Mặc dù trường đã thông báo rõ đúng 7h30 ngày 8/8 mới nhận hồ sơ đăng ký nhập học vào lớp 1, nhưng ngay từ 6h ngày 7/8, các phụ huynh đã xếp hàng ngoài cổng trường để mong giành được cho con mình một trong 65 suất cho năm học 2017-2018.
Số suất học hạn chế này chỉ dành cho các em có hộ khẩu thường trú ở ấp An Chu.
Lúc 0h30 ngày 8/8, đã có hơn 50 phụ huynh xếp thành 2 hàng trước cổng phụ của trường, kéo dài ra tận sau trường. Hai hàng người được phân bởi 2 khung sắt song song, dài khoảng 3m, cao khoảng 70cm được hàn cố định xuống mặt đất. Phía sau có hai sợi dây kéo dài để giữ hàng. Phía trên có tấm bạt kéo căng để che mưa che nắng.
Nhiều phụ huynh ngồi, nằm, chống tay vào thanh sắt vật vã ngủ giữa đêm. Số khác mỏi quá đã tranh thủ đi ra khỏi hàng một lúc cho đỡ mỏi lại mau chóng trở lại hàng vì sợ mất chỗ.
Anh Trần Văn Ch. (ngụ ấp An Chu) cho biết sáng ngày 7/8 anh vẫn đi làm nhưng chiều đã xin nghỉ để ra xếp hàng mong đăng ký nhập học cho con. Nhà anh Ch. ở ngay sát trường, nếu con anh không được học tại đây thì phải học ở trường tiểu học Diên Hồng cách đó khoảng 3km. Vợ chồng anh đều làm công nhân nên rất khó đưa đón con đi học, thuê người chở thì tốn mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Nếu học trường Trần Quốc Toản, con anh có thể tự đi học, đỡ tốn kém lại yên tâm.
Chị Trần Thị S. (ngụ ấp An Chu) thì đã ra xếp hàng ở đây đến lần thứ hai. Năm trước xếp hàng quá đông nên năm nay chị rút kinh nghiệm, ra “xí” chỗ từ sớm.
“Vợ chồng tôi ngồi đây từ 7h sáng ngày 7/8. Hai vợ chồng xin nghỉ làm để thay nhau giữ chỗ và có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho các con ở nhà. Vì con vì cái phải chịu chứ biết sao giờ”, chị S. cười nói.
Cũng như anh Ch., chị S., nhiều phụ huynh khác cũng chung tình cảnh là công nhân, con nhỏ không tiện đưa đón, trong khi các trường tiểu học lân cận đều phải đi qua những tuyến đường đông xe cộ như quốc lộ 1, ngã 3 Trị An, tỉnh lộ 767…
“Nghĩ đến 5 năm đưa đón con đi học thì phải cố thôi. Nghỉ làm một hai ngày hay bị công ty phạt cũng phải chịu”, một phụ huynh chia sẻ.
Đến khoảng 3h ngày 8/8, một số phụ huynh khác lác đác đến “thay ca” cho người thân. Đa số là chồng hoặc vợ. Càng về sáng, số lượng phụ huynh kéo đến càng đông. Người thay ca, người vào hàng giữ chỗ.
Đến 6h sáng, gần 200 người đã có mặt trước cổng trường, dù còn một tiếng rưỡi mới bắt đầu nhận hồ sơ. Hai hàng người chật kín, người sau bám sát người trước, tay cầm chặt dây thừng vì sợ có người chen ngang.
Bên ngoài hàng, một vài người nhà cầm quạt quạt cho người thân trong hàng. Đa phần nhịn đói hoặc ăn vội ổ bánh mì để tiếp tục chờ đợi.
Đúng 7h30, sau khi phổ biến lại quy định, trường mở cửa cho từng tốp 2 phụ huynh vào trường làm thủ tục nhập học cho con. Dù có sự điều tiết của lực lượng công an và các giáo viên trong trường, hàng người chật cứng vẫn dồn mạnh tới trước đến mức nghẹt thở.
Đến 8h20, trường thông báo nhận đủ chỉ tiêu 65 học sinh như kế hoạch. Bên ngoài vẫn còn hơn chục phụ huynh đứng trong hàng với khuôn mặt buồn bã, mệt mỏi.
Thầy Bùi Huy Toàn, trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom, cho biết trường tiểu học Trần Quốc Toản là trường công, đã hoạt động 3 năm nay và năm nào cũng căng thẳng về tuyển sinh. Hiện trường đang xây dựng thành trường chuẩn quốc gia theo nghị quyết của tỉnh nên bị khống chế không thể tăng sĩ số (không quá 30 em/lớp).
Trong khi đó, khu vực Bắc Sơn gần khu công nghiệp, dân số gia tăng quá nhanh gây quá tải. Trường do tập đoàn Phong Thái hỗ trợ xây dựng trường nên phải dành 65 suất cho con em công nhân, 65 suất còn lại dành cho học sinh trên địa bàn.
Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom đã phối hợp với địa phương phân luồng học sinh trên địa bàn sang trường tiểu học Diên Hồng và trường tiểu học Sông Mây (cùng thuộc xã Bắc Sơn) nhằm đảm bảo việc học cho các em.