Có bao giờ bạn nghe ai đó kể rằng, họ đã phải bỏ tiền để mua được niềm vui chưa? Chắc là lạ lẫm lắm nhỉ! Vì niềm vui là một giá trị tinh thần thì đâu có vật chất nào có thể trao đổi được, kể cả bằng tiền.
Ở cuộc sống này, niềm vui là một thứ miễn phí mà mọi người luôn trao cho nhau. Đó là khi người mẹ nhìn đứa con mình lớn lên, khi anh sinh viên giúp đỡ một cô bé bán rong hết giỏ hàng, hay thùng nước miễn phí, tủ bánh mỳ từ thiện, người ta mỉm cười vì giúp đỡ được người nghèo khó, và tiếng cảm ơn của cô nàng đãng trí trước lời nhắc nhở gạt chân chống trên đường đi… Bao nhiêu câu chuyện về niềm vui nhỏ nhỏ như thế là một phần tốt đẹp của cuộc sống.
Với câu chuyện vị bác sĩ Nguyễn Thanh Sang kể sau đây cũng là một niềm vui nhỏ nhỏ như thế. Có thể, anh đã bỏ những 20 nghìn để mua niềm vui, thế nhưng cái mà vị bác sĩ lẫn người mẹ vé số nhận lại được thì có giá trị lớn hơn vật chất ấy rất nhiều.
“3 ngày nay mệt và ho nhiều nên giờ trưa, tôi dạo bộ ra tiệm thuốc tây gần bệnh viện để mua thuốc ho ngậm cho đỡ rát họng.
Khi đang soạn tiền chuẩn bị trả cho 2 hộp tyrotab, tôi nghe giọng 1 người phụ nữ: “Chị ơi, con em nó sốt quá, chị bán cho em 2 ngày thuốc sốt””. Tôi giật mình và hy vọng chị bán thuốc sẽ từ chối bán thuốc mà khuyên vào BV để khám. Nhưng…
“Có ho không?” - “Dạ có.”
“Có sổ mũi không?” - “Dạ có.”
“Có tiêu chảy không ?” - “Hôm nay đi ra bọt 4 lần rồi”.
“Còn gì nữa không ?” - “Dạ bé mệt nhiều nên chị cho thuốc gì mạnh mạnh chút nha chị”.
Cứ mỗi câu trả lời của người mẹ bán vé số là một loại thuốc được lấy ra bỏ vào bịch. Tôi ngó sang toàn là kháng sinh, kháng viêm và có cả Smecta cầm tiêu chảy… Thực sự tôi kinh hãi quá. Không một động tác khám, cũng không vạch khăn ra xem đứa bé thế nào. Chỉ hỏi, hỏi và lấy thuốc. Mấy chuyện này nó làm mình khó chịu, ráng đứng lại vờ như đang nhắn tin điện thoại, tôi thấy đứa bé đừ nhiều, vẻ mặt mệt mỏi lắm.
Tổng cộng gói thuốc cho bé là 117 ngàn đồng. Tôi đợi chị xách bịch thuốc ra 1 góc vỉa hè đang ngồi soạn thuốc cho bé uống. Mình lại gần. Chị thấy mình, dơ cọc vé số lên: “Mua giúp chị tờ vé số đi em trai” . Tôi cười và nói: “Em sẽ mua cho chị. Em có ông anh là bác sĩ ở bên kia. Giờ chị qua đó đi, em nói anh em chụp cho bé 1 tấm phim phổi rồi chị trả em 1 tờ vé số chịu không?” .
Chị thoáng lúng túng. Tôi biết rõ chị lúng túng không phải vì tôi xa lạ, từ sâu trong mắt chị, tôi thấy chị lúng túng như kiểu lần đầu tiên gặp việc như vậy.
“Ở đâu em ?”
“Bên kia đường, chị thấy chữ Khu Khám Bệnh không? Qua đó chụp 1 phát cho chắc chứ em sợ bé chị nó bệnh đó. Đừng cho uống gói thuốc này vội. Lát anh em xem phim rồi kê toa cho”.
Quay lại, tôi vốn quen thân với ông anh cử nhân chụp phim phổi, 2 anh em hay cà phê sáng nên anh rất cởi mở giúp tôi chụp cho bé 3 phim ngực thẳng - ngực nghiêng và cột sốt. Sau đó nhờ anh điều dưỡng lấy 1 ống máu xét nghiệm dịch vụ trả kết quả ngay.
Xong tôi dẫn chị qua nơi tôi khám. Khi tôi mặc áo blouse vào, tôi thấy chị lúng túng thật sự, trưng trưng mắt nhìn tôi, còn cô bé cứ ngủ ngon trên đôi vai chị. Tôi chẳng biết vì sao mình lại nói dối chị, nhưng lúc đó, tôi nói tôi là bác sĩ sợ chị không tin. Bác sĩ gì lại đi mua thuốc tây?
Khám hết toàn diện cho bé. Kết hợp với xét nghiệm máu, phim XQ, bé hoàn toàn bình thường. May mắn chỉ là sốt + tiêu chảy do siêu vi. Tôi giải thích và đề nghị chị đổi bịch thuốc chị đang giữ cho bé bằng thuốc của tôi. Và chị đồng ý. Tất cả kháng sinh tôi bỏ ra vì tôi nghĩ nó chưa cần thiết. Thêm 1 ít thuốc bổ dạng siro cho con.
Xong xuôi. Chị đứng dậy cảm ơn tôi rối rít mà mắt thì chăm chăm xuống sàn nhà, không ngẩng lên. Tôi nói: “Giờ trả tôi 1 tờ vé số tiền công”. Chị nói: “Em đưa bác 2 tờ luôn”. Chưa kịp từ chối chị đã bỏ đi, để lại 2 tờ vé số trên bàn.
Anh cử nhân X quang nhìn tôi cười. Anh điều dưỡng cũng nhìn tôi cười. Còn tôi nhìn 2 mẹ con chị đi tất tả mà tôi cười.
Cảm ơn chị đã bán tôi 20 ngàn niềm vui.”
Ngay sau đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook, câu chuyện của bác sĩ Sang đã nhanh chóng nhận hàng nghìn lượt quan tâm và chia sẻ của mọi người.
Bạn Thiện Dương viết: “Bác sĩ có tâm. Biết đâu 2 tờ vé số đó, may mắn để bác có thêm khoản để từ thiện.”
Hay bạn Viet Phuong để dòng nhắn: “Lần đầu em được nghe về 1 bác sĩ có tâm như vậy. Em vẫn không muốn gọi là bác sĩ tốt bụng nữa, mà em chỉ muốn gọi anh là người nhân đức.”
“Cám ơn bác sĩ vì câu chuyện mà anh chia sẻ. Nó giúp tôi thấy cuộc đời này còn nhiều điều nhân ái lắm. Chúc anh luôn mạnh khoẻ và lan toả thật nhiều niềm yêu thương con người” - là lời chia sẻ của bạn Do Phuong Chi.
Thế đó, cuộc thương lượng mua-bán thú vị giữa vị bác sĩ trẻ, người phụ nữ bán vé số thương con và 20 nghìn đồng mua niềm vui ấy lại tạo nên bao phần tốt đẹp cho cuộc sống này. Ai cũng nghĩ, tại sao phải bỏ 20 nghìn để mua niềm vui cơ chứ? Và người nào sẽ nhận được nhiều hay ít hơn từ câu chuyện này? Điều đó không quan trọng.
Vì với tôi, chị vé số lẫn vị bác sĩ đều đã nhận được niềm vui của riêng mình rồi. Và giá trị của niềm vui đó không phải là ở hai tờ vé số 20 nghìn mà ở những tấm lòng vô giá.
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”