Sinh ra từ một vùng quê ở tỉnh Bình Phước, chị Kiều Thị Ánh Liên (42 tuổi) đã có một tuổi thơ cơ cực hơn các bạn bè cùng trang lứa. Từ nhỏ chị phải làm lụng vất vả và từ bỏ ước mơ đến trường để phụ gia đình kiếm tiền.
Lớn lên bất hạnh lại đến với chị khi người chồng đầu ấp tay gối sau nhiều năm sống chung bất ngờ bỏ đi, để lại 3 đứa con trai nhỏ dại. Cuộc sống bế tắc, nghèo đói liên tiếp đè nặng lên đôi vai khiến người phụ nữ này phải quyết định rời bỏ quê hương lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống.
Do không có tiền thuê nhà trọ, các con lại còn quá nhỏ - phải chi tiêu cho nhiều thứ, chị Liên đành nhắm mắt làm liều, chọn mảnh đất trống bên trong nghĩa địa Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM) làm nơi trú ngụ. Từ những vật dụng dùng trong tang lễ còn sót lại như cây gỗ, gạch đá, bạt nhựa được chị tận dụng lại rồi tự xây thành căn nhà tạm bợ cho gia đình mình.
Kể về cuộc sống bên trong nghĩa địa, sinh hoạt giữa hàng ngàn người chết - chị Liên cho biết, những ngày đầu khi dọn vào nghĩa địa sống 4 mẹ con rất sợ hãi.
“Mấy ngày đầu đến đây bốn mẹ con tôi cứ thức suốt đêm để nói chuyện, đến khi trời sáng mới dám chợp mắt. Có hôm thằng con út ngất xỉu vì thấy mấy bộ đồ phơi ngoài cây xào cứ đung đưa bên của sổ. Tuy sợ nhưng tôi không thể tìm được chỗ nào miễn phí như nơi này”, chị Liên cười buồn, tâm sự.
Những hôm trời mưa lớn, căn nhà tạm bợ của bốn mẹ con chị nghiêng ngả, bốn bức tường bị gió xô và muốn đổ sập bất cứ lúc nào.
Khoảng 1 năm trở lại đây, chị Liên may mắn xin được công việc lao công cho một trường tiểu học ở gần nghĩa trang. Tuy thu nhập hàng ngày chỉ đủ “lót miệng” nhưng vì thương con, chị vẫn cố gắng dành dụm tiền cho cả 3 đứa được đến trường như các bạn đồng lứa.
“Tuổi thơ tôi đã khổ rồi nên tôi muốn các con được ăn học đàng hoàng. Nhiều lần thằng Được (con trai lớn) thấy tôi vất vả nên xin cho nghỉ học để đi làm phụ mẹ nhưng tôi không đồng ý. Dù gì tôi cũng gắng nuôi con tôi đi học”, chị Liên chia sẻ.
Thương mẹ vất vả, cả 3 anh em Kiều Minh Được (17 tuổi), Kiều Minh Vũ (11 tuổi), Kiều Minh Tuấn (8 tuổi) đều cố gắng chăm ngoan, học giỏi. Bị bệnh suy nhược thị khiến cho Được chỉ nhìn thấy 1 mắt, nhưng 7 năm qua em đều đạt thành tích học sinh giỏi. Noi gương anh Tuấn và Vũ cũng liên tiếp đạt học bổng trong trường và học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học.
Một mình gánh vác trách nhiệm làm trụ cột gia đình, chị Liên phải làm việc chăm chỉ. Hàng ngày, chị dậy từ 5h sáng lo cơm nước cho con rồi mới đến chỗ làm. Trong khoảng thời gian nghỉ trưa chị tranh thủ nhận công việc chăm sóc, lau chùi bia mộ trong nghĩa trang để kiếm thêm tiền.
Cuộc sống mưu sinh vất vả kèm theo trong người chứng bệnh thiếu máu não, viêm đại tràng, đau dạ dày hành hạ nhưng chưa một ngày chị Liên nghỉ làm. Không chỉ lo cho các con, giờ đây chị còn phải đảm nhiệm luôn công việc nuôi người mẹ già và người em trai duy nhất bị bệnh tâm thần. Cuộc sống vốn đã khốn khó nay lại càng túng quẫn hơn.
Sống giữa nghĩa trang, không chỉ sợ hãi với những người đã khuất mà bốn mẹ con chị Liên phải đối mặt với các con nghiện, nạn cướp giật và nỗi sợ bệnh tật từ môi trường, nguồn nước không đảm bảo…Nhìn cuộc sống chật vật của chị Liên và 3 cháu bé mà lòng chúng tôi đầy băn khoăn, trăn trở…