Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cô gái 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên để 'chiếm đoạt' số nợ 7 triệu đồng đặt cỗ trước đây có thể bị phạt tù

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Luật sư cho rằng, nếu làm rõ hành vi gian dối của Cà Thị Út ở Điện Biên nhằm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, có thể tạm giam.

Làm rõ hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Sáng 3/10, đại tá Tráng A Tủa - Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết Công an TP Điện Biên Phủ đã làm rõ lời khai của Cà Thị Út (24 tuổi, sinh năm 1996, có hộ khẩu thường trú tại bản Co Hói, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) liên quan vụ "bùng" 150 mâm cỗ cưới.

Theo ông Tủa, việc chị Út lừa đặt 150 mâm cỗ có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Hành vi này đang tiếp tục được làm rõ. Ngoài vụ việc vừa diễn ra, trước đó, Cà Thị Út từng chiếm đoạt 7 mâm cỗ của nhà hàng Tâm Phúc.

Cô gái 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên để 'chiếm đoạt' số nợ 7 triệu đồng đặt cỗ trước đây có thể bị phạt tù Ảnh 1
Hình ảnh Cà Thị Út được chia sẻ trên mạng xã hội.

Ông Tủa cho hay, cơ quan điều tra cùng VKSND đang đánh giá chứng cứ, lời khai để củng cố thêm hồ sơ trước khi có biện pháp tố tụng tiếp theo. Ngoài ra các cơ quan tố tụng sẽ trưng cầu giá trị tài sản và giám định tinh thần đối với Cà Thị Út để làm căn cứ xử lý.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, nếu hành vi chỉ dừng lại ở việc đặt cỗ cưới nhưng không đến ăn hoặc không trả đủ tiền thì đây là quan hệ dân sự. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân của sự việc là đối tượng này muốn chiếm đoạt tài sản khác mà đã giao dịch với nạn nhân trước đó.

Cô gái 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên để 'chiếm đoạt' số nợ 7 triệu đồng đặt cỗ trước đây có thể bị phạt tù Ảnh 2
Hình ảnh bên trong tiệc cưới mà Út đã "bom".

‭ Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra, trong quá trình xác minh tin báo, Cà Thị Út khai nhận, do thường xuyên qua lại quán Tâm Phúc ăn nhậu nên quen biết anh Vũ Thế Long (chủ nhà hàng). Để “đánh bóng”, đối tượng khoe là đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thấy anh Long tin tưởng nên Út nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, khoảng tháng 8/2020, Út có đặt anh Long làm 7 mâm cơm (trị giá 7 triệu đồng) để tiếp khách cơ quan và yêu cầu ship đến địa chỉ do Út cung cấp và nợ chưa trả tiền.

Khi anh Vũ Thế Long gọi điện đòi số nợ 7 triệu đồng, do không có tiền trả và thấy anh Long không nghi ngờ gì nên Út nói dối là sau này sẽ tổ chức đám cưới tại nhà hàng của anh rồi trả một thể. 

Ngày 22/9/2020, Út gọi điện thoại cho anh Long yêu cầu cung cấp 156 kg gà sống, 40 kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái và đặt anh dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh vào ngày 30/9/2020.

Theo hợp đồng “miệng”, từ ngày 24 - 26/9, anh Long đã chuyển đủ số thực phẩm 156kg gà, 40kg giò, 180 hộp mía cho Út và ngày 30/9/2020 cũng đã chuẩn bị đầy đủ 150 mâm cỗ cưới theo yêu cầu. Tuy nhiên đến trưa ngày 30/9 do không liên lạc được với Út nên anh Long đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng.

Cô gái 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên để 'chiếm đoạt' số nợ 7 triệu đồng đặt cỗ trước đây có thể bị phạt tù Ảnh 3
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

"Như vậy, ngoài số mâm cỗ mà đối tượng này đã đặt của nhà hàng thì giữa đối tượng và nhà hàng còn có các giao dịch khác liên quan đến tài sản. Đối tượng đang nợ tiền, tài sản và nhận thực phẩm của nhà hàng nhưng không có ý định trả lại, để có được những thực phẩm đó thì đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn gian dối như gian dối về công việc, về khả năng thanh toán dẫn đến việc chủ nhà hàng cả tin nên đã giao thực phẩm cho đối tượng này, đối tượng này không có ý định trả lại số tiền mua thực phẩm. 

Bởi vậy việc đặt cỗ nhưng không đến ăn không cấu thành một tội độc lập tuy nhiên đây cũng là một thủ đoạn gian dối thể hiện mục đích chiếm đoạt những thực phẩm mà đối tượng này đã nhận trước đó", luật sư Cường nhận định. 

Cô gái 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên để 'chiếm đoạt' số nợ 7 triệu đồng đặt cỗ trước đây có thể bị phạt tù Ảnh 4
150 mâm cỗ bị bom.

Luật sư cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan của đối tượng này. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, đã nhận tài sản của nạn nhân thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

"Làm rõ hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể tạm giam đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015. 

Số tiền 150 mâm cỗ không phải là tài sản mà đối tượng chiếm đoạt tuy nhiên đó là tài sản gây thiệt hại nên đối tượng này phải bồi thường còn những thực phẩm mà đối tượng này đã nhận được từ những thủ đoạn gian dối thì có thể xác định đó là tài sản bị chiếm đoạt làm cơ sở xác định khung, khoản hình phạt theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015", luật sư Cường thông tin. 

Xử lý thế nào nếu đối tượng có dấu hiệu bị tâm thần?

Theo luật sư, nếu trong quá trình xác minh tin báo mà thấy đối tượng có dấu hiệu bị tâm thần thì cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tâm thần để xác định mức độ, khả năng nhận thức trước, trong và sau thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. 

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức nhưng hành vi cấu thành tội phạm thì vẫn xử lý theo quy định của pháp luật nhưng sẽ cân nhắc khi lượng hình. 

Cô gái 'bom' 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên để 'chiếm đoạt' số nợ 7 triệu đồng đặt cỗ trước đây có thể bị phạt tù Ảnh 5
Nhà hàng phải đóng cửa sau sự việc.

Còn trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi trước và trong thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì đối tượng này sẽ không bị xử lý hình sự nhưng bị bắt buộc chữa bệnh. 

"Có trường hợp khi thực hiện hành vi thì nhận thức được hành vi của mình nhưng sau khi thực hiện hành vi thì mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức thì sẽ bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa khỏi bệnh thì tiếp tục xử lý hình sự.

Việc đối tượng có mắc bệnh hay không, bệnh gì, khả năng nhận thức đến đâu thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn. Khi thấy có dấu hiệu bệnh lý thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần theo quy định pháp luật", luật sư Cường thông tin thêm. 

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc