Thế nhưng cõi Facebook đầy thị phi và nhỏ mọn đã làm cho vô số phần trăm trong hơn 1,6 tỷ người dùng phải đảo điên đời sống và đánh mất tôn nghiêm, hoài bão của mình là điều có thật.
Ngày trước, ông bà ta thường nói “biết thì thưa thì thốt/ không biết thì dựa cột mà nghe”, mới nhìn tưởng phân biệt đối xử theo kiểu trên dưới, giai tầng. Facebook tạo ra một cõi thế để chống lại điều đó, nơi mà ai cũng có thể thưa thốt một cách tự do, dân chủ. Trong giai đoạn đầu, sự dân chủ của Facebook quả là tuyệt diệu, thời gian gần đây, sức mạnh đấu tranh và kinh doanh hiệu quả của Facebook càng rõ rệt hơn nữa. Thế nhưng, đời không chỉ có vậy…
Nếu ta trẻ tuổi, hẳn nhiên sẽ có rất nhiều dự định, đam mê và mơ ước, vậy thì làm sao để biến nó thành khát vọng và hoài bão. Vì không có hoài bão, mọi mơ ước chỉ dừng lại ở hi vọng, mà khi không thành tựu do chưa đủ ý chí, quyết tâm thực hiện, nó sẽ thành viển vông, rồi tuyệt vọng.
Facebook dễ làm hài lòng và dễ xoa dịu những thất vọng tạm thời, nhưng chính nó cũng dễ che mờ các ý tưởng và kế hoạch dài hơi. Đụng gì cũng bày tỏ, cũng viết, cũng chia sẻ, cũng bình luận… thì khó nuôi dưỡng nó thành một hoài bão, một giấc mơ đời người. Chẳng lẽ cuộc đời chỉ gồm những ý nghĩ được bày tỏ ngắn hạn, mà không có một quan điểm, một thẩm mỹ, một tư tưởng dài hạn.
Mà đâu chỉ có người trẻ, ngay cả người nổi tiếng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu… mà đụng gì cũng nói, cũng viết, đến khi cần viết cái chuyên sâu, sở trường thì đã mất thiêng. Ngay như vụ cá chết ngoài biển hiện nay, Facebook là diễn đàn mạnh mẽ và hiệu ứng cao nhất, nhưng ước gì có những phân tích thấu đáo, khoa học hơn để người dân hiểu rõ vấn đề. Facebook nuôi dưỡng bất bình, củng cố sự thị phi, nên kéo luôn các chuyên gia nghiện Facebook vào cõi nhiều chuyện, đến một lúc quên mất chuyện chính yếu của mình.
Facebook cũng dễ trở thành kẻ thù của những người làm sáng tạo, công việc vốn cần thai nghén ý tưởng và nuôi dưỡng tư tưởng tương đối bền bỉ. Giả dụ ta có ý tưởng viết một tiểu thuyết về biến đổi khí hậu hoặc hủy hoại môi trường, việc đầu tiên là phải nghĩ ra cái tứ, rồi cấu trúc, tiếp đến xây dựng không khí và nhân vật, cuối cùng là các chi tiết đắt giá. Nay có Facebook rồi, các quá trình đó dễ bị tương thành status, sa đà vào comment, chạy theo hình chụp, video… đầy thời sự, đến hồi quay trở ra thì mất hứng thú để viết thành tiểu thuyết. Chưa nói đến lúc đó đã có chuyện khác cần bàn luận, cần bày tỏ quan điểm, bảo vệ ý kiến, theo đuổi các tình tiết phát sinh. Kiểu như Minh Béo ra tòa chưa xong thì đã có phim Ngọc Trinh ra rạp.
Chưa nói, hiệu ứng và kỹ nghệ tương tác của Facebook ăn đứt sáng tạo ở nhiều khía cạnh, nên một khi người làm sáng tạo mê đắm với cõi vui vẻ này, sẽ chẳng còn thời gian cho việc riêng. Có một ý kiến (có thể hơi khắt khe) cho rằng cứ nhìn “gương mặt” Facebook của một chuyên gia, một người làm sáng tạo nào đó có thể đoán được độ xao nhãng chuyên môn của người đó. Với những Facebook tập trung cho chuyên môn thì thường ít thu hút dư luận, còn những Facebook thị phi, đa đoan, xàm xí thì đầy thu hút. Cho nên, khi một nhà văn, nhà báo hay người làm sáng tạo tự hào vì có một Facebook nóng hổi, thu hút, chưa chắc công việc chuyên môn của người đó đang còn ấm áp, chứ chưa nói đang nóng hót tương đương.
Và cuối cùng, dù nói như vậy, nhưng người viết bài này cũng không phải trường hợp vô can với cám dỗ, hệ lụy từ Facebook.
Nhà báo Lý Đợi (tên thật là Hà Văn Bảy) là người Quảng Nam nhưng hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM cùng gia đình. Nhà báo Lý Đợi hiện đang công tác tại báo Thể thao và Văn hóa thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam. Bên cạnh viết báo, tác giả Lý Đợi còn được biết đến như một người nghiên cứu văn hóa - xã hội. Lý Đợi đã xuất bản một số đầu sách với các bài viết về con người và địa danh Sài Gòn. |