Quyết ly hôn chồng sau hơn 50 chung sống vì không đỡ vợ việc nhà
Những ngày cận Tết, bà Lưu Thị Dung (89 tuổi, hiện đang ở viện dưỡng lão ở quận Hà Đông, Hà Nội) ngồi cẩn thận lấy miếng giấy báo gói cẩn thận từng món quà rồi dán một mảnh giấy nhỏ ghi “Kính gửi đồng chí Sơn, anh Đồng… ở phường Phú Khánh, TP Thái Bình).
Những món quà đó đôi khi là một đôi tất, một hộp chè, một gói bánh… là tình cảm của bà Dung dù ở xa nhà đã vỏn vẹn gần 3 năm nhưng vẫn muốn gửi gắm tới những người bạn, người cháu nơi quê nhà.
Khi nào các cháu vào trung tâm thăm, bà Dung lại gửi nhờ khi nào về quê đưa cho mọi người. Khi nhận được điện thoại cảm ơn bà cũng thấy vui vẻ và lạc quan hơn. Sống trong viện dưỡng lão ở quận Hà Đông đến nay đã 3 năm nhưng căn phòng nhỏ của bà Dung luôn ngăn nắp, sạch sẽ. Cuộc sống của bà cứ lặng lẽ, yên bình và cảm giác thảnh thơi hơn so với những ngày tháng trước đây.
Ở tuổi gần 90, giọng nói tuy có chút hơi mệt nhưng bà Dung minh mẫn và là trường hợp hiếm hoi ở đây tự chăm sóc được cho bản thân. Bà tự mình tắm rửa, sinh hoạt, xem tivi… mà không cần sự trợ giúp của những nhân viên tại trung tâm. Người xung quanh nhận xét bà là người ngăn nắp, lạc quan, tích cực tham gia mọi hoạt động trung tâm tổ chức. Ít ai biết, bà có hoàn cảnh đến viện dưỡng lão chẳng giống ai.
Trước đây, bà Dung công tác trong ngành ngân hàng ở tỉnh Thái Bình. Hơn 30 tuổi bà mới lập gia đình với người đồng nghiệp đã qua một đời vợ. Tuy nhiên vợ chồng bà không có con mặc dù đi chữa trị nhiều nơi.
Cuộc sống của cặp vợ chồng này cứ lặng lẽ trôi qua như vậy. Thế nhưng không chấp nhận được tình cảnh phải gánh vác việc nhà quá nhiều nên bà từng muốn chia tay vào các năm 1985, 1992. Song, thời điểm đó, gia đình can ngăn nên bà đành chấp nhận sống tiếp.
Càng về già người ta càng mong có vợ, có chồng để nương tựa. Tuy nhiên, đến lúc này tuổi già, sức yếu, không nhận được sự đỡ đần hay chia sẻ, bà Dung không thể tiếp tục chịu đựng nữa.
“Mấy năm nay tôi bị đau lưng, nhiều bữa không thể đứng dậy được. Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt. Tôi trước cũng ít khi ốm đau nhưng những lúc ốm đau thì đều tự mình chăm lo cho bản thân và vẫn phải gắng gượng nấu cơm nước”, bà Dung chia sẻ.
Những lúc đau ốm ấy, muốn nhờ chồng cắm giúp nồi cơm, rửa giúp cái bát nhưng đều không được. Tháng 9/2014 - ở tuổi 84, những tưởng sau gần 50 năm chịu đựng, bà Dung chấp nhận cuộc hôn nhân này đến hết đời nhưng bà vẫn quyết định đệ đơn ly hôn ra tòa để giải thoát cho chính mình trong những năm tháng còn lại.
Sau hai năm ròng rã đi đi về về để giải quyết các thủ tục pháp lý, cuối cùng, nhờ sự trợ giúp của các cháu, năm 2016, bà chính thức bước vào cuộc đời “độc thân” lần nữa. Năm ấy, bà đã 86. Không còn vướng bận chồng, lại chẳng muốn phiền đến các cháu, bà Dung xin vào viện dưỡng lão sinh sống.
Ở viện dưỡng lão vì không muốn các cháu phải vất vả
Trước khi chia tay, bà chỉ có mỗi câu gửi chồng: “Tôi sống khổ lâu rồi, giờ tôi cũng không còn sức đâu phục vụ ông. Tôi xin rút lui, chia tay nhau để mỗi người đi con đường riêng cho thoải mái. Tôi hết thương ông rồi”.
Ngay sau đó, bà Dung được con cháu chuyển lên Hà Nội và viện dưỡng lão sống, lúc đi chỉ xách theo vài bộ quần áo. Lương hưu hơn 4 triệu đồng, bà Dung được các cháu hỗ trợ thêm để có thể thuê một căn phòng riêng với chi phí hơn 9 triệu mỗi tháng trong viện dưỡng lão này.
Đến nay đã chuẩn bị đón cái Tết thứ 3 tại viện dưỡng lão này, với bà Dung cũng trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Bà nhớ cái Tết đầu tiên con cháu đưa về quê nhưng sau đó đến tối mùng 1 Tết bà xin vào trung tâm rồi mùng 2, mùng 3 đón tết tại đây.
“Cảm giác xa nhà thì nhớ cháu nhớ anh em ruột thịt nhưng các cháu đi vắng cả ngày một mình lủi thủi cũng buồn và không muốn các cháu phải vất vả vì mình nên tôi quyết định sống ở viện dưỡng lão. Ở đây mọi thứ đều rất tốt và các cháu 2 tuần lại vào thăm, tối thì các cháu hay gọi điện thoại hỏi thăm sức khoẻ nên tôi cũng thấy vui”, bà Dung kể.
Tết đến cũng như mọi người, bà Dung ngồi xem tivi, các chương trình văn hoá… “Ở viện dưỡng lão đa phần mọi người bị tai biến, ít người còn minh mẫn. Ban đầu nhiều lúc tôi nằm trên giường tự dưng thấy bâng khuâng trong lòng rồi mất ngủ.
Tôi lại nghĩ đến chuyện đời của mình khi chưa được hưởng tinh thần thoải mái nhất. Từ khi 6 tuổi tôi đã mất mẹ nhưng cũng không được làm mẹ. Tôi nghĩ lắm lúc tủi thân lắm nhưng sau đó tự an ủi, động viên mình phải vui vẻ lên”, bà Dung tâm sự.
Giờ đây bà Dung đã lạc quan hơn xưa và bảo sẽ ở lại trung tâm đến phút cuối đời. Bà cảm thấy an yên, vui vẻ hơn vì gặp nhiều người có cùng hoàn cảnh như mình. Tại viện dưỡng lão này bà cùng mọi người sẽ đón cái Tết ấm áp, vui vẻ…
Bà Dung cũng sẽ chuẩn bị những phong bao lì xì chờ đợi các cháu Tết vào thăm. Khi đó, bà sẽ rất mừng rồi lì xì cho các cháu. Với bà lão ấy, cuộc sống cứ trôi qua như vậy là bà cảm thấy an nhiên, hạnh phúc rồi…