Vào năm 2008, một sinh viên người Canada có tên Christopher Charles tới làm việc tại một ngôi làng hẻo lánh ở Campuchia. Tại đây, cuộc sống trôi qua vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, không điện, không nước và không hề có bất kỳ trò tiêu khiển nào để giết thời gian.
“Tôi bắt đầu nghiên cứu về tỷ lệ thiếu máu và nhiễm ký sinh trùng trong khu vực và bắt đầu nhận ra vấn đề này là vô cùng nghiêm trọng, thế nhưng vẫn chưa hề có ai thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề sức khỏe này.”
Theo thống kê, gần một nửa số người dân Campuchia mắc chứng thiếu máu, mà nguyên nhân là do hàm lượng sắt trong máu quá thấp. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá, để giải quyết triệt để bệnh nhân thiếu máu, nhân loại phải cần tới khoản tiền khổng lồ 50 tỷ USD.
Theo Imelda Bates, một bác sĩ Trường Đại học Y dược Liverpool cho biết, cách thông thường để tăng hàm lượng sắt trong máu chính là sử dụng các viên nang có chứa sắt. Phương pháp này được các bà bầu áp dụng từ hàng chục năm trở lại đây. Thế nhưng Bates cho rằng, người bệnh lại không hề thích mùi vị của các viên nang này. “Các viên thuốc này rất tốt, chúng rất có tác dụng, thế nhưng các bệnh nhân lại không hề thích mùi vị của chúng. Bên cạnh đó, người bệnh còn gặp phải các tác dụng phụ như đau dạ dày và táo bón.”
Từ đó, Charles nảy ra ý tưởng chế tạo cá sắt chứa 75% lượng sắt cần thiết cho cơ thể hàng ngày nhằm giúp đỡ không chỉ người dân Campuchia mà còn hơn 2 tỷ người thiếu sắt.
Chứng thiếu sắt có thể dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng khác, thậm chí là tử vong. Để bổ sung vi chất có thể dùng vitamin, nhưng đối với các đối tượng trên đó là sản phẩm quá đắt đỏ hoặc không có tại địa phương.
Charles quyết định phải làm gì đó để cứu chữa cho các bệnh nhân nghèo khó tại Campuchia. Anh quan sát thấy, ở đây người dân đã nghĩ cách bổ sung thêm sắt vào thực phẩm bằng cách nấu nướng trong một chiếc nồi sắt qua nhiều năm.
Vì vậy, thay vì nấu ăn trong một chiếc nồi cồng kềnh, Charles đưa cho người dân một khối nhỏ bằng sắt để thả vào nồi. Gặp nước sôi, sắt sẽ được giải phóng ra và thẩm thấu vào thức ăn đang được nấu trong nồi.
Sau đó, Charles quan sát thói quen ăn uống của người dân Campuchia và nhận ra, hầu hết các món ăn được nấu ở vùng nông thôn Campuchia đều có cá. “Tôi nhận ra ở Campuchia có một loài cá cổ tên là Kantrop và nó đem lại may mắn trong văn hóa dân gian tại đây. Vì vậy tôi đã làm một con cá bằng sắt với hy vọng đem lại sức khỏe và thịnh vượng cho người dân Campuchia,” Charles cho biết.
Với chú cá sắt này của Charles, người dân chỉ cần đun chung với canh, súp trong ít nhất 10 phút. Con cá sắt này có “hạn sử dụng” khoảng vài năm.
Sau khi được hoàn thành, con cá sắt được đưa ra thử nghiệm trên 230 người Campuchia. Sau khi nấu cơm với “cá sắt” trong vòng 9 tháng, một nửa số người tham gia thử nghiệm đã không còn bị thiếu sắt.
Đặc biệt, không chỉ cải thiện sức khỏe, con cá sắt “quý hơn vàng” này còn góp phần tạo ra kế sinh nhai cho người dân Campuchia. Hiện con cá sắt được chào bán tới khách du lịch nước ngoài với giá khá cao 25 USD/con (khoảng gần 600 nghìn đồng), thế nhưng những người bán liên tục phải ở trong tình trạng “cháy hàng” do lượng người mua làm kỷ niệm quá đông.
Charles không có ý định dừng lại ở đây, mà dự định tạo ra nhiều sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển.