Ở tuổi xưa nay hiếm, đáng ra phải được hưởng niềm vui con cháu phụng dưỡng, thế nhưng hoàn cảnh của cụ Hỏn khiến không ít người nghẹn ngào rơi nước mắt. Cả một đời chăm lo cho các con các cháu, thế nhưng đến những năm tháng cuối đời cụ được đưa đến chùa trong cảnh ngặt nghèo: “Cháu gái bảo đợi ở đây, nó đi vô trong có việc chút quay ra, thế mà tôi đợi hoài cũng chẳng thấy”.
Ngoài 80, chân đau yếu không thể đi lại bình thường, trí nhớ kém “nhớ nhớ - quên quên”, thế nhưng khi được hỏi về gia đình, cụ trả lời khá rành mạch: quê cụ ở Bạc Liêu, sau lấy chồng sinh con, cả gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Những năm tháng khó khăn đói khổ, 2 đứa con trai qua đời, cụ chỉ còn lại 2 cô con gái. Nhờ chí thú làm ăn mà cả hai người con đều có cuộc sống ổn định, đủ đầy.
Sau khi chồng mất, từ nhiều năm nay cụ sinh sống với người cháu út tên My theo nghề dạy học. “Con My nó giỏi lắm, nó lấy chồng và sinh được 1 đứa con. Chồng nó người Úc, cứ đi đi về về”. Cụ còn hớn hở khoe: “Tụi nó khá giả lắm, như chiếc xe lăn này, tụi nó mua cho tôi hơn 6 triệu đồng đấy chứ”.
Khi được hỏi về địa chỉ nhà để mọi người đưa về, cụ trầm tư lắc đầu: “Tôi chẳng nhớ số điện thoại đứa nào cả, chỉ biết nhà nằm trên tầng 17 của một chung cư”.
So với hàng trăm cụ bà neo đơn được chùa Lâm Quang cưu mang thì cụ Hỏn có gia cảnh khá giả hơn thảy. Dáng người mập mạp phúc hậu, quần áo sạch đẹp chỉn chu, túi đồ được con cháu gói ghém cẩn thận bao gồm: khăn mặt, bàn chải, thuốc nhỏ mắt, chai nước, gói bánh… và đưa đến bằng xe hơi. “Nó mua cho tôi gói bánh, tôi đã bảo là không ăn, vậy mà nó nhất quyết bắt tôi cầm rồi còn dặn: “Để phòng khi nào ngoại đói”.”
Kể về câu chuyện tối hôm 1/7, một người chứng kiến nghẹn ngào cho hay: “Hôm đó trời mưa to, cũng gần 10h rồi tôi nhìn ra trước nhà thì nhìn thấy một cụ bà ngồi trên xe lăn ôm theo lỉnh khỉnh đồ đạc. Hỏi ra mới biết cụ đi cùng cháu gái và người giúp việc bằng xe hơi đến, cả hai đi vào trong nhưng cụ đợi mãi chẳng thấy ai quay ra đón như lời hứa. Thương quá, tôi mới đẩy cụ vào nhà cho đỡ lạnh. Cách đây 50m là chùa Lâm Quang - nơi cưu mang các cụ bà neo đơn. Nhìn cách chuẩn bị đồ đạc nào mền gối, nào quần áo chúng tôi cũng đủ hiểu rồi, nhưng không ngờ lại để một cụ bà hơn 80 tuổi trong đêm mưa gió thế này”.
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, cụ cứ ôm khư khư túi đồ được cháu gái gói ghém như một tài sản quý. Hết soạn quần áo ra, cụ lại cất vào, thỉnh thoảng lại ngẩng lên hỏi hang mọi người xung quanh: “Ở đây có kim chỉ không cô, tui thay thun lưng quần được một nửa rồi, tụi nó không gói theo dụng cụ để tôi làm tiếp. Cái quần này dày dặn nên tôi thích mặc”.
Trò chuyện lâu hơn với cụ, chúng tôi được biết đây không phải lần đầu tiên cụ được đưa đến những mái ấm thế này. Cách đây một tháng chị My - cháu gái cụ cũng có đưa cụ đến chùa Lâm Quang nhưng vừa đến nơi rồi lại quay về. Mái ấm cụ sinh sống lâu nhất (khoảng 3 tháng) là ở tận Củ Chi, “Ở đó cũng được chăm sóc đàng hoàng nhưng chán lắm cô ơi. Lần đó con My vô thăm, tôi mếu máo như một đứa trẻ, vậy là nó thương - nó rước tôi về”.
Theo lời cụ Hỏn kể, trước đây cháu gái cũng có ý định đưa cụ vào mái ấm Lâm Quang nhưng cháu rể cản lại. Nhân lần này, cháu rể đi công tác nên đứa cháu gái ruột đã đưa cụ vào lại đây.
Trong suốt cuộc trò chuyện với cụ, nhiều lần chúng tôi thắc mắc về lí do chị My không đến đón, nhưng tuyệt nhiên cụ trầm ngâm không lên tiếng. Thay vào đó là tay mân mê cái vỏ hộp thuốc nhỏ mắt chứa 100.000 đồng được cháu gái cho phòng thân, giọng trầm buồn: “Tôi già rồi, nó cho tôi làm gì, có xài gì đâu…”.
Kể về câu chuyện đêm 1/7, cụ Hỏn vẫn cho rằng “Mình đi lạc”, thế nhưng nhìn tình cảnh cụ thì hẳn những người chứng kiến đủ có cho mình một suy nghĩ khác. Có người già nào lại thích cảnh sống xa gia đình trong khi phụ thuộc vào chiếc xe lăn và hành lí được chuẩn bị thật đủ đầy? Khi được hỏi có muốn được trở về nhà, cụ trầm ngâm lắc đầu: “Về nhà chán lắm…”