Tối 8/1, tại khu đô thị mới An Thới, thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc đã diễn ra lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
Việc thành lập thành phố Phú Quốc đã được chuẩn bị nhiều năm qua, được thể hiện qua việc nỗ lực tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch,... Theo đó, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đầu tư vào đảo ngọc Phú Quốc.
Sự kiện được hàng vạn người dân thành phố Phú Quốc cùng người dân tỉnh Kiên Giang chờ đón. Khắp ngã đường dẫn vào khu vực khu đô thị mới An Thới rất đông người dân tập trung theo dõi.
Tại buổi lễ, ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc Hội đã thực hiện nghi thức công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Thành phố Phú Quốc và các phường thuộc Thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Nghị quyết được ban hành ngày 09/12/2020 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ sự tin tưởng rằng, thành phố Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa.
Thành phố đảo này sẽ tận dụng tối đa cơ hội phát triển thành phố thông minh, xanh, sạch, đẹp. Đây sẽ là nơi mọi người đều mong muốn được đến và tận hưởng, từng bước trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp..., nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp. Phú Quốc đủ sức cạnh tranh với các điểm du lịch lớn nổi tiếng của các nước trong khu vực và quốc tế.
Góp phần đưa Phú Quốc thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt tại Phú Quốc, đầu tư xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn, trang bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngày nay, Phú Quốc đã phát triển với dáng dấp và hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến” Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo định hướng đề ra, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Việc thành lập thành phố biển đảo Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn mới, thu hút mạnh nguồn lực đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, giúp đảo Ngọc bứt phá, sớm đạt được mục tiêu to lớn này.
Đồng thời, việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ có tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm; thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia về đảo Ngọc; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, đưa Phú Quốc trở thành thành phố đáng sống top đầu Việt Nam.
Sau khi trở thành thành phố, cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, dân số Phú Quốc sẽ gia tăng nhanh chóng. Do đó, bên cạnh việc phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng xã hội, công tác phát triển đô thị ở Phú Quốc sẽ được quan tâm đặc biệt, trọng tâm là đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ, bố trí các khu dân cư, khu đô thị mới hiện đại, tiện nghi, đầy đủ tiện ích.
Hai đô thị lớn là Dương Đông và An Thới sẽ là nơi thu hút lượng lớn dân cư từ đất liền ra đảo. Trong đó, An Thới là khu vực mới phát triển, quỹ đất còn rộng, được định hướng phát triển thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch của Phú Quốc, sẽ là khu vực trọng yếu để phát triển các khu dân cư mới cũng như đón lượng khách du lịch tăng trưởng không ngừng.
Từ chỗ "trắng khách sạn" tiêu chuẩn từ 3 sao, hiện Phú Quốc có hơn 22.000 phòng lưu trú, trong đó hơn một nửa đạt tiêu chuẩn 3-5 sao, nhiều khách sạn đẳng cấp được vận hành bởi các tập đoàn danh tiếng quốc tế như Marriott, Accor Hotel, New World, Rosewood, InterContinental...
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư cũng sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Phú Quốc trong giai đoạn tới, song song với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đã và đang làm ăn kinh doanh, đầu tư trên đảo.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, là một thành phố trẻ song thành phố Phú Quốc đã có sự chuẩn bị cho chặng đường trưởng thành phía trước.
Do đó, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục lãnh đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình và định hướng phát triển, chỉ đạo nghiên cứu cơ chế chính sách nổi trội để Phú Quốc phát triển mạnh hơn nữa, trở thành động lực phát triển của tỉnh Kiên Giang, và là một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và cả nước, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế; đặc biệt là từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thân thiện và an toàn.
Hiện nay, đảo ngọc Phú Quốc trở thành một thương hiệu quốc gia và đang phấn đấu với mục tiêu phát triển vượt bậc như trung tâm du lịch sinh thái biển đảo, trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, các phường được thành lập ở thành phố Phú Quốc gồm phường Dương Đông, phường An Thới. Vậy, ngoài 2 phường nói trên, hiện nay, thành phố Phú Quốc còn 7 xã gồm: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu.
Phú Quốc là thành phố đảo nằm ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Hà Tiên 45km về phía Tây, cách thành phố Rạch Giá 120km về phía Đông. Kinh tế của thành phố Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định.
Trong 5 năm vừa qua, Phú Quốc đã hoàn thành 12 chương trình, dự án trọng điểm, nghị quyết chuyên đề. Chia sẻ cảm nghĩ về việc Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, nhiều người dân Phú Quốc đã bày tỏ tâm tư tình cảm cũng như những trăn trở và kỳ vọng của mình.
Thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới là hai đô thị của Phú Quốc. Thị trấn Dương Đông có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội; thị trấn An Thới là đầu mối giao thông cảng biển quan trọng nhất của thành phố.