Tận mắt chứng kiến cảnh bố giết mẹ
Chị Lan Th. (SN 1974, trú Tân Mỹ Chánh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) kết hôn với Nguyễn Thanh H. (SN 1978, ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) sau khi cả hai một lần đổ vỡ trong hôn nhân.
Năm 2009, họ có với nhau một cô con gái xinh xắn đặt tên là T. Cuộc sống gia đình đang êm ấm cho tới khi người chồng trúng vé số.
Đầu năm 2014, H. bỗng dưng trúng được 4 tờ vé số, 3 tờ 30 triệu đồng và một vé an ủi được 6 triệu, tổng cộng gần 100 triệu đồng. Có tiền H. không đưa cho vợ chăm lo cho gia đình mà đem đi ăn chơi. Lâu lâu, H. mới trở về nhà một lần, lần nào về cũng say xỉn.
Vào khoảng 18h ngày 12/6/2014, H. quay về nhà tại xã Tân Mỹ Chánh tìm gặp vợ con với vẻ mặt vô cùng khác lạ. Anh ta nhào vào ôm đứa con gái vào lòng, nhưng bé hoảng hốt khóc thét lên không muốn gần cha.
Nhớ lại sự việc, bà Tư (mẹ chị Th.) cho biết khi đó đang ở sau nhà, nghe cháu la hét nên vội vàng chạy lên. “Khi tôi chạy lên nhà thì thấy H. trong nhà. Con gái sợ bố nên cứ một mực bám lấy bà”, bà kể.
Không gần được con, H. hậm hực đợi vợ ở nhà. Vừa lúc đó có tiếng chuông reo từ một số điện thoại lạ gọi tới máy của chị Th. để ở nhà. H. nhấc máy lên gằn giọng: “Mày là ai mà điện cho vợ tao?”. Nghe vậy, đầu dây bên kia liền cúp máy.
Theo bà Tư, đây là chiếc điện thoại chị Th. nhặt được trong lần đi gom rác, người gọi điện chính là chủ nhân của chiếc điện thoại để xin lại máy.
Tuy nhiên, H. cho rằng vợ mình đã ngoại tình với người đàn ông khác trong thời gian 2 tháng anh ta bỏ đi biệt tích. Vốn tính nóng nảy, anh ta đập phá đồ đạc trong nhà. Không có ai để ra tay, hắn xông vào bếp bưng mâm cơm bà Tư nấu sẵn đợi chị Th. đi làm về ăn đổ hết ra sân.
Tới khoảng 21h cùng ngày, chị Th. đi làm về thấy H. ở nhà, vênh váo giẫm đạp lên những thứ đồ dùng hắn vừa đập phá.
Chị Th. nói chuyện đàng hoàng được vài câu thì 2 người cãi nhau kịch liệt. H. không tin vợ mình, cho rằng chiếc điện thoại kia là đầu mối cuộc tình vụng trộm khi hắn vắng nhà. Anh ta ra tay đánh vợ, khi chị Th. la hét, anh ta dồn vợ lên giường rồi dùng dao đâm nhiều nhát vào người.
Đứa con gái khóc thét lên, túm áo ba xin tha cho mẹ thì H. lăm lăm con dao vấy máu, quay ngoắt lại lao tới đâm vào người con. Đang đau đớn, nhưng thấy con gái bị cha đâm, chị Th. lao đến đỡ lấy dao. Chưa dừng lại, anh ta chạy xuống bếp mở van bình ga rồi lấy chăn màn ra châm lửa đốt.
Mùi ga nồng nặc bay khắp nhà, bà Tư chạy vào thấy cháu gái đang khóc ngất, máu me khắp người, còn chị Th. nằm bất động trên nền nhà.
“Con gái tôi nằm chết dưới nhà, không nhắm mắt được, còn cháu tôi bị thương khóc mếu bên thi thể mẹ nó. Thấy lửa bốc cháy, tôi cố kêu cứu nhờ bà con chạy tới dập lửa”, bà Tư kể
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, chị Th. tử vong do bị H. đâm tới 9 nhát trên cơ thể, trong đó có một nhát dao trúng tim gây. Bé T. may mắn chỉ bị thương ở cánh tay trái. Gây án xong, H. bỏ chạy rồi đến công an đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình là do quá ghen tuông. Ít lâu sau đó, nghi can bị TAND tỉnh Tiền Giang đưa ra xét xử và tuyên phạt mức án tù chung thân.
Con sợ bố hơn sợ cọp
Khi chị Th. qua đời, bé T. mới tròn 5 tuổi, bé được gia đình giao cho cậu mợ nuôi dưỡng. Nhưng được ba tháng do không thích sống với cậu mợ, T. tự gói ghém đồ về ở với bà ngoại cho tới nay. Căn nhà của vợ chồng chị Th. ngay sát vách nhà mẹ đẻ không còn ai, mà chỉ dùng làm nơi chứa đồ và thờ cúng chị Th.
Bà Tư cho biết, kể từ sau khi án mạng xảy ra, bé T. rất sợ hãi khi có ai đó nhắc tới bố. Các bạn ở lớp và trẻ nhỏ trong xóm nhỏ hay lấy cô bé ra chọc nghẹo khiến T. trở nên cục cằn hơn. Nhiều lần đang chơi vui vẻ chỉ cần có ai đó nói bố mày đã về tới đầu ngõ kìa là T. tỏ ra sợ hãi và chạy đi trốn để không ai tìm thấy em. Tới khi bà ngoại phải nói là bố đi rồi em mới chịu ra.
“Trong phiên tòa xét xử H., T. đứng nép vào bà ngoại không dám nhìn bố. Bố nó uống chai nước xong và đưa cho con nhưng nó sợ quá không dám cầm và khóc chạy tới ôm chặt bà ngoại. Có lần, con bé đi học bị các bạn trêu chọc nó về kể lại với tôi. Các bạn nói con là bố đâm mẹ, giờ mẹ chết bố đi tù. Mày không có cha mẹ. Ngoại nghe có tủi thân không?'. Nó nói vậy đó. Ai mà nói nó giống bố nó cũng ghét lắm, đuổi đánh cho bằng được” - bà Tư tâm sự.
Nhớ lại khi chị Th. còn sống, bà Tư cho biết: “Khi con gái tôi còn sống, bé T. rất thích đi với mẹ, nhiều khi dù có bà ngoài ở nhà trông nhưng nó cứ đòi theo mẹ đi thu gom rác. Con bé lanh lợi lắm. Chưa tới cổng nhà người ta nó đã kêu: “Bà ơi lấy rác bà ơi”. Nhiều người thương nó, người cho bánh, quần áo, rồi cả tiền nữa. Có hai mẹ con đi làm cũng vui hơn. Nhiều khi người ta cho đồ ăn, hai mẹ con nó đem cả về cho tôi”. Nói đến đây mắt bà Tư rơm rớm nước mắt.
Theo bà Tư, mặc dù bé T. bây giờ mới lên 8 tuổi nhưng là đứa trẻ rất tình cảm và có phần già dặn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Ngày nào cô bé cũng rủ bà ngoại ra mộ thắp hương cho mẹ. Đứng trước mộ mẹ, T. thường khóc và trách móc bố: “Phải chi giận thì đánh một, hai bạt tai rồi bỏ đi cho giờ người ta còn có mẹ”. Nghe câu nói ấy của đứa cháu nhỏ, bà Tư không khỏi nghẹn lòng.
Không có nghề nghiệp hay ruộng vườn gì. Bà Tư hàng ngày đi hái rau tạp tàng mọc quanh xóm, và bắt ốc bươu ở ngoài ruộng để bán. May thì được 40 - 50 ngàn đồng/ngày. Nhiều người thương tình lâu lâu cho gạo, mắm, nước tương, mì tôm…nhờ đó mà hai bà cháu sống qua ngày. Bé T. đi học cũng được người ta cho quần áo, rồi sách giáo khoa cũ. Có ngày nhờ đi bắt ốc bà Tư bắt thêm được mớ cá, hay vài con tép mang về kho thế là hai bà cháu đỡ tiền mua thức ăn.
“Con T. được cái không đòi hỏi nhiều. Ngày nào thích ăn gì lại nói ngoại mua. Nhưng nó hay hỏi: Ngoại ơi ! Hôm nay, ngoại còn tiền không mua giò cho con. Nếu tôi nói hết tiền rồi lần khác ngoại mua thì con bé cũng thôi”.