Đó là cảnh tượng mà người dân ở hẻm 499 đường Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã quá quen thuộc suốt 40 năm nay. Cứ 4h sáng, cụ Trần Thị Thơm lại lục đục ngồi dậy nấu xôi, 6h sáng, cụ đẩy xe đi bán đến hết xôi thì về nghỉ trưa
Chỗ nghỉ của cụ nằm ở góc hẻm nhỏ, ở đó có mọi thứ mà cụ cần: chiếc ghế dựa, ghế dài, một cái dù lớn che nắng che mưa, dụng cụ nấu nướng cũng đủ cả, khi nào giặt giũ xong cụ còn đem cả giá treo đồ ra phơi. Người dân trong hẻm biết ý, thấy “giang sơn” của cụ chiếm một nửa đường đi vô hẻm vậy đó, nhưng không ai trách cụ một câu. Bởi ai cũng hiểu, đến những giây phút cuối đời mà một người mẹ già vẫn oằn lưng đẩy xe hàng rong đi bán để có tiền chạy thận cho con gái, vất vả lắm thay!
Bình thường cụ Thơm buôn bán cả ngày mệt mỏi nên gương mặt trông lúc nào cũng khắc khổ, buồn hiu. Nhưng cứ có ai đến hỏi thăm bắt chuyện là cụ cười tít mắt. Cứ nói dứt một câu cụ lại cười, ai thấy cụ khổ chứ cụ lúc nào cũng thấy: “Bình thường hà cháu, quen rồi, đâu có gì đâu!”.
Cụ Thơm lấy chồng sớm, sinh được một trai, một gái. Thế nhưng các con của cụ nay cũng đã lớn tuổi, lại không có công việc ổn định. Con trai lớn nay đã 62 tuổi, ốm yếu, ngày ngày đi nhặt ve chai. Con gái 55 tuổi thì lại suy thận, suy tim nên không giúp đỡ được gì cho mẹ già. Để rồi đã ngoài 80, cụ vẫn lưng còng đi bán rong từ sáng đến tối.
Sáng cụ bán xôi, trưa về nghỉ ngơi rồi 3h chiều đẩy xe bán trái cây, bánh tráng, đến tối khuya mới về, ngả lưng nhắm mắt.
Chị Nga (con gái cụ Thơm) bảo dù cả đời mấy mẹ con dành dụm được bao nhiêu cũng không đủ lo cho việc chữa trị của chị. Chị vẫn phải vay mượn bà con, bạn bè khắp nơi. Dù chị Nga vẫn được phường hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, nhưng chi phí cho thuốc ngoài danh mục vẫn đắt đỏ, tốn kém. Cứ mỗi lần chạy thận, gia đình phải tiêu tốn gần 5 triệu đồng cho chị Nga. Mỗi tháng chị mất 10 triệu tiền thuốc, nhưng sức khỏe vẫn không khá hơn vì chị còn mắc bệnh suy tim.
“Cụ già rồi nên cũng không ăn xài gì nhiều, bán được bao nhiêu để dành cho con gái hết. Sợ nhất là sau này già yếu, chân càng đau, vai càng mỏi, đi đứng khó khăn chứ đừng nói đến việc buôn bán, không biết ai lo cho con cháu mình nữa…”, cụ Thơm nói.
Ông Minh, con trai của cụ mắc nhiều bệnh tuổi già nên hôm nào khỏe mới đi thu gom ve chai đồng nát bán kiếm tiền. Số tiền kiếm được ông để lo cho con mình nhưng vẫn không đủ, nói chi đến việc lo cho mẹ già. “Ngày xưa nhiều người không biết, hỏi chúng tôi sao lại để mẹ ngủ ngoài đường, thực ra chúng tôi không ai muốn bà phải ngủ như thế, nhưng bà nói trong nhà chật chội quá bà chịu không nổi, ra đường ngủ vậy mà mát mẻ hơn”, ông Minh nói.
Những hôm nắng ráo thì không sao, nhưng mưa gió thì lại khổ cụ Thơm vì không đi bán được.”Cũng có khi bà mặc áo mưa đẩy xe đi bán, ai thấy thương thì mua ủng hộ chứ thường cũng không ai dừng lại giữa trời mưa gió như thế để mua hàng. Nên trời mưa thì bà cứ ngồi ở hẻm thế, nấp dưới cây dù này nè, thỉnh thoảng bị dột ướt mặt ướt đồ, nhưng mát lạnh hà!”, cụ tâm sự rồi lại cười hì hì.
Cụ Thơm cho biết, căn nhà nhỏ chỉ có con trai và mấy đứa cháu nội ngủ nhưng cũng đã không đủ chỗ. “May là con gái ở nhà chồng (cách đó 2km) nên không phải chịu cảnh chật chội thế”. Thương mẹ già tảo tần, mỗi trưa chị Nga đều gắng sức sang phụ cụ dọn hàng, chuẩn bị trái cây.
Chị sinh được 3 người con trai. Hai đứa con lớn có gia đình rồi lập nghiệp tận Cà Mau. Còn đứa con trai út đang là sinh viên năm cuối đại học. Ngày trước lúc còn khỏe, chị Nga đi bán hủ tiếu dạo kiếm tiền nuôi con ăn học nhưng từ khi sinh bệnh, chị phải nghỉ hẳn ở nhà. Chồng chị làm thợ sơn, lương ba cọc ba đồng nên cụ Thơm cũng muốn góp chút sức lực tuổi già mà phụ tiền chữa bệnh cho con.