Khởi nguồn từ sự vận động của doanh nghiệp
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, thời gian qua TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn vaccine phòng COVD-19 từ các tập đoàn, công ty có trụ sở ở nước ngoài để góp phần nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm trở lại bình thường, phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong đó, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation VietNam có trụ sở tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (Công ty UAC Việt Nam) đã chủ động liên hệ với Tập đoàn UAC tại châu Âu (có trụ sở tại Rumani) và đề xuất hỗ trợ vaccine cho TP Đà Nẵng nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
“Tập đoàn UAC tại Rumani đã tích cực làm việc với Chính phủ Rumani để hỗ trợ nguồn vaccine phòng COVID-19 cung cấp cho toàn bộ nhân viên Công ty UAC Việt Nam, công nhân, người lao động thuộc các KCN của TP Đà Nẵng. Theo thông tin đăng tải chính thức tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế ngày 14/7, Chính phủ Rumani đã quyết định tặng 100.000 liều vaccine AstraZeneca cho Chính phủ Việt Nam” – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay.
Giám đốc điều hành Công ty UAC Việt Nam Lese Ioan Liviu cho biết thêm, căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành hữu quan từ tháng 6/2021, Công ty UAC Việt Nam thông qua lãnh đạo Tập đoàn UAC tại Rumani đã chủ động làm việc, trao đổi, xúc tiến với Chính phủ Rumani, Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani, Đại sứ quán Rumani tại Việt Nam về hỗ trợ vaccine cho Chính phủ Việt Nam và phân phối lại cho TP Đà Nẵng, nơi Công ty UAC Việt Nam đứng chân.
Trên cơ sở đề xuất của Công ty UAC Việt Nam, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã chủ động làm việc, gửi Công hàm trao đổi với Đại sứ quán Rumani tại Hà Nội (Công hàm số 178/CH-SNG ngày 1/7/2021) để được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục liên quan tiếp nhận nguồn vaccine phòng COVID-19 từ Chính phủ Rumani; đồng thời trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani, Vụ Châu Âu – Bộ Ngoại giao để hỗ trợ, hướng dẫn.
Theo Giám đốc điều hành UAC Việt Nam Lese Ioan Liviu, qua sự xúc tiến, chủ động làm việc tích cực từ Tập đoàn UAC tại Rumani cũng như sự hỗ trợ tích cực, trao đổi, làm việc từ phía TP Đà Nẵng, Sở Ngoại vụ với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Rumani thông qua các kênh ngoại giao, Chính phủ Rumani đã quyết định tặng Việt Nam 100.000 liều vaccine AstraZeneca thông qua hình thức chuyển cho Chính phủ Việt Nam và giao cho Bộ Y tế phân bổ.
“Khẩn cầu” Bộ Y tế
Thế nhưng ngày 15/7 vừa qua, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã có Công văn 1148/SND-LS-NVNONN báo cáo UBND TP Đà Nẵng về hồi âm của Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao: “Chính phủ Rumani đã thông báo chính thức về việc tặng Việt Nam 100.000 liều vaccine AstraZenaca nhưng không đề cập đến việc hỗ trợ cho Công ty UAV Việt Nam. Sau khi tiếp nhận vaccine từ Chính phủ Rumani, Chính phủ Việt Nam sẽ giao Bộ Y tế phân bổ tùy theo tình hình thực tế”.
Do vậy, ngày 16/7, Giám đốc điều hành Công ty UAC Việt Nam Lese Ioan Liviu đã có Công văn 188/CV gửi Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đề nghị chủ động xin nguồn vaccine phòng COVID-19 đã được Chính phủ Rumani tài trợ cho Chính phủ Việt Nam.
Giám đốc điều hành Công ty UAC Việt Nam Lese Ioan Liviu nhấn mạnh: “Việc nhận được nguồn hỗ trợ vaccine từ Chính phủ Rumani cho Chính phủ Việt Nam là khởi nguồn từ đề xuất, tích cực làm việc của Tập đoàn UAC và sự hỗ trợ tích cực làm việc, ngoại giao của TP Đà Nẵng trong thời gian qua".
Xét tình hình diễn biến dịch phức tạp tại các KCN, Khu Công nghệ cao và tính cấp bách về nguồn vaccine để cung cấp cho TP Đà Nẵng, ông Lese Ioan Liviu đề nghị Sở Y tế, Sở Ngoại vụ, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng “khẩn cầu Bộ Y tế để được tiếp nhận nguồn vaccine trên cho TP Đà Nẵng để sớm triển khai tiêm chủng, ổn định tình hình dịch bệnh và sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép của TP”.
Như tin đã đưa, trong thời gian qua tại Công ty UAC Viêt Nam nói riêng, tại nhiều doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao và các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều ca dương tính khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình đốn. Nhiều nhà đầu tư trong Khu Công nghệ cao và các KCN bị thiệt hại chồng chất, người lao động khốn đốn vì dịch bệnh, mất công ăn việc làm…