Điều thú vị quanh cái tên Đà Lạt mà bạn không tìm thấy trong guidebook
Nguồn gốc của cái tên Đà Lạt bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, cũng là tên gọi khác của dòng thác Cam Ly. Đạ Lạch trong ngôn ngữ của người Thượng có nghĩa là dòng nước của người Cơ Ho, những chủ nhân ban đầu của vùng đất cao nguyên này. Khi người Pháp bắt đầu đến đây và kiến thiết thành phố, bằng cách tách các chữ cái rời ra, họ đã sáng tạo một khẩu hiệu bằng tiếng La tinh để giải thích một cách hết sức khéo léo cho tên gọi của thành phố Đà Lạt: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa là: Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe. Tuy nhiên, cho đến nay, cách giải thích thú vị này của cái tên Đà Lạt hầu như bị rơi vào quên lãng.
Bạn nghĩ mình đã chinh phục được đỉnh Lang Biang, không hề!
Từ trước đến nay, rất nhiều người trong chúng ta hẳn từng tham gia tour chinh phục Lang Biang bằng xe jeep và lầm tưởng mình đã đặt chân đến nơi cao nhất của Đà Lạt. Tuy nhiên, trên thực tế, những chuyến xe jeep chỉ đưa chúng ta đi đến đỉnh đồi Radar cao 1929m so với mực nước biển. Trong khi đó, đỉnh núi Ông cao 2124m và đỉnh núi Bà cao 2167m mới là hai đỉnh cao nhất của ngọn núi Lang Biang. Và để chinh phục được những ngọn núi này, chắc chắn chúng ta sẽ phải dành nhiều công sức và thời gian hơn.
Làng trồng hoa đầu tiên ở Đà Lạt là của… người Hà Nội
Được mệnh danh là “Xử sở ngàn hoa”, Đà Lạt không chỉ nổi tiếng với sự đa dạng của các chủng loại hoa có mặt ở đây mà còn được biết đến là một trong những vùng trồng hoa lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những cư dân đầu tiên đem nghề trồng hoa đến Đà Lạt lại xuất phát từ một nơi cách thành phố này hơn 1500 km, đó là Hà Nội.
Ngược lại quá khứ, năm 1938, theo lời kêu gọi của ông Trần Văn Lý là Quản đạo Đà Lạt, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đã vận động 35 người nông dân từ các vùng trồng hoa nổi tiếng ven Hồ Tây như Tây Tựu, Quảng Bá, Ngọc Hà,… lên tàu hỏa vào Đà Lạt, mang theo những giống hoa và cả rau quả được trồng phổ biến ở Hà Nội. Nhờ đã quen với nghề trồng hoa ở quê nhà cộng thêm được hỗ trợ bởi kỹ thuật của châu Âu, những người nông dân này đã thành công trong việc canh tác trên vùng đất mới. Sau đó không lâu, họ đã trở về đưa gia đình cùng lên đây sinh sống, làm ăn và tạo lập nên ấp Hà Đông, vùng trồng hoa nổi tiếng và lâu đời nhất Đà Lạt.
Không phải “Đồi thông hai mộ”, đây mới là địa điểm ghi dấu những mối tình huyền thoại!
Trong ấn tượng của những người thế hệ trước sinh sống và gắn bó với Đà Lạt, quán cà phê Tùng là một địa điểm hết sức đặc biệt. Gần 50 trước, cũng tại nơi này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gặp ca sĩ Khánh Ly lần đầu tiên để từ đó tạo nên một mối tình âm nhạc kỳ lạ và nổi tiếng cho đến tận ngày hôm nay. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi lui tới thường xuyên của cặp vợ chồng ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương, một trong những cặp đôi huyền thoại của âm nhạc miền Nam vào những thập nên 60, 70 của thế kỷ trước.
Tọa lạc ngay trong khu Hòa Bình, một trong những địa điểm sầm uất nhất của Đà Lạt, quán cà phê này vẫn giữ nguyên vẹn cách bài trí vốn có từ lúc mới mở cách đây hơn nửa thế kỷ. Vì vậy, đối với nhiều người, Tùng được coi là “nơi lưu giữ trọn vẹn nhất những ký ức của Đà Lạt xưa”. Theo lời kể của những người gắn bó với quán cà phê này, khi còn sống, chú Tùng, người khai sinh ra quán vẫn ao ước được gặp lại Khánh Ly thêm một lần nữa. Tuy nhiên, ông đã không thể chờ cho đến lúc nữ danh ca này trở lại đây sau gần nửa thế kỷ rời xa.
Nơi sở hữu một trong hai tuyến đường sắt độc đáo nhất thế giới
Năm 1908, toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer đã cho xây dựng tuyến đường sắt nối từ Phan Rang lên Đà Lạt. Để vượt qua được độ cao 1500m so với mực nước biển, người ta phải lắp thêm những bánh răng cưa leo núi vào trong đầu máy xe lửa và thiết kế 16km đường ray răng cưa. Tuyến đường sắt này cùng với tuyến đường sắt vượt qua dãy Alpes của Thụy Sĩ là hai tuyến đường sắt răng cưa duy nhất trên thế giới. Năm 1972, do chiến tranh ác liệt, tuyến đường sắt này đã ngừng hoạt động cho đến ngày nay.
Từng là “kinh đô” đặc biệt nhất của Việt Nam
Khi người Pháp trao trả quyền quản lý vùng cao nguyên Trung phần lại cho vua Bảo Đại năm 1949, ông đã lập ra một quy chế tự trị đặc biệt cho các tỉnh Tây Nguyên lúc bấy giờ với tên gọi Hoàng triều Cương thổ và đặt thủ phủ tại Đà Lạt. Lúc này mặc dù đã thoái vị nhưng trong vùng Hoàng triều cương thổ, Bảo Đại vẫn giữ danh nghĩa là Hoàng đế. Trong thời gian tồn tại của Hoàng triều Cương thổ từ năm 1950 đến 1954, toàn bộ gia đình Hoàng gia đã chuyển từ Huế lên sống ở Đà Lạt và đã khiến nơi này trở thành “kinh đô” đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngày nay, dấu tích còn lại của “kinh đô” một thời chính là 3 tòa nhà nổi tiếng Dinh 1, Dinh 2 và Dinh 3 Bảo Đại.
Không chỉ là Paris, Đà Lạt chính là một nước Pháp thu nhỏ
Với mục đích ban đầu là để kiến tạo một nơi nghỉ dưỡng cũng như để làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương của những người Pháp có mặt ở Việt Nam thời bấy giờ, chính quyền Thuộc địa đã xây dựng Đà Lạt trở thành nơi mang những nét đặc trưng nhất của mọi vùng miền trên khắp nước Pháp. Những ngôi biệt thự mang kiến trúc tiêu biểu của xứ Normandie thuộc vùng tây bắc, kiểu Provence của vùng đông nam nước Pháp đều có thể được tìm thấy ở Đà Lạt.
Và bây giờ, hãy tin rằng mình đã thật sự hiểu về Đà Lạt - hơn cả những đứa bạn mà chúng vẫn lên nơi này du lịch mỗi tháng!