những cám dỗ, muốn chọn con đường ngắn nhất để có tiền. Nhưng rồi lương tâm đã thắng”.
Năm 1987, ông quyết định cầm cố chiếc tivi đen trắng cũ, để có được ít vốn nhỏ nhoi khởi đầu công việc thu mua thủy hải sản và bán lại cho các cơ sở chế biến xuất khẩu.
Cơ hội đến với ông Cường vào năm 1995, khi một nhà máy ở Cà Mau, nơi mà ông cung cấp nguyên liệu, thua lỗ nặng và có nguy cơ phá sản. Từ đó, gom góp tất cả số tiền có được, ông Cường mua lại xác nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản Phú Cường ra đời, mở đầu cho mô hình chế biến và xuất khẩu thủy sản do tư nhân làm chủ tại tỉnh Cà Mau.
Cơ hội lại đến và ông lại nhạy bén đón bắt đúng lúc, một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau và Kiên Giang do Nhà nước quản lý làm ăn thua lỗ, ông mua lại, tái cấu trúc nhân sự và cơ chế họat động. Đến nay, đại gia Việt Cường đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp khi thâu tóm được quyền chủ động quản lý 21 công ty thành viên và cho ra đời Tập đoàn Phú Cường đầu năm 2009.
Không dừng lại ở lãnh vực chế biến và xuất khẩu thủy hải sản, Nguyễn Việt Cường và những cộng sự tâm huyết đã phát triển họat động của công ty sang nhiều lãnh vực khác, như nuôi trồng thủy sản, xây dựng khu đô thị, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, những dịch vụ phụ trợ cho ngành chế biến thủy hải sản xuất khẩu.
>>> Xem thêm:
Đại gia Cà Mau: ‘Chi phí đám cưới chục tỷ không bằng doanh thu một ngày’
Gia thế hoành tráng của cặp đôi Cà Mau rước dâu bằng máy bay