“Tôi 40 khi cô ấy vừa 18”
Có câu “Chồng già vợ trẻ là tiên/vợ già chồng trẻ là duyên ba đời”. Nhân duyên không ai đoán trước được, có cưỡng cầu cũng khó thành. Bởi thế, chính ông Hồ Đại Phước (73 tuổi) cũng khó ngờ rằng sau bao thăng trầm của cuộc sống, cuối cùng ông lại xây tổ ấm bên bà Đinh Thị Ngọc Sen (51 tuổi) khi đã xấp xỉ 40 tuổi.
Ông Phước sinh năm 1945 tại TP.HCM. Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống đam mê nhiếp ảnh, hiện nay ông là kỷ lục gia sở hữu trên 2.000 bức ảnh về các ngôi chợ trên khắp Việt Nam.
Thập niên 1970, ông Phước mở lớp dạy học tại nhà, lúc này, gia đình ông ở quận Tân Bình, TP.HCM. Ít ai ngờ rằng trong những năm ngắn ngủi bén duyên cùng nghề giáo, định mệnh khiến xui ông yêu thương và cưới cô học trò Ngọc Sen.
Kể về câu chuyện tình của mình, ông Phước cho biết lúc ấy ông cũng rất bất ngờ khi người kết nối ông và vợ là mẹ vợ. Vốn dĩ nhà gần nhau, mẹ của bà Sen biết ông hiền lành, chăm làm lụng trong xóm nên để mắt tới. Bà chính là người tạo điều kiện để ông có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu cô học trò Ngọc Sen.
Năm 1985, ông Phước và bà Sen nên duyên chồng vợ sau mười mấy năm kể từ ngày bà bước vào lớp học của ông. “Khi ấy, tôi vừa 40 tuổi còn cô ấy vừa 18 xuân xanh”, ông Phước kể. Hơn 30 năm qua, họ hái được quả ngọt là tổ ấm với hai người con lớn khôn và yên bề gia thất.
Là một người đam mê chụp ảnh, ông luôn ghi lại hình ảnh gia đình trong những năm qua. Ông lang thang, rong rủi khắp đất nước để chụp lại những tấm ảnh có giá trị về văn hóa chợ và nhiều chủ đề khác. Ông chia sẻ, sở dĩ có được giây phút an nhàn để theo đuổi sở thích, đam mê như thế phần nhiều do ông may mắn có được người vợ âm thầm phía sau ủng hộ.
Bà Sen chia sẻ, thấy chồng đam mê chụp ảnh chợ, bà quyết đi theo để hỗ trợ và chăm sóc chồng và một phần vì bà cũng thích đi đây đó. Từ những ngôi chợ miệt vườn miền Tây, chợ từ miền núi cao, đến những ngôi chợ hải đảo, biên giới xa xôi đều đã in dấu chân ông Phước. Nơi đi lại không quá cực khổ, ông đều đưa người vợ của mình đi theo. Ông nghĩ đơn giản: “Mình đi chụp ảnh vì đam mê, dẫn theo bà xã để cô ấy du lịch, những dịp như vậy là để vợ chồng hâm nóng tình cảm, cả hai đều vui vẻ”.
Khi được hỏi những lần không thể đi cùng ông, bà có ghen không? Ông Phước nở nụ cười đầy tự hào: “Bà xã của tôi rất biết nghĩ, cô ấy luôn hết lòng với chồng con”.
Hạnh phúc gia đình bền chặt
Ông “vua” ảnh chợ này cũng giản đơn như bao người khác, ông cũng dành tình yêu lớn nhất, trọn vẹn nhất cho gia đình. Những năm tháng sau khi bén duyên với bà Sen có thể nói là thời gian vất vả nhưng luôn đầy ắp niềm hạnh phúc.
Cuối thập niên 1980, ông Phước chuyển sang làm nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa. Hằng ngày, hai vợ chồng ông cùng thay phiên nhau làm việc, vắt sữa, giao sữa và chăm sóc con cái.
Hằng ngày, ông đều chụp lại những bức ảnh sinh hoạt của gia đình và ghi chép cẩn thận từng lời yêu thương. Với ông, từng công việc hàng ngày như vắt sữa, chăm lo cho con cái đi học đều là những công việc tuyệt vời nhất.
Lật giở cuốn nhật ký cũ kỹ, những dòng chữ ông viết cho con hiển hiện: “Má con đem giao sữa, mỗi thành viên trong gia đình cần ý thức, tự nguyện đóng góp nhiều nhất khả năng của mình”. “Trong lớp học. Phương (tên con ông Phước - PV) học lớp hai do cô Nga dạy. Gia đình, học đường và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện cho sự phát triển của các con nhưng sự nỗ lực của bản thân các con là chính…”
Lật cho phóng viên xem cuốn album nhàu nát đã lâu chưa được ai hỏi tới, ông Phước đọc khe khẽ những dòng tâm tình kèm với tấm ảnh ngày đó với ánh mắt tự hào:“Hai con Phương và Phượng thương yêu nhất của ba. Ba ghi lại đây một số hình ảnh sinh hoạt của gia đình ta vào thời các con còn thơ ấu. Chắc chắn rằng sau nầy lớn lên, khi nhìn lại các con sẽ thấy quý báo đến dường nào!. Bởi đây là tuổi của vô tư, hồn nhiên và hạnh phúc nhất,mà sau này sẽ không còn nữa, bởi từng bước khi các con lớn lên, các con càng gánh vác thêm nhiều trách nhiệm trong cuộc sống…”
Ở cái tuổi xế chiều của ông Phước, gia đình của ông vẫn luôn là niềm mơ ước của mọi người xung quanh. Khi hai con ông đã có sự nghiệp và yên bề gia thất, việc của ông và bà là an hưởng những giây phút bình yên bên nhau sau những mỏi mệt của sóng gió cuộc đời.Ông cố gắng chụp những tấm ảnh sinh hoạt hằng ngày như một cách để bảo vệ những kỷ niệm trước sức tàn phá của thời gian. Sau tất cả, nói về mối lương duyên của mình, ông nói chỉ muốn gửi gắm những câu chữ từ tận đáy lòng dành cho bà Sen: “Cảm ơn em”.