Sáng nay (25/4), lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan quản lý đã đề xuất thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy vì những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp của doanh nghiệp này.
Quyết định chính thức về việc rút giấy phép công ty này sẽ được công bố chính thức vào sáng nay (25/4).
Trước đó, ngày 16/1, Bộ đã có kết luận thanh tra về những sai phạm của 2 công ty đa cấp là Amway Việt Nam và Thiên Ngọc Minh Uy.
Bộ Công thương cho biết riêng công ty Thiên Ngọc Minh Uy có tới 8 sai phạm, bao gồm:
Một số sản phẩm thực phẩm chức năng tại kho có nhãn gốc chưa đúng với nhãn gốc đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường.
Một số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp ký với nhà phân phối không ghi đầy đủ thông tin của nhà phân phối theo quy định. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 2 điều 24 nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Công ty chưa thực hiện việc đào tạo cơ bản, cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp và cấp thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp theo quy định cho toàn bộ nhà phân phối đang hoạt động. Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện trường hợp nhà phân phối không có tên trong danh sách đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp của công ty nhưng vẫn được công ty cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 2 điều 24 nghị định 42.
Công ty không xuất trình được bằng chứng chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tới một số Sở Công thương đối với các lần sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp lần thứ 3, thứ 4 và thứ 5 (Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Bắc Ninh…). Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 17 nghị định 42.
Năm 2015, công ty đã không giám sát kịp thời, để cho cơ sở Thiên Phúc - Ân Thi tại Cốc Ngang, Phạm Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn lại tiền khi mua lại hàng hóa từ nhà phân phối theo quy định tại điều 26 nghị định 42.
Đối với các sản phẩm mỹ phẩm Kang Yi Dao, công ty cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cụ thể là cử nhân viên hướng dẫn cách sử dụng và sử dụng sản phẩm để massage cho khách hàng theo các liệu trình tại công ty hoặc một số đại lý. Mặc dù công ty không thu phí hướng dẫn và massage sản phẩm mà khách đã mua nhưng việc cung cấp dịch vụ massage, chăm sóc sức khỏe kèm theo dòng sản phẩm mỹ phẩm Kang Yi Dao có nhiều khả năng gây hiểu nhầm là công ty kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo phương thức đa cấp, không phù hợp với đối tượng kinh doanh bán hàng đa cấp theo quy định tại điều 4 nghị định 42.
Công ty ký một hợp đồng, cấp một mã số khách hàng cho nhà phân phối nhưng cho phép nhà phân phối có nhiều mã số đơn hàng và hưởng quyền lợi theo Chương trình trả thưởng đối với các mã số đơn hàng đó. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm p khoản 1 điều 5 nghị định 42.
Năm 2015, công ty đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại dưới dạng tặng tiền mặt cho các nhà phân phối theo phương thức đa cấp đối với từng đơn hàng, theo đó, giá trị tiền mặt khuyến mại mà nhà phân phối có thể được hưởng từ từng đơn hàng có thể vượt quá giá trị của đơn hàng đó.
Với kết luận kiểm tra nói trên, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý. Riêng vi phạm về các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh triển khai quy trình xử lý theo quy định của luật Cạnh tranh. Kết quả xử lý sẽ sớm được công bố công khai.
Đáng nói, trước đó công ty này cũng nhiều lần bị phạt do vi phạm trong kinh doanh đa cấp, gần nhất tháng 12/2015 doanh nghiệp này cũng từng bị phạt 170 triệu đồng vì kinh doanh hàng nhập lậu, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Sự việc khiến rất nhiều người xôn xao vì tai tiếng trước đó của doanh nghiệp này cũng đã từng bị phanh phui trong rất nhiều bài báo gây sốc.