Chuyện tình chất chứa bao buồn tủi của hoa khôi chuyển giới Ánh Phong: 'Vì mình không thể sinh con nên người ta phải đi tìm người khác để có con nối dõi!'
“Hồi đó đó, cái hồi mà Phong mới uống thuốc hooc-môn nữ được chừng 6 tháng ấy, Phong cũng giống con gái lắm. Phong hay thả tóc dài, mặc váy làm điệu lại còn biết tô son, đánh phấn. Body Phong cũng không lực lưỡng nên dùng thuốc xong là nhanh có tí đường cong… Riết rồi quen anh đẹp trai lắm, ảnh rủ đi nhà nghỉ. Đó là lần đầu tiên trong đời Phong được bạn trai rủ đi nhà nghỉ.
Phong suy nghĩ mãi mới quyết định đi. Phong muốn biết đàn ông nhìn mình như thế nào, rốt cuộc thì trong mắt họ, mình đã giống con gái chưa?
- Rồi sau đó như thế nào?
- Bước vô phòng nghỉ cái không hiểu sao Phong nói được hết mọi chuyện. Phong kể cuộc đời của Phong rồi bật khóc. Ảnh thương Phong, vỗ về an ủi, động viên Phong đi tìm lại chính mình. Ảnh là người đàn ông tốt, thi thoảng Phong vẫn nghĩ lại mọi chuyện như một kỷ niệm đẹp.
- Thế sau đêm đó Phong có liên lạc với ảnh nữa không?
- Không! Vì Phong nghĩ, khi người đàn ông yêu một người phụ nữ thì người đó phải là phụ nữ thực sự, chứ lúc đó Phong vẫn sống trong thân xác đàn ông mà.
- Có phải người đàn ông đó là một phần động lực để Phong đi làm phẫu thuật, hoàn toàn trở thành một người phụ nữ không?
- Không, không…! Chuyện của Phong dài lắm, nhưng đại loại Phong chuyển giới để tìm lại chính mình. Người ta gọi đó là hành trình đi tìm lại bản dạng giới đó.
“Người chuyển giới vẫn mãi là người chuyển giới, Phong vẫn hay nói thế để tự nhắc mình không quên mình là ai”
Phong bắt đầu câu chuyện với tôi một cách thoải mái, vui vẻ. Tôi nhớ, cách đây khoảng 4 năm, lần đầu tiên tôi gặp Phong là khi cô vừa quay xong bộ phim tài liệu Finding Phong. Trong phim, Phong vào vai chính. Cô được đạo diễn giao cho chiếc máy quay HD và tự ghi lại những thước phim chân thực về quá trình “hoán đổi giới tính” của chính mình.
Hồi ấy phim còn chưa công chiếu ở Việt Nam, nhưng cái tên Ánh Phong (SN 1985, từng đạt giải Á khôi người đẹp chuyển giới 2016, TOP 10 và Hoa khôi thân thiện cuộc thi Hoa khôi sắc đẹp Việt Nam 2016) thì đã được khá khá người biết tới.
Câu chuyện trong quán cafe của chúng tôi bắt đầu bằng việc Phong kể lại hồi mới dùng hooc môn nội tiết nữ, giống như một thiếu niên mới lớn, Phong cũng khao khát yêu và được yêu, thích học những bài học vỡ lòng về đàn ông và tình dục.
Trải qua nhiều chuyện, cuối cùng Phong cũng tìm được người trong mộng. 4 năm trước khi tôi gặp Phong, có lần cô ngồi sau chiếc xe đạp của một người đàn ông. Gương mặt Phong lúc đó ngập tràn hạnh phúc, tự hào. 4 năm sau ở một quán cafe khác, Phong chỉ còn lại một mình.
Cuộc tình 6 năm của Phong vừa kết thúc, nhìn kỹ lại mới thấy, cô gái vui tươi ngày nào giờ đây đã buồn bã đến hao gầy. Khi tôi bất giác hỏi về người đàn ông 4 năm trước từng gặp, Phong chỉ để lại những tiếng thở dài.
“Là vì Phong không thể sinh con cho người ta nên người ta phải đi tìm người sinh con cho họ. Phong là người chuyển giới mà, Phong vẫn hay tự nhắc mình phải nhớ điều đó, phải biết mình là ai.
Phong nhớ chị Lê Duy từng bảo: “Em đừng nghĩ đàn ông không biết em là người chuyển giới, không có đâu em đừng có mơ. Em đừng nghĩ mình chuyển giới sẽ thành phụ nữ 100%, không, mình từng là đàn ông, mình từng chuyển giới. Phụ nữ người ta như bông hoa trồng trong chậu còn mình, mình chỉ là bông hoa vải mà thôi”.
Ngày xưa Phong không hiểu hết mà giờ thì Phong thấm lắm. Cả đời này, Phong dù có làm cách nào cũng không thể đạt được cái chuẩn của người đàn bà bình thường nhất, đó là có thể sinh con đẻ cái. Người ta không phải là mình, người ta không thể nào hiểu nổi phận người lạc giới, 2 giới tính 1 cuộc đời nó đắng cay biết nhường nào”.
Mà Phong thì yêu người ta tha thiết, ngày đi làm tối về nấu cơm, chăm cho người ta từng bữa ăn, giấc ngủ… Bạn bè rủ đi chơi Phong cũng không đi, Phong dành thời gian để ở bên người đàn ông của mình, cùng anh trải qua bao hạnh phúc, đắng cay.
Một cô gái làm ở nhà hát múa rối Thăng Long, từng đóng phim thật đó nhưng chưa bao giờ Phong mơ mình thành người nổi tiếng. Lúc nào cô cũng muốn có một cuộc sống bình lặng, hướng về gia đình. Hạnh phúc đối với Phong chỉ là có một người thấu hiểu ở bên, mỗi ngày trước khi đi ngủ, cùng nhau nắm tay và hôn lên tất cả các điểm trên gương mặt người yêu, hát 1 bản tình ca do 2 người sáng tác rồi yên bình chìm vào giấc ngủ dài.
6 năm chung sống với biết bao kỷ niệm đẹp. Người ta cũng từng yêu Phong thật nhiều. Đã có lúc 2 người tưởng như không thể sống thiếu nhau… nhưng cuộc đời vốn dĩ không phải bài thơ. Người ta yêu rồi chia tay, chuyện đó vẫn xảy ra vài lần/phút, trên toàn cầu.
“Một người từng yêu nhiều thế rồi cũng hóa người dưng”, một người từng chung chăn gối sớm mai ra đường xem như chưa từng quen biết. Người ngỡ là cả cuộc đời hóa ra chỉ đi chung với ta một đoạn đường. Nghĩ về họ, vừa thương vừa buồn, vừa nhớ vừa tủi. Có những lúc cảm giác gương mặt họ đang hiện dần lên nhưng đưa tay ra với lại chỉ là khoảng không trống rỗng. Người vẫn đó, chưa hề mất đi nhưng người yêu mình, dường như đã không còn tồn tại… Nỗi đau này bất cứ ai cũng cảm thấy xót lòng nhưng một người chuyển giới từng có quá khứ nhiều nước mắt như Phong chắc chắn cảm thấy đau hơn rất nhiều.
Mà chuyện tình của Phong thì đau đớn quá. Đau vì Phong không thể sinh con, vì yêu người ta mà Phong thậm chí từng hứa sẽ để anh đi lấy người khác và chấp nhận sống chung 3 người.
- Thế Phong có trách người ta không?
Phong chỉ trách cớ sao mình không thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho người ta. Sống vì anh nhiều, buồn vì số phận mình sinh ra, muốn sống với giới tính thật thì lại không thể sinh con.
Nhưng đôi lúc Phong suy nghĩ nhiều rồi lại có một chút trách anh. Trách là tại sao có thể bắt và ép buộc Phong phải sống chung 3 người, tại sao lại nói nếu Phong yêu anh thật lòng thì phải chấp nhận điều đó.
Phong từng hứa như thế cách đây 5 năm bởi lúc đó quá yêu nên hứa đại, nghĩ là có thể dùng tình cảm chân thành để thay đổi ý nghĩ của anh ấy. Nhưng mà anh ấy không thay đổi và luôn muốn Phong chung chồng. Nếu Phong vì yêu mà chấp nhận rồi ngày nào đó người ta có con, Phong giống như 1 kẻ thứ 3 xen vào hạnh phúc của họ. Thà Phong ra đi để anh được hạnh phúc trọn vẹn, gặp được người con gái bình thường và thật lòng yêu anh”.
Ánh Phong hay nói vui rằng tôi và cô ấy là những người có duyên. Sau lần hẹn đầu, tôi và Phong còn có nhiều lần gặp khác ở những sự kiện dành cho cộng đồng LGBT. Cách đây 2 năm, hồi đầu năm 2016, tôi gặp lại Phong trong đêm thi chung kết người đẹp chuyển giới tại Hà Nội. Hồi đó Phong diện váy dạ hội và thực sự tỏa sáng xinh đẹp trên sàn diễn catwalk.
- Sao hồi bấy giờ thi được giải mà Phong không nhân đó lấn sân sang làm nghệ thuật ha? Bộ đi thi như vậy xong xếp giải để đó thấy phí hà?
- Đâu chỉ có giải Người đẹp chuyển giới, hồi 2016 Phong còn thi Hoa khôi sắc đẹp Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Phong được lọt TOP 10 và giải Hoa khôi thân thiện.
Hồi đó được giải xong cái có người rủ Phong đi khách, hứa trả 14 triệu đồng/ 2-3h. Chị làm mối cứ gọi hoài, nói khách người ta thích Phong lắm nhưng Phong không chịu. Phong nghĩ mình đi thi đâu phải để đi khách?
Hồi đó có anh rồi nên Phong chỉ muốn giữ gìn hạnh phúc đang có. Vì anh, Phong đã từ bỏ rất nhiều cơ hội như tham gia diễn xuất hoặc ca hát. Phong không muốn nổi tiếng gì hết, chỉ muốn sống yên bình bên anh.
Nhưng bây giờ Phong hiểu ra một điều là Phong sẽ phải sống cho mình nhiều hơn. Sai lầm là Phong đã không dám đi theo đam mê lúc còn nhỏ, ấy là được diễn phim hoặc hát nhạc vàng. Phong từng có nhiều cơ hội nhưng lại vì tình yêu mà bỏ lỡ. Nếu bây giờ có thêm cơ hội, Phong chắc chắn sẽ cố nắm lấy mà không từ bỏ vì một người đàn ông nào nữa.
Phụ nữ bắt đầu sai lầm của họ khi họ yêu và hy sinh hết cho người mình yêu. Người yêu càng sâu đến lúc tình không thành đau khổ càng nhiều. Có lẽ bài học này vẫn là triết lý muôn đời này vẫn đúng với tất cả mọi người chứ không riêng gì những người chuyển giới như Phong. Chỉ có điều, châm ngôn đó nói ra thì dễ mà làm được hay không mới là điều thật khó trả lời.
Trước khi chuyển giới thành công, Phong có 27 năm ăn ngủ cùng nước mắt. Tôi vẫn nhớ những câu chuyện cũ Phong từng kể nói về nỗi đau bị giằng xé trong tâm hồn.
Rồi Phong quen đoàn làm phim, họ đã hỗ trợ Phong làm phẫu thuật. 3 năm quay Finding Phong là 3 năm cô miệt mài kể lại câu chuyện chuyển giới, có niềm vui, hạnh phúc nhưng vô vàn đắng cay và nước mắt. Dù vậy, cho đến ngày công chiếu, Finding Phong không phải chỉ là bộ phim khiến người xem thương đến cháy lòng. Dù có rơi nước mắt thì sau cùng, họ vẫn luôn nhìn thấy ánh sáng lạc quan bởi lúc kết thúc, nhân vật Phong đã được trở về đúng với con người thật, bước đi trên con đường mới ngập đầy nắng.
Công cuộc quay phim diễn ra rất tự nhiên khiến Phong đôi lúc quên bẵng trách nhiệm làm phim mà coi chiếc máy quay như một người bạn. Lúc nào buồn, vui, Phong đều nhào vô chiếc máy để chia sẻ và kể chuyện cùng nó. Chính Phong cũng hy vọng, ngày nào đó, cho đến lúc cô “lột xác” thành công sẽ có cơ hội nhìn thấy mình đã thay đổi như thế nào trong 3 năm sóng gió.
“Nhưng làm xong phim, Phong chưa bao giờ dám xem trọn vẹn. 5 năm Finding Phong chu du khắp 5 châu lục, Phong vẫn chưa từng xem hết bộ phim ấy. Nhiều lần phim ra mắt khán giả nước ngoài, Phong tới rạp mà toàn chạy ra ngoài, đợi phim gần hết mới vào giao lưu. Phong sợ vì mỗi lần xem lại là Phong lại khóc, khóc nhiều lắm. Cuộc đời Phong nước mắt cứ nhiều như một đại dương”.
Mới đây khi bộ phim công chiếu tại Việt Nam cũng là lần đầu tiên Phong xem lại trọn vẹn bộ phim mình đã quay suốt 3 năm. Đó là một tác phẩm rất kỳ công khi thời gian thực hiện dài và công tác hậu kỳ cũng mất tới 1 năm để rút gọn hàng trăm giờ quay thành tác phẩm điện ảnh chỉ vỏn vẹn 90 phút.
Nói đến đây chắc nhiều người sẽ hỏi phim về người chuyển giới thì có gì hay bởi bao nhiêu chi tiết đau thương chẳng phải chúng ta đã nói quá nhiều rồi? Cũng là ngần ấy chuyện: Biết bản thân sống nhầm thân xác, đau khổ dày vò, bị gia đình phản đối và rồi quyết định trải qua một cuộc phẫu thuật đau đớn để đánh đổi hình hài mới? Có phải những chuyện này chúng ta đều đã từng nghe qua?
Một cuộc đời, một số phận, từng nỗi đau họ đã đi qua… tất cả sẽ chẳng thể nào kể hết chỉ qua vài dòng liệt kê. Điểm danh những nỗi buồn của người khác có lẽ là một việc làm rất thiếu cảm thông… và thực sự, hành trình Phong đi tìm Phong kéo dài 27 năm có nhiều nỗi đau hơn người khác vẫn tưởng.
Trong tất cả các giới, LGBT có lẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Những người như Phong giờ đây vẫn không được pháp luật thừa nhận. Trên giấy tờ, cô vẫn mang giới tính nam dù đã tiến hành phẫu thuật chuyển giới. Điều ấy kéo theo hàng loạt rắc rối không được giải quyết, điển hình như vấn đề về hôn nhân - gia đình…
Xét về mặt quan niệm xã hội, dù trong nhiều năm qua cái nhìn về người chuyển giới đã có nhiều tiến bộ, nhưng thực sự chưa lúc nào chúng ta hoàn toàn chấm dứt sự kỳ thị… Và còn một thiệt thòi sinh học khác, đó là Phong không thể có con. Hơn nữa, để được sống với con người thật, Phong và những người chuyển giới phải trải qua rất nhiều khó khăn, những cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều giờ thậm chí phải chấp nhận đánh đổi cả tuổi thọ.
Nhưng rồi tất cả những đớn đau ấy cũng không thể sánh bằng giờ phút cân não, đấu tranh giữa việc sống tròn trách nhiệm của một người con hay là sống thật với con người mình? Người ta thường nói, chiến đấu vượt qua chính bản thân mình là cuộc chiến khó khăn, khốc liệt nhất. Lúc mẹ Phong khóc nấc lên rạp người vào tường mà nói rằng chắc kiếp trước bà tạo nghiệp nên giờ mới sinh con ra như vây… chắc chắn, không một người con hiếu thảo nào không cảm thấy đau lòng.
Quyết định chuyển giới là chấp nhận rủi do, là bước đi xác định không có đường lùi… nhưng rồi Phong vẫn chọn sống với con người thật của mình. Nỗi cô đơn trong Phong quá lớn, ý chí muốn trở về bản dạng giới thực của cô cũng quá lớn. Phong khát khao được làm người con gái đúng nghĩa. 27 năm trước khi sang Thái Lan làm phẫu thuật, đêm nào Phong cũng khóc. Phong thấy mình bị mắc kẹt, kẹt giữa trách nhiệm, thành kiến xã hội và kẹt trong chính thể xác nam giới của Phong.
Điều bất ngờ và khiến khán giả xem Finding Phong cảm động nhất có lẽ chính là tình cảm chan chứa yêu thương mà gia đình đã dành cho Phong. Thay vì chối bỏ, phản đối kịch liệt thì ba mẹ cô lại đồng ý để con chuyển giới.
Ngày Phong chớm có bộ ngực thiếu nữ, mẹ cô từng dặn rằng: “Giờ đã là con gái thì cứ hồn nhiên mà sống, sống theo tự nhiên, đừng có gặp ai cũng hỏi “con đẹp không, em đẹp không” hay lấy tay xốc xốc khoe bộ ngực thiếu nữ mới có“. Rồi chuyện các chị cô quan tâm chi tiết việc phẫu thuật vùng kín vì muốn đảm bảo cho Phong một đời sống tình dục bình thường… Chuyện người cha đã ngoài 90 tuổi khuyên con dù là nam hay nữ đều phải sống có ích cho xã hội…
Tất cả đều là những chuyện khiến người khác cảm động. Ít ai có thể ngờ, vì tình yêu thương, người ta sẵn sàng gạt bỏ đi định kiến đã ám ảnh họ suốt hàng chục năm liền, bước qua những lời nói thị phi, đạp lên dư luận để ủng hộ và bảo vệ Phong tới cùng.
27 năm sống phận đời lạc giới, cuối cùng vào năm 2012, Phong đã sang Thái Lan, bắt đầu dùng thuốc và 1 năm sau tiến hành cuộc phẫu thuật hoán đổi giới tính. Vào năm 2014, hành trình Finding Phong khép lại thành công.
- Nhưng chuyển giới xong Phong vẫn tiếp tục đau vì không thể sinh con mà bị người ta bỏ. Có lúc nào Phong mất niềm tin vào cuộc sống này không?
- Không, Phong luôn tin là mình chưa gặp được người chấp nhận mình và yêu mình hết lòng. Phong vẫn luôn tin ngày nào đó, Phong và những người như Phong sẽ vẫn tìm được hạnh phúc của riêng mình.
Mà đã là con người thì ai cũng có mưu cầu được hạnh phúc. Phong vẫn đang trên con đường đi tìm hạnh phúc. Phong làm phim tài liệu, đi thi hoa khôi chuyển giới, hoạt động trong cộng đồng LGBT… tất cả đều là muốn đấu tranh cho quyền lợi của người LGBT. Phong muốn xã hội có cái nhìn khác đi và thực hiện sự cảm thông bằng những chính sách, điều luật cụ thể.
Phong hy vọng ngày nào đó khi tất cả mọi thứ thay đổi, cuộc sống của Phong và những người chuyển giới chắc chắn sẽ khác. Người ta thường nói, cuộc sống như một dòng chảy, chuyện này gối lên chuyện kia. Khi cuộc sống của mình hoàn toàn được bình đẳng, hạnh phúc thì tình yêu và hạnh phúc gia đình chắc chắn cũng sẽ đến một cách rất tự nhiên.