“Cuộc đời vốn dĩ không màu hồng, bạn cần tô hồng nó mỗi ngày”
Ung thư là căn bệnh thậm chí còn đáng sợ hơn cả HIV/AIDS, bởi lẽ tỉ lệ người mắc cao và hầu như không chừa một ai. Bóng ma kinh hoàng ấy khiến bất kì ai, nhất là với những người đang tuổi thanh xuân cũng phải sợ hãi, sụp đổ và tuyệt vọng.
Nhưng với Nguyễn Phạm Thanh Hằng (28 tuổi) thì khác, chị đón nhận tin dữ một cách bình thản, nhẹ nhàng như một lẽ tự nhiên của quy luật “sinh lão bệnh tử”. “Ung thư ư! Tôi thấy bình thường lắm, ai cũng có một lần chết, sao phải chết trong đau đớn, xấu xí, tuyệt vọng. Mình không có quyền chọn cái chết nhưng mình có quyền chọn cách chết. Cuộc đời vốn dĩ không màu hồng, bạn cần tô hồng nó mỗi ngày”, chị Hằng quan niệm.
Chính vì vậy, suốt thời gian mắc phải căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối, Thanh Hằng vẫn luôn là trụ cột nuôi dưỡng “thiên thần nhí” 3 tuổi, là chỗ dựa tinh thần cho mẹ và niềm hi vọng của người thân, bạn bè.
Cô giáo 8x “đời cuối” (sinh năm 1989) là giáo viên âm nhạc tại trường THCS Lệ Chi (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Chị phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo gần 3 tháng trước, không thể phẫu thuật vì đã di căn vào phổi và hạch. Thời điểm đó chị bắt đầu viết: “Nhật ký chiến đấu với ung thư trực tràng giai đoạn cuối” nhận được sự đồng cảm của nhiều người.
Thanh Hằng cho hay ban đầu rất hoang mang và sợ hãi khi nhận kết quả từ bệnh viện Đại học Y Hà Nội: “Chị không nghĩ ở cái ngưỡng đang phơi phới về nhan sắc, tình yêu và sự nghiệp… mình sẽ phải chết! Thời điểm đó, chị thu mình trong căn phòng nhỏ, không giao lưu, tiếp xúc với ai. Nhiều khi đi qua phòng thờ - nơi có di ảnh của bố và anh trai, tôi nghĩ không biết sau khi mất ảnh của mình sẽ được đặt ở vị trí nào?”
“Khi nhận tin dữ tất cả mọi thứ như sụp đổ trong tôi. Tôi không bao giờ nghĩ căn bệnh quái ác kia lại đến với mình. Và tự hỏi ông trời liệu có đang quá bất công với mình không…“, chị Hằng kể.
Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh lại, đồng thời tìm hiểu thêm về các phác đồ điều trị giúp kéo dài thời gian sống, Thanh Hằng trở nên lạc quan hơn. Thay vì chìm đắm trong đau khổ, chị đã chọn một cách sống khác, đó là phải luôn xinh đẹp và lạc quan dẫu trước mắt còn chiến đấu với sự đau đớn của bệnh ung thư.
Chị Hằng tâm sự bản thân sợ sự xấu xí, nhất là lúc bệnh tật làm cho mái tóc rụng nhiều, gương mặt phờ phạc, tiều tụy. Chính vì vậy, mỗi khi khỏe chị lại trang điểm xinh đẹp, đội tóc giả, diện những bộ cánh lộng lẫy và livestream nói chuyện với mọi người.
“Tôi còn ít thời gian thôi, nhưng vẫn phải xinh đẹp và tự tin. Tôi nhớ phím đàn, nhớ những học sinh… và nhớ cả thời thanh xuân rạng rỡ của mình. Tôi động viên mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mẹ và con gái. Hãy chiến đấu như 1 chiến binh”, chị Hằng bộc bạch.
Thanh Hằng cho hay từ khi mắc bệnh ung thư, chị cảm thấy mỗi ngày của mình phải là những ngày vui và có ích. Nghỉ dạy ở trường nhưng không có nghĩa chị không lao động. Tranh thủ lúc dưỡng bệnh, chị nấu dầu dừa rồi bán hàng online. “Trừ những hôm xạ trị ở bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ngày nào tôi cũng làm việc. Tôi bán mỹ phẩm online trên facebook. Còn sức khỏe tôi còn làm, không ngại chi cả”.
Lan truyền cảm hứng sống đến những người xung quanh
Trang cá nhân của chị Hằng có gần 6 nghìn bạn bè và người theo dõi, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc phải căn bệnh ung thư ở các giai đoạn khác nhau. Chính sự vui vẻ, yêu đời cùng tinh thần vượt lên nỗi đau thể xác… đã trở thành động lực cho nhiều. Dòng trạng thái của chị Hằng đều là những chiêm nghiệm về sự lạc quan của cuộc sống. “Bệnh tật có thể lấy đi một số thứ chứ không thể lấy đi tất cả… Bệnh tật có thể thay đổi một số thứ chứ không thể thay đổi tất cả“, Thanh Hằng từng viết.
Ở bệnh viện, chị Hằng thường xuyên kể chuyện, hát và tấu hài cho không ít bệnh nhân. Có người nhìn vào tinh thần vui sống của chị mà dần trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn.
Cô Nguyễn Thanh Tuyền là một trong những người được chị Hằng truyền cảm hứng chia sẻ: “Giữa bộn bè cuộc sống nhiều lúc chán nản tuyệt vọng muốn buông, nhưng hôm qua gặp Hằng, cô thấy được tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm vui và sự hi vọng. Hi vọng mọi điều may mắn sẽ đến với Hằng”.
Hiện tại, nguồn sống của Hằng là cô con gái nhỏ học lớp 3 - bé Chuột. Chị Hằng lấy chồng từ năm 18 tuổi, sinh con ở tuổi 19. Tuy nhiên, vì tính cách không hòa hợp cho nên chị và chồng đã ly hôn. Bé Chuột từng chia sẻ về mẹ: “Mẹ thấp, mẹ hơi trắng, tóc mẹ ngắn, màu nâu nâu. Mẹ ốm nặng, mẹ ho, mẹ hắt xì, mẹ đau bụng, mẹ đi vệ sinh nhiều… Con vào viện thăm mẹ rồi, mẹ vẫn ra ngoài nói chuyện cùng bạn bè và cười tươi. Khi bố mẹ không ở với nhau nữa, con chẳng bao giờ trách bố mẹ cả. Con sẽ ngoan, con ở với bà, mẹ yên tâm trị bệnh. Con yêu mẹ”.
Thời điểm này mong muốn lớn nhất của chị Hằng là cùng bé Chuột đi du lịch tới các vùng biển. Không khí ở đó mang lại cho chị cảm giác thư thái, an nhiên. Hơn hết con gái chị cũng rất thích biển.
“Con gái sống nội tâm, trưởng thành hơn tôi nghĩ. Nó không bao giờ khóc trước mặt tôi nhưng lại khóc ở lớp bạn bè nói hỏi chuyện về mẹ. Tôi thương Chuột lắm. Tôi muốn được đi du lịch cùng con, được ở bên con nhiều hơn trong những ngày còn lại”, chị Hằng rưng rưng nhìn về phía xa xăm - ánh mắt buồn duy nhất mà chúng tôi phải thấy trong suốt cuộc trò chuyện này.