Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Covid-19 ở Việt Nam sáng 16/9: Hơn 14.000 người khỏi bệnh và 6.000 ca nặng

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 645.640 ca nhiễm Covid-19. Có 5 tỉnh, thành phố tiếp tục ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (315.088), Bình Dương (166.075), Đồng Nai (37.169), Long An (29.289), Tiền Giang (12.561).

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 645.640 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.562 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, trong đó có 409.876 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.

+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh,

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (315.088), Bình Dương (166.075), Đồng Nai (37.169), Long An (29.289), Tiền Giang (12.561).

Covid-19 ở Việt Nam sáng 16/9: Hơn 14.000 người khỏi bệnh và 6.000 ca nặng Ảnh 1
Covid-19 ở Việt Nam sáng 16/9: Hơn 14.000 người khỏi bệnh và 6.000 ca nặng; Dù nới lỏng giãn cách, Hà Nội xác định chống dịch lâu dài.

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.189

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 412.650

2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.008 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.855

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.113

- Thở máy không xâm lấn: 127

- Thở máy xâm lấn: 877

- ECMO: 36

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 250 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (189), Bình Dương (42), Đồng Nai (4), Long An (4), Đồng Tháp (3), Tây Ninh (2), Phú Yên (1), Trà Vinh (1), Gia Lai (1), An Giang (1), Khánh Hòa (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 261 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.186 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Hà Nội phải xác định nhiệm vụ chống dịch lâu dài

Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong triển khai công tác xét nghiệm thần tốc, cũng như tiêm chủng vaccine.

Tuy nhiên, do đặc điểm của biến thể Delta nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát của dịch luôn hiện hữu, vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong toả thì thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng và từ đó thu hẹp dần vùng phong toả, giãn cách.

Về điều trị, thành phố phải thực hiện nghiêm phân tầng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/ cụm công nghiệp vì "dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau".

Theo đó, Hà Nội phải yêu cầu 100% doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể và chủ doanh nghiệp phải ký cam kết công tác phòng chống dịch với Ban Quản lý khu/cụm công nghiệp hoặc chính quyền địa phương (đối với doanh nghiệp nhỏ).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khoẻ của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động

Trong công tác tiêm chủng vaccine, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội tiêm nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn; lưu ý cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 6h00 ngày 14/9), Hà Nội ghi nhận tổng số 4.080 ca mắc, trong đó, 1.595 ca ngoài cộng đồng; 2.225 ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa; 213 ca mắc trong bệnh viện; 47 ca nhập cảnh.

Theo Sở Y tế Hà Nội, để triển khai xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, Thành phố đã huy động các lực lượng tham gia và công xuất xét nghiệm đạt gần 70.000 mẫu đơn tương đương 700.000 mẫu gộp 10/ngày.

Tốc độ xét nghiệm tăng lên trong các ngày gần đây nhưng các ca mắc cộng đồng giảm nhiều, cao nhất là 73 ca phát hiện ngày 25/8/2021, giảm xuống thấp nhất cho đến ngày 12/9 là 4 ca, có 1 ngày 9/9 không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng).

Đến nay, tính cả 97.000 liều vaccine AstraZeneca mới được phân bổ ngày 14/9, Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 5,4 triệu liều vaccine Covid-19. Tổng cộng đến nay, Hà Nội đã tiêm hơn 5,13 triệu liều vaccine phòng Covid-19 (trong đó hơn 4,7 triệu mũi 1 và hơn 425 ngàn mũi 2).

TP. Hồ Chí Minh: Các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện đến ngày 30/9

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản số 3072/UBND-VX chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố từ 16/9 đến 30/9.

Theo đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/9 đến hết ngày 30/9; tiếp tục cấp Giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông, các Giấy đi đường do Công an thành phố đã cấp tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/9 và đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) được cho phép hoạt động liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ 6h đến 21h hàng ngày và được xét nghiệm miễn phí mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần đến hết ngày 30/9.

Các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) được phép hoạt động từ 6-21h hàng ngày và đăng ký với UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức, phường, xã, thị trấn để được cấp Giấy đi đường theo quy định, gồm: dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi và hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép sử dụng nhân viên của đơn vị để giao nhận hàng trên địa bàn 01 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 03 người, tần suất 02 ngày/lần và tự chi trả kinh phí xét nghiệm.

Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và thực hiện xét nghiệm với tần suất 05 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 03 người do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả. Các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công công trình trên cơ sở tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.

Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn xem xét quyết định, cho phép hoạt động trở lại các sinh hoạt thể dục thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các “vùng xanh”, nếu đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch và phải tuân thủ nguyên tắc 5K.

Các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh (Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ) thực hiện triển khai cho phép người dân đi chợ 1 lần/tuần. Thí điểm triển khai thực hiện Thẻ xanh Covid-19 gắn với mã QR cá nhân và đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ. Việc thí điểm được thực hiện tại các khu vực cụ thể chứ không phải trên toàn địa bàn để làm cơ sở cho việc áp dụng rộng rãi sau này.

Chủ động bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động và tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn. Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao trên địa bàn quận, huyện này chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các phương án sản xuất theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ và Bộ Tiêu chí an toàn do UBND TP ban hành.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Chu Văn/TGVN

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất