Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện về những cụ già bỏ nhà lầu xe hơi đến viện dưỡng lão tìm niềm vui cuối đời

Ở viện dưỡng lão Diên Hồng ấy, có hàng trăm cụ già sống cùng nhau ở tuổi cuối đời. Những câu chuyện có buồn có vui, có nụ cười nhưng cũng chực trào nước mắt hằng ngày vẫn đang diễn ra.

Vẫn thuộc khu trung tâm Thành phố, nhưng viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội) lại nằm trong khu đô thị mới còn khá thưa dân. Dọc đường đi đến đây, cây xanh phủ kín 2 bên đường, vừa đi vừa ngước nhìn, chỉ thấy khoảng trời đầy hoa lá hiện ra trước mắt. Mỗi buổi sáng, bình minh vào đầu hạ vừa lên với ánh nắng đỏ rực chiếu xuống những bãi lau trắng muốt chợt khiến quang cảnh KĐT đẹp đến lạ lùng.

Và… ở nơi đó, có hàng trăm cụ già đang sinh sống trong một căn biệt thự. Cuộc sống ở đây giống như một xã hội thu nhỏ. Chỉ có điều, xã hội ấy toàn những người tóc bạc, da mồi. Ở cái tuổi xế chiều, khi con người dần đi đến chặng cuối, họ thường mang nhiều nỗi ưu tư, lòng hoài niệm và cả sự cô đơn. Thế nên người ta vẫn nghĩ, ở nơi này, tất cả chỉ còn lại chuỗi ngày buồn bã.

Chúng ta có sợ nếu mường tượng thấy hình bóng mình ở viện dưỡng lão không người thân? Chắc là có! Ai cũng sợ một ngày phải như thế: Sống xa con cháu, thiếu tình thương và luôn cảm thấy cô đơn trong một tập thể đông đúc toàn những người già nua, ốm yếu, mang đủ thứ bệnh tật rồi dần chết đi với nỗi buồn lay lắt.

Nhưng có thể, tất cả chỉ là tưởng tượng của bạn. Vì ở viện dưỡng lão này, mọi thứ không khác gì xã hội khi còn trẻ chúng ta đang sống. Ở đó cũng có niềm vui, nỗi buồn nhưng cuối cùng thì chuyện sướng hay khổ, tất cả đều do cách mỗi người đối diện, nhìn nhận.

Bữa cơm trưa của các cụ già ở viện dưỡng lão.

6h sáng, từ căn phòng ở trên gác 2 tòa nhà khu Dương Nội, cụ Lê Thị Thịnh (64 tuổi) thức dậy, chuẩn bị ăn sáng và đi đến “trường học”. Gia đình có ô tô nhưng ngày nào, cụ Thịnh cũng bắt các con dẫn đi bộ để tới viện dưỡng lão. Cụ bảo làm như thế cũng là một cách tập thể dục, chẳng những giúp mình khỏe hơn mà các con cũng được dịp luyện sức dẻo dai. Mọi chuyện diễn ra đều đặn đến nay đã được hơn một tháng, mỗi ngày “đến trường” với cụ Thịnh lại thêm nhiều niềm vui mới.

“Ở nhà chán lắm, cháu thì đi học con thì đi làm, buồn đến chết mất. Vào viện dưỡng lão vui hơn chứ”, cụ Thịnh kể.

Tuổi cao ngoài mốc 60 nhưng dường như những năm tháng này, cụ Thịnh đang dần trẻ lại, có lẽ chỉ như tụi con nít lớp 1, thích được người khác chăm sóc, chiều chuộng và làm theo ý mình. Ở viện dưỡng lão, cụ thường gọi các chị nhân viên bằng con và thi thoảng hay làm nũng với họ. Lúc chúng tôi đến trò chuyện, cụ vừa ngồi dậy đã liền bảo: “Con ơi vuốt tóc rồi buộc lại cho u với, tí các anh ấy chụp ảnh nữa”. Cụ nói câu ấy bằng chất giọng hiền hiền, hơi làm nũng và phảng phất nét mệt mỏi của người mới ngủ dậy vô cùng dễ thương.

Các chị nhân viên kể rằng, ở nhà cụ Thịnh được con cháu rất cưng chiều nên việc ăn uống thường mất kiểm soát. Mỗi lần về nhà, đường huyết của cụ lại tăng cao. Vì thế, những ngày sống ở viện dưỡng lão, việc ăn uống theo thực đơn khiến sức khỏe cụ khá cũng như tinh thần minh mẫn, thoải mái hơn.

“Cụ làm quen trước, đến khi nào có dọn vào đây ở hẳn cũng thấy yến tâm hơn”. Cụ gọi viện dưỡng lão là trường học, vì ở đây, nhân viên chăm chuyện ăn uống của cụ, giúp tỷ lệ đường huyết dần hạ thấp.

Thế là, cứ mỗi ngày đi học, được gặp mọi người, chuyện trò đôi ba câu, cụ Thịnh lại cười toe toét. Điều ấy khác hẳn với khi ở nhà, quanh ra quẩn vào chỉ thấy những bức tường dày buồn bã. Tuy ở cùng con cháu nhưng cụ Thịnh lại thấy mình rất cô đơn vì ai nấy đều bận rộn từ sáng tới tối. Chồng của cụ tuổi cũng đã cao nên thường ở lì trong phòng, ít khi tâm sự vì 2 cụ giờ đều già yếu, cũng không còn nhiều chuyện để nói với nhau như hồi còn trẻ.

Ở viện dưỡng lão, những khi chuyện trò chán, cụ Thịnh thường đi bộ quanh KĐT hoặc nằm xem tivi. Một ngày trôi qua nhanh thật nhanh, đến tối, các con tới đón cụ về nhà ngủ và sáng hôm sau lại tất bật chuẩn bị “ba lô, cặp sách” đưa cụ đi bộ đến “trường học”.

Hành trình ấy, cụ Thịnh gọi là công cuộc đi tìm niềm vui.

Cụ Thịnh sống trong 1 phòng to, gồm khoảng chục chiếc giường đơn ở viện dưỡng lão.

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng viện dưỡng lão là nơi con cháu bỏ mặc cha mẹ mình, thực tế là họ chỉ đang chọn cách đưa người thân đến một môi trường mới phù hợp hơn. Ở đó, cha mẹ vừa được chăm sóc, vừa tìm thấy niềm vui mới khiến họ hài lòng.

Giống như cụ Thịnh, cụ Hoàng Thị Cẩm (82 tuổi) cũng có 3 người con và cả 3 đều đang sống ở Hà Nội nhưng lại chọn cách đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Ở đây, cụ sống một mình trong căn phòng nhỏ đầy đủ tiện nghi, có ti vi, điều hòa, tủ đựng đồ…

Cụ Hoàng Thị Cẩm.

“Cụ ở nhà cũng không tự lo cho mình được mà phải phiền các con thuê người giúp việc. Số tiền ấy tương đương khoản phí đóng ở viện dưỡng lão nên cụ bảo các con tìm cái viện nào tốt, cho mẹ vào đó sống. Từ lúc tự túc, không phiền lụy con cháu vất vả, cụ thấy vui và an tâm hơn“.

Không chỉ có quan niệm tiến bộ, cụ Cẩm còn là người phụ nữ sống độc lập và rất tôn trọng không gian riêng cũng như sự lựa chọn của người thân bên cạnh. Mặc dù đã kết hôn, sinh con và đi với nhau đến lúc tay nhăn nheo, tóc đã thay màu nhưng khoảng 10 năm trước, chồng cụ Cẩm nhất quyết đòi… đi tu. Không ngăn cản, không phiền trách, cụ Cẩm đồng ý và ủng hộ ông.

Cụ Cẩm là người phụ nữ sống độc lập và rất tôn trọng không gian riêng cũng như sự lựa chọn của người thân bên cạnh.

“Thế là ông ấy lên chùa còn cụ thì vào viện dưỡng lão sống gần 2 năm nay. Già rồi, chả còn sống được bao lâu nên thôi cứ làm mọi thứ cho mình và người bên cạnh thấy thoải mái nhất”, cụ Cẩm kể.

Hàng tuần, con cháu vẫn tranh thủ vào thăm cụ Cẩm. Những lúc rảnh rang, chồng cụ cũng đến thăm và nghỉ lại ở chiếc giường khác đặt song song với giường của cụ ở trong phòng. Ai cũng thắc mắc, vì sao cặp vợ chồng già không ở bên, nương tựa vào nhau cho bớt nỗi cô quạnh thì cụ Cẩm chỉ cười. “Ở viện dưỡng lão đủ vui rồi. Mà sống với nhau mấy chục năm thế là mãn nguyện, bây giờ ông ấy cứ làm những gì ông ấy vui, tôi có cuộc sống riêng của tôi”.

- Nhưng cụ có thấy thật sự vui vẻ không hay cứ nói thế vì chỉ muốn con cháu yên tâm?

- Vui bình thường thôi, vì già rồi, mình chỉ cần yên bình.

Cụ Cẩm bảo, cuộc sống ở viện dưỡng lão không quá sôi động, náo nhiệt như thế giới ngoài kia nhưng ở đây cụ có người chăm sóc, chuyện trò mỗi ngày. Quan trọng nhất, cụ có thể tự làm điều mình thích mà không phiền đến các con, các cháu.

Quan trọng là mình có chỗ ở thoải mái, con cháu không phải lo lắng, cũng không phải vất vả. Nếu nhớ thì chúng nó vào thăm hoặc gọi điện. Sống vậy tốt mà, cụ thấy bằng lòng lắm con à“.

Cuộc sống ở viện dưỡng lão hóa ra không hề nhàm tẻ như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, xem ti vi, các cụ ông, cụ bà còn tham gia vào những hoạt động tập thể do nhân viên tổ chức. Ví dụ như chụp ảnh chung cùng nhau, tổ chức tiệc vào các ngày lễ hay hội thi thể dục thể thao.

Các cụ ông, cụ bà ở đây gọi nhân viên là con và họ tỏ ra rất vui với việc xưng hô như vậy. Thay vì chỉ có 1-2 người con chăm sóc, vào viện dưỡng lão, họ có rất nhiều người con luân phiên phục vụ.

Ví dụ sáng ra muốn ăn bún, cháo, phở hay ăn xôi thì cứ bảo các chị nhân viên mua cho. Đến bữa ăn trong ngày cũng thế, thích ăn gì cứ nói ra là có người chiều“, bà Nguyễn Thị Kim (84 tuổi) kể.

Cụ Kim kể trước kia từng là công nhân nhà máy sợi 13 Đinh Lễ nay đã về hưu. Cụ sinh được duy nhất 1 người con gái, đến năm con 6 tuổi thì chồng mất vì cảm lạnh. Một mình cụ nuôi con biết bao nhiêu vất vả nhưng rồi sau này, cô con gái lại theo chồng sang Cộng hòa Séc định cư. Tuổi già, chỉ còn lại mình cụ cô quạnh trong căn phòng đi thuê với những mảnh kí ức về ngày đã qua, từng có chồng, con ở bên vui vầy.

Nó có đón cụ sang nhưng cụ không quen. Mọi người toàn nói tiếng gì ấy cụ chả hiểu được thế là một mực đòi về“. Trở lại Việt Nam, cụ Kim sống cô đơn mãi cho đến một ngày bất ngờ bị ngã phải nhập viện. Sau lần ấy, cô con gái quyết định đưa cụ vào viện dưỡng lão cho an tâm.

Khoản tiền lương hưu ít ỏi 2,6 triệu đồng chẳng đủ cho cụ sống qua ngày nói chi là ở viện dưỡng lão. Vào đây rồi con cháu cũng phải chu cấp thêm. Ở đây rất vui, rất tốt nhưng cụ ngày nào cũng nhớ con. Giá mà nó ở gần, mẹ con rau cháu nuôi nhau chứ đâu phải vào viện dưỡng lão“.

Sang nước ngoài thì cụ không sống nổi, ở một mình con cháu cũng chẳng an tâm nên suy đi tính lại, cụ Kim cũng hiểu rằng giải pháp chọn sống ở viện dưỡng lão hiện tại vẫn là tối ưu nhất. Có điều, rốt cục thì đó cũng không phải mong muốn lớn nhất của người phụ nữ tuổi đã xế chiều.

Khác với những trường hợp trên, ông Nguyễn Văn Đông (SN 1954) lại chọn cách vào viện dưỡng lão để… trị bệnh. “Ông mắc bệnh đau xương khớp, huyết áp cao đi lại khó khăn nên vợ và các con động viên đi vào đây. Từ ngày ở đây, ông tăng từ 45 lên 62kg đấy nhé. Thuốc lá trước hút ngày 1 bao bây giờ giảm còn 3 điếu thôi“, ông Đông hào hứng khoe.

Ông kể, cuộc sống ở nhà quá buồn chán, vợ thì đi làm thêm, con cháu đều bận rộn. Chán nản nên ông hay hút thuốc, sức khỏe càng ngày càng tệ. Từ khi vào đây, ông thấy cuộc sống vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều.

Ông Đông.

Mỗi buổi sáng thức dậy là ông đi tập thể dục, rồi ăn sáng, xem ti vi, ăn trưa, nghỉ ngơi rồi lại đến buổi tối là hết một ngày. Buồn thì nói chuyện với mọi người xung quanh thế là hết chán. Ông trẻ tuổi hơn nên thích giúp đỡ mọi người, ai gặp khó khăn thì ông giúp họ đi gọi nhân viên“.

Sống ở môi trường như vậy, ông Đông cảm thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa hơn. Lúc đau yếu, bệnh tật, ông không muốn vợ con tất bật chăm sóc mà muốn mình tự lực cánh sinh. Đến khi nào khỏe hẳn, ông sẽ lại về nhà đoàn tụ với mọi người.

“Giả dụ về rồi nhưng mai này già yếu thì mình lại vào đây. Ở đây cũng có người này người kia, có người giàu, người nghèo, người lịch sự, người luộm thuộm. Nhiều cụ ở đây đã lẫn, bị liệt, bị bệnh nặng nhưng cũng có người khỏe mạnh. Nói chung là vui buồn đều có, quan trọng là mình sống và đối diện với nó như thế nào“, ông Đông kể.

Hầu hết khi đã sống ở viện dưỡng lão một thời gian, các cụ ông, cụ bà đều tìm thấy niềm vui cho riêng mình hoặc ít nhất cũng bằng lòng với sự chăm sóc chu đáo của nhân viên. Tuy nhiên, có nhiều cụ lại cảm thấy khá buồn khi thường xuyên bị nỗi nhớ con cháu giày vò.

Ở cùng phòng với cụ Kim có cụ Hỹ (năm nay 80 tuổi) lúc nào cũng khóc mỗi lần nhớ đến các con. “17 tuổi cụ lấy chồng, 18 tuổi sinh con rồi liên tiếp có 4 đứa. Đứa út đã mất, chồng cũng mất rồi. Con cháu tản mát vào tận Sài Gòn làm ăn, chẳng có ai ở với cụ nên phải vào đây sống cho đỡ buồn, đỡ cực“.

Cụ Hỹ kể, dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng các con, các cáu đều hứa sẽ dốc sức kiếm tiền để đưa cụ đi viện dưỡng lão. “Chúng nó phải vay mượn, đóng cả cục dài hạn hơn 100 triệu để cụ yên tâm sống ở đây lâu thật lâu. Mà cụ thì thương tụi nó vất vả, chỉ muốn về quê sống sao thì sống nhưng tụi nó không chịu vì không yên tâm”.

Hóa ra quan niệm con cháu đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu đôi khi thật sai lầm. Người ta ít khi nghĩ rằng, để đổi lại cuộc sống bình yên cho người thân, ngoài kia, những người con, người cháu đang phải làm việc cật lực để gánh vác khoản chi phí. Đối với hoàn cảnh của cụ Hỹ, dù điều kiện kinh tế eo hẹp, họ cũng cố gắng lo cho cụ có cuộc sống tốt ở một viện dưỡng lão. Điều ấy khó khăn, nhọc nhằn đến nỗi mỗi lần nghĩ đến, cụ Hỹ lại thương trào nước mắt.

Khi chúng tôi ra về, viện dưỡng lão đang vào giờ nghỉ trưa. Các cụ lần lượt trở về giường ngủ, trả lại một căn biệt thự hoàn toàn yên lặng. Chỉ là một căn biệt thự nhưng viện dưỡng lão này lại chứa đựng biết bao câu chuyện về cuộc đời mỗi người. Có vui, có buồn nhưng chắc chắn đó không phải chốn hoang phế - nơi con cháu bỏ lại cha mẹ với những năm tháng cô đơn đằng đẵng như nhiều người vẫn hình dung và tự cảm thấy sợ hãi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tin tốt từ Triệu Lộ Tư
Minh Cúc 'Ly giang hồ' trong 'Độc đạo' và hành trình kiên cường 14 năm chăm con bại não
Luật kinh tế: Ngành học đắt giá trong nền kinh tế hội nhập