Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan và lò bánh mì độc đáo nơi xứ đảo

Nằm gọn gàng ở một góc phố tại Đài Trung, Lò bánh mì Pasteur không chỉ mang hương vị quê nhà đến với người dân xứ sở trà sữa, mà còn ôm ấp câu chuyện về những cô dâu Việt lấy chồng xứ Đài.

Nhắc đến Đài Loan không thể không nhắc đến trà sữa, món đồ uống quốc dân của hòn đảo này và được lan truyền rộng rãi đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Tuy vậy, không chỉ có món trà pha sữa, người Đài Loan còn tìm kiếm những món ăn mới lạ từ các nền văn hóa khác mà món Việt là một điểm sáng.

Do sự tương đồng về văn hóa cũng như cộng đồng người Việt sinh sống đông đúc ở hòn đảo này, mà ẩm thực Việt Nam luôn xuất hiện một cách dày đặc hơn cả so với những món ăn ngoại quốc khác tại đây. Dần dần, món Việt theo chân những con người Việt xa xứ đến đây để định cư và định hình nét văn hóa.

Đài Trung - thành phố lớn thứ hai tại Đài Loan chỉ sau trung tâm Đài Bắc, là nơi tập trung rất nhiều hàng quán món Việt như phở, bún thịt nướng, bánh xèo hay thậm chí là món bún đậu mắm tôm đặc trưng của Hà Nội. Nép mình ở một góc phố đông đúc tại Đài Trung, một cửa hàng bánh mì độc đáo của người phụ nữ Việt Nam có thể làm say lòng bất cứ ai, dù là dân bản địa hay khách quốc tế.

Lò Bánh mì Pháp Quốc Việt Nam

Với dòng chữ tiếng Việt “Lò Bánh mì Pasteur” cùng câu Hán văn “Đài Trung Việt Nam Pháp Quốc Miến Bao (bánh mì)”, cửa hàng món Việt này thoạt nhìn trông cũng bình thường như những cửa hàng khác nhưng lại có thể níu kéo thực khách rất tốt.

Mở cửa 14 tiếng mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, cơ sở này thuộc sở hữu của chị Kiều Nương quê gốc ở Cần Thơ. Với giá tiền trung bình khoảng 30 Dollar Đài Loan (khoảng 20.000 Đồng Việt Nam), giá cả bánh mì tại lò không khác gì so với tại quê nhà của nó.

Bánh mì kẹp thịt của Việt Nam tại Đài Loan.

Điểm khác biệt đó chính là nguyên liệu sử dụng để làm nhân bánh mì. Cơ quan chức năng Đài Loan từ lâu đã siết chặt nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài, mới đây lại thêm khắt khe hơn do lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF), do đó phần nhân thịt có khác đôi chút so với bánh mì ở Việt Nam.

Thịt heo được nêm nếm và chế biến theo cách rất độc đáo, khiến vừa có cảm giác rất giống với mùi vị của bánh mì Sài Gòn nhưng vẫn có nét đặc trưng của ẩm thực xứ Đài. Có thể nói, ăn vào là biết được ngay đây là bánh mì Việt Nam được thực hiện ở Đài Loan.

Lò bánh mì Việt Nam của chị Nương tại Đài Trung.

Phần bột tạo nên vỏ bánh mì cũng rất khác, loại bột mì sử dụng cho ra bánh ngọt và dai hơn, không giòn lạt như các ổ bánh trong nước. Để giúp bánh thành phẩm giống với nguyên gốc nhất, chị Nương sáng tạo cách phủ một lớp dầu thực vật lên.

Ngoài bánh mì kẹp thịt truyền thống, lò bánh mì Pasteur cũng cho ra lò những ổ bánh ăn liền như bánh mì bơ sữa, bánh nướng bơ tỏi, bánh bơ sừng trâu,… và thường xuyên nhận đặt bánh với số lượng lớn từ bà con người Việt trong vùng hay thậm chí là dân bản địa, khách quốc tế.

Cô dâu miền Tây lấy chồng ngoại quốc

Theo ước tính, có khoảng 20% người Việt nhập cư đến Đài Loan thông qua hôn nhân và phần lớn trong số họ là những cô gái ôm giấc mộng lấy chồng ngoại quốc. Với hơn 60.000 cô dâu, Việt Nam trở thành nhóm nhập cư không phải người Hoa lớn nhất sống ở đảo này.

Kiều Nương, chủ cơ sở bánh mì Pháp Quốc Việt Nam cũng thuộc trong những con số kể trên, chị đặt chân đến hòn đảo này vào năm 1999 ngay sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Jiji, Nam Đầu cùng năm. Với hơn 2.000 người chết và 11.300 người bị thương, đây là trận động đất lớn thứ hai trong lịch sử Đài Loan.

Chị Kiều Nương đến Đài Loan thông qua cuộc hôn nhân với người chồng ngoại quốc, giờ đã là chủ của một lò bánh mì bán chạy tại Đài Trung.

Sinh ra và lớn lên tại Cần Thơ, chị Nương cũng như nhiều cô gái miền Tây khác, ôm trong mình giấc mơ lấy chồng Đài Loan để đổi đời. Trải lòng về cuộc sống ở nơi đất khách quê người, chị chỉ có thể nói “khổ hơn ở Việt Nam, em ơi”.

Là người từng trải và gặp nhiều chị em có hoàn cảnh tương tự, chị cho biết những người phụ nữ Việt tới Đài Loan luôn mong có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc nếu như gặp được một người chồng tốt, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy mà phần lớn đều có kết quả ngược lại.

Ở cửa hàng, ngoài chị Nương còn nhiều chị em khác cũng đều là đồng hương Việt Nam, nhiều người trong số họ là cô dâu miền Tây ôm giấc mơ lấy chồng ngoại quốc.

Nhiều năm trước khi con cái còn nhỏ, chị Nương vừa phải nuôi con vừa phải chăm sóc cả gia đình chồng, chỉ tính riêng công việc nội trợ tại nhà đã chiếm hết thời gian một ngày, nên chị không thể làm được việc gì khác. “Lúc đó chị muốn đi học tiếng để tiện giao tiếp với mọi người nhưng cũng gần như là không thể”, chị nhớ lại.

Dù không rơi vào hoàn cảnh quá cơ cực hay thậm chí là bị bạo hành như những trường hợp hôn nhân Đài Loan đáng tiếc, nhưng giấc mơ mở một quán ăn bán món Việt của chị Nương cũng rất khó được thực hiện do cuộc sống nội trợ gia đình.

Những năm tháng trong quá khứ, chị Nương không thể đứng bán như thế này vì phải bận chăm sóc cho con và gia đình chồng. Giờ đây chị có thể thực hiện được giấc mơ mở cửa hàng bán món Việt cho riêng mình.

Giờ đây khi con cái đã lớn, chị có nhiều thời gian hơn để dành cho bản thân và bắt đầu biến giấc mơ thành sự thật. “Lò bánh mì này chị mở vào khoảng một năm trước, con lớn và trưởng thành, có thể tự lo được cho bản thân nên mình cũng bớt một phần vất vả, có nhiều thời gian làm các việc khác”, chị cho biết.

Chia sẻ về cơ duyên nào lại trở thành bà chủ tiệm bánh mì, chị Kiều Nương vừa cắn một miếng bánh mì, hớp một ngụm cà phê sữa đá rồi cười mà nói, “Dĩ nhiên là mình cũng phải làm gì đó để kiếm tiền, có làm thì mới có ăn mà. Nhưng vì chị đã đi xa quê từ rất lâu mà không có cơ hội được về thăm nhà, nhớ nhà lắm mà không biết làm gì, chỉ biết ăn những món ăn Việt để vơi bớt đi phần nào thôi”.

Sau một ngày đứng quán với khách ra vào liên tục, chị Nương ngồi lại với các chị em nhân viên bán hàng của tiệm và cùng nhau dùng bữa tối là những món ăn Việt Nam.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Saigoneer

Được quan tâm

Tin mới nhất