Sắc màu Cuộc Sống

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ

Linh Lan
Chia sẻ

Giữa làng quê heo hút, thư viện “Cô Ba” thuỷ tinh của chị Huỳnh Thanh Thảo (H. Củ Chi) đã gieo biết bao con chữ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ thế, sự nỗ lực của Thảo còn thay đổi cái nhìn của xã hội, “khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh”.

“Bơi” trong con chữ

Lọt lòng mẹ, chị Huỳnh Thanh Thảo (36 tuổi) bị di chứng chất độc màu da cam. Cơ thể bé nhỏ chỉ bằng 1/3 người bình thường. Đã vậy, với căn bệnh xương thuỷ tinh quái ác, chỉ cần một cái giật mình hay va chạm nhẹ cũng có thể khiến xương của chị gãy vụn. 

Không được đến trường như bạn bè cùng lứa, Thảo cứ mong chờ khi lớn lên chút nữa, mẹ sẽ cho mình đi học. Thấy đứa trẻ khiếm khuyết nhưng ham học, một người bà con đã kêu cô Sáu (mẹ Thảo) dạy chữ cho chị. 

Nghe thấy thế, cô gái nhỏ khi ấy mừng rỡ. Thương con, cô Sáu mua sách Tiếng Việt (tập 1) về dạy cho chị. Căn nhà nhỏ khi ấy bắt đầu có tiếng đánh vần bập bẹ của hai mẹ con.

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 1
Chị Thảo và cô Sáu (mẹ của chị).

Là người dân quê chân chất, lúc trước cô Sáu chỉ học hết lớp 3. Vì thế, khi chuyển sang sách tập 2 có nhiều từ ghép, cô Sáu không biết đánh vần thì làm sao chỉ con học được. Việc học chữ tưởng dừng lại ở đó, thế nhưng quyết không nản lòng, Thảo đã tìm đủ mọi cách để được biết chữ.

Thấy nhà mình đông khách đến chơi, mỗi ngày như thế, Thảo đều nhờ vả khách đánh vần cho mình nghe, dùng trí nhớ để lưu trữ trong đầu.

 Với những từ khó, khách vừa quay lưng về là Thảo cũng quên sạch trơn, đánh vần nhầm tới nhầm lui. Kiên trì trong suốt 1 tháng, Thảo đã học xong 2 cuốn sách Tiếng Việt, biết các mặt chữ. Với Thảo, niềm vui lớn nhất khi đó là đánh vần được tên của ba mẹ.

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 2
Gia đình chị Thảo trong ngày Kỷ niệm 15 năm thành lập Thư viện mini Cô Ba.

Kinh tế gia đình khi ấy khó khăn, vì thế Thảo không mua sách mới mà học lại sách cũ, tận dụng giấy thừa từ vở chị gái để viết chữ. 

Ở nhà, chị xé lá chuối, lấy que làm bút rồi viết nguệch ngoạc. Không chỉ thế, khi không có sách vở, Thảo nhặt lại những giấy gói trong bánh mì rồi đọc hết các mặt chữ trên ấy mới thoả mãn. 

Cô giáo thuỷ tinh và lớp học không bục giảng

Khi đã thông thạo chữ nghĩa, chị khát khao sự kết nối, thèm muốn không khí lớp học, trao kiến thức của mình học được cho người khác. Vậy là, Thảo bắt đầu kèm chữ cho mấy em nhỏ gần nhà. 

Lấy chiếc giường tre ọp ẹp làm bục giảng, lớp học nhiều nhất chỉ khoảng 4 em. Những đứa trẻ đặt tập lên giường, còn Thảo thì nằm, xoay tới xoay lui để cầm tay luyện chữ cùng các em nhỏ. Nói là dạy học, thế nhưng thực ra chị cũng đang học cùng các em, chị học được các luyện chữ ngược, đọc ngược, có thêm những kỹ năng mới thú vị hơn.

Lớp học tình thương cũng ra đời từ đó. Ở thế giới của mình, chị tìm thấy niềm vui trong sự kết nối, đặc biệt là với trẻ thơ.

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 3
Ngồi lọt thỏm trong xe lăn, thế nhưng cô gái ấy lại có nghị lực phi thường.

Với tâm lý, khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh, chị cũng thử tập tành kinh doanh để nuôi thân và thấy mình không vô dụng. Năm 16 tuổi, chị Thảo nhờ mẹ vay mượn 3.000.000 đồng để mở quán tạp hoá. 

Ở đó, chủ quán không thể đi lại, khách chỉ cần lấy hàng, tự bỏ tiền vào thùng và lấy tiền thừa. Thế nhưng, sức khoẻ không cho phép, Thảo phải ra vào viện thường xuyên vì không đủ sức khoẻ. Quán tạp hoá vì thế cũng phá sản, lớp học cũng đành tạm ngưng.

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 4
Chị Thảo và đứa con tinh thần Thư viện mini Cô Ba

Là một “fan cứng” của radio, trong một lần giao lưu, khi được hỏi mong muốn của chị là gì, chị Thảo bày tỏ ước muốn có một tủ sách cho thiếu nhi. Câu chuyện “cô giáo” xương thuỷ tinh được đông đảo thính giả biết đến, bạn đọc các nơi cũng gom góp sách, ủng hộ được nhiều hơn. 

“Cộng hết số sách có sẵn và khán giả ủng hộ có hơn 50 cuốn. Vậy là tôi đã đi xin một chiếc tủ đựng thuốc lá để đặt hết số sách của mình lên” – Chị Thảo chia sẻ.

Một ngày tháng 3 trời mưa tầm tã, trẻ em trong xóm đội mưa đến rất đông. Khi nhìn thấy sách, những khuôn mặt non nớt ánh lên cái nhìn mừng rỡ, ngồi đọc một cách say mê. Lúc ấy, chị Thảo mới biết con đường mình đang đi là sự lựa chọn đúng đắn. Niềm vui chưa được bao lâu, khi 50 cuốn sách đã được đọc hết. Chị cứ trăn trở làm sao để mở rộng tủ sách hơn.

 Đúng như câu nói “Nếu bạn tin vào chuyện tốt, thì chuyện tốt sẽ tới thôi!”.

 Chuyện tốt đã đến với Thảo…

“Thao’s Library”, câu chuyện chạm đến hàng triệu trái tim New York

Căn nhà của Thảo, vô số bằng khen được treo rất cẩn thận, sắp xếp gọn gàng trên tường. Mỗi thành tích đối với “cô gái thuỷ tinh” là một câu chuyện của sự nỗ lực không ngừng. Nổi bật nhất trong số ấy, tấm poster  phim "Thao's Library" của nữ đạo diễn người Mỹ Elizabeth Van Meter, được công chiếu tại một số rạp ở New York thời gian trước. 

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 5
"Thao's Library" kể về câu chuyện, cuộc đời của Thảo.

Trong một lần sang thăm Việt Nam, nhiếp ảnh gia người Mỹ Stephen đã kể câu chuyện, sự tàn phá khủng khiếp và nỗi đau của những nạn nhân chất độc màu da cam qua những bức ảnh của mình. 

Khi ấy, Elizabeth đã dừng lại thật lâu trước bức ảnh của Thảo, cô gái nhỏ nhắn lọt thỏm trong chiếc xe lăn với nụ cười giòn tan. Nữ đạo diễn đã tìm đủ mọi cách liên lạc với Thảo.

Do bất đồng ngôn ngữ, vì thế cả hai kết nối với nhau qua một thông dịch viên. Trong suốt 6 tháng, những bức thư được chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại. Lá thư cuối cùng, Elizabeth ngỏ ý muốn sang Việt Nam làm phim về cuộc đời của Thảo với những khoảnh khắc đời thường.

Qua bộ phim, cuộc đời của Thảo cùng với thư viện mini của mình đến với nhiều bạn bè quốc tế bởi câu chuyện về sự nghị lực và lạc quan của cô gái thuỷ tinh trên vùng đất thép huyện Củ Chi.

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 6
Chị Thảo và chị gái của mình.

Không chỉ thế, Elizabeth và những người bạn của mình còn ủng hộ quỹ để gây dựng lại thư viện. Năm 2010, thư viện “Mini Cô Ba” được sửa sang rộng rãi, sạch đẹp và thoáng mát, bổ sung các đầu sách. Ngoài đối tượng độc giả là trẻ em như trước đây, thư viện còn thu hút được các cô chú trung niên, công nhân lao động nghèo khó…

Kỉ niệm thành lập lần thứ 7 của thư viện "Thao's Library" xuất hiện trên màn ảnh rộng tại Việt Nam. Từ đó, mọi người biết đến “Cô Ba” nhiều hơn. 

Cô gái 0,7m khiến bao người nể phục

Tự nhận mình là một cô gái có nhiều hoài bão, 2013 Thảo rời quê lên phố để tìm kiếm cơ hội hoà nhập hơn với cộng đồng, tìm việc để có kinh phí duy trì thư viện. Thảo tham gia các khoá tập huấn, workshop…

Năm 2016, Thảo xây dựng dự án mở quán cà phê dành cho người khuyết tật. Khi mọi thứ dường như đã hoàn tất 80% chuẩn bị cho ngày khai trương, biến cố bất ngờ ập đến.

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 7

Thảo bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm. Vụ việc ấy đã cướp đi tất cả của Thảo hi vọng của một tương lai tươi sáng. Thảo bị gãy lìa cánh tay, thị lực yếu dần, khả năng nghe một bên tai cũng bị mất. Mọi thứ như một phép thử đặc biệt để thử thách sự chịu đựng của cô gái. Tiếc thay phép thử này này quá tàn nhẫn với cô gái nhỏ nhắn, đã gánh quá nhiều sự bất hạnh của cuộc đời. 

Dự án kết thúc trong sự nuối tiếc…

Chạy chữa nhiều bệnh viện cũng không cứu được cánh tay, Thảo đành về quê để điều trị. Không còn khả năng sinh hoạt, kể cả những chuyện đơn giản nhất trước đây có thể làm như mang quần áo, tự đi xe lăng giờ đây cũng cần đến sự trợ giúp. Mọi thứ dường như bế tắc, Thảo chỉ mong mình có thể được sống. 

Biết rõ đặc tính của xương thuỷ tinh, chị tự tập theo cách của mình, co duỗi cánh tay để cơ xương không bị cứng lại. Dù những cơn đau hành hạ chị đến thấu xương tưởng chừng như không thể vượt qua. Thời gian dài sau đó, may mắn xương cánh tay của chị dần liền lại. 

Như chiếc ly thuỷ tinh vỡ được dán lại, xương của chị vẫn còn những vết rạn, chứng tích của một cơn ác mộng khủng khiếp.

Khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh

Dù nếm đủ nghịch cảnh nhưng chưa từng thấy cuộc đời bất công, Thảo bắt đầu con số 0 từ mảnh đất của mình. 

Nhân kỉ niệm 10 năm kỉ niệm của thư viện, chị kể lại câu chuyện của mình và mở ra những kế hoạch cho tương lai. Chị tập tành viết văn, gầy dựng những suất học bổng cho trẻ em khuyết tật, mở các gian hàng gây quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ dạy học cho trẻ em khuyết tật, chị Thảo còn dành 2 năm để dạy trẻ em thiểu năng.

Cô giáo xương thuỷ tinh chưa từng đến trường, chuyện đời chuyển thể thành phim công chiếu ở Mỹ Ảnh 8
Nụ cười hạnh phúc luôn nở trên gương mặt chị Huỳnh Thanh Thảo.

Hiện tại, ngoài Thư viện mini Cô Ba, Thảo còn vận động và điều hành 2 hoạt động xuyên suốt là Quỹ học bổng Cô Ba ấp Ràng dành cho trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Củ Chi và Quỹ hỗ trợ vốn cho người khuyết tật trên khắp cả nước.

Trong căn nhà nhỏ, nhìn những chồng sách, truyện được sắp xếp ngay ngắn trên kệ tại thư viện Cô Ba Mini, chị Thảo rất tự hào hạnh phúc. Nhìn lại cuộc đời mình, Thảo không biết vì sao mình có thể vượt qua những tháng ngày ám ảnh đó. 15 năm nó chỉ là một con số những đối với người có sức khỏe không tốt như chị Thảo, đó là cả một quá trình cố gắng đầy tự hào.

Sự tử tế vốn không có ranh giới, dù không hoàn hảo về cơ thể thế nhưng “cô giáo thuỷ tinh” luôn sẵn lòng gieo hạt mầm yêu thương cho cuộc đời đẹp hơn. 

Chia sẻ

Bài viết

Linh Lan

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất