Người đàn ông Tây nhặt rác ở Ghềnh Đá Đĩa, người Việt đứng xem và quay clip
Câu chuyện được T.N kể lại khi cô cùng người đàn ông nước ngoài đi du lịch tại Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) vào chiều 30/4 vừa qua. Sau khi nhìn thấy những lá bài bị vứt dưới Ghềnh, người đàn ông đã không ngần ngại cởi áo và lội xuống nhặt dù thác nước đó khá sâu, trơn và nguy hiểm.
“Ghềnh Đá Đĩa đẹp như mơ. Barcelona hay Phuket cũng chỉ đẹp được đến thế là cùng. Vậy mà trong làn nước trong xanh thấy được cả đáy, lại có ai đó vô tâm ném cả mớ bài xuống. Anh Tây không đành nhìn thấy vẻ đẹp trang nhã của Ghềnh đá bị xé toạc bởi mấy mảnh bài ác tâm, mới cởi trần khoe bụng béo lội bì bõm dưới hàng trăm con mắt kinh ngạc và tò mò của rất đông khách du lịch tại Ghềnh đá.
Có một sự thật là anh Tây không biết bơi và Ghềnh đá thì rất sắc.
Trước đó…
- Anh muốn nhặt mấy cái lá bài kia!
- Em cũng đang nghĩ cách để nhặt đây. Mà em không biết bơi. Anh xem có thể nhặt được không?
- Nhặt thì được đấy. Nhưng du khách người ta có nói anh bị điên không?
- Em mặc kệ ai nói anh điên. Miễn là anh thấy an toàn, anh không sao thì anh lội xuống nhặt nó lên đi!…”.
“Ông Tây chỉ là một nông dân bình thường đến từ New Zealand, sống hết sức giản dị. Ông chưa bao giờ bước chân vào khách sạn 5 sao, mua cho mình cái áo hơn 150 USD hay thưởng thức các dịch vụ giải trí sang trọng. Ông nói: “Những thú vui và hưởng thụ đó sẽ là một kỉ niệm đẹp, nhưng chỉ 1 tuần 2 tuần hay 1 tháng cảm xúc đó sẽ rơi vào quên lãng.
Nhưng nếu anh dành số tiền đó mua công cụ sản xuất cho người nghèo, mua thuốc chữa bệnh cho người bệnh, xe lăn cho trẻ khuyết tật… thì một ngày kia, khi anh đã già và ngồi một chỗ như cụ Hồ, sẽ có biết bao trẻ em được giúp đỡ trên thế giới này có thể vẫn nhớ tới ông già này và họ sẽ kể cho anh nghe về sự thành đạt của họ…”.
Mục tiêu của ông Tây điên mỗi năm dành dụm được khoảng 10-20.000 USD, ngoài ra ông đại diện cho 2 tổ chức NGOs (tổ chức phi chính phủ) mỗi năm ông đều dành 1-3 tháng tới các vùng đất nghèo khó để giúp đỡ. Đây là lần thứ 4 ông tới Việt Nam, là để du lịch trước khi sang dạy tiếng Anh tình nguyện cho trẻ em nghèo ở Chuk - một làng nghèo xa xôi ở Campuchia.
Biết tính ông không ồn ào khoe khoang, nên khi quay đoạn phim này, mình phải quay giấu ông và chỉ quay sau lưng, không quay mặt. Ông phải suy nghĩ dữ lắm khi mình nói: “Em biết anh làm nhiều việc không phải để mưu cầu lợi ích gì cho bản thân, nên em đã quay giấu mặt anh còn gì. Với cả anh tới nước em để giúp đỡ người dân em, thì việc em post clip này cũng để giúp người dân ý thức tốt hơn chứ em có ý gì khác đâu.
Anh nhặt lần này rồi anh đi, rồi em không nhắc dân nhà em, anh đi rồi người ta xả rác tiếp, anh có dựng chòi đó nhặt rác được hoài không? Giúp thì giúp cho trót chứ?”. Cuối cùng sau 1 ngày năn nỉ thuyết phục ông mới cho post.
Mỗi người 1 ít, người ném lá bài, người ném đồ ăn, rác… xuống biển hay các nơi công cộng thì không những cá chết mà người cũng ngỏm. Không những đi tong ngành đánh bắt thuỷ sản mà du lịch cũng chết yểu và tầm văn hóa của người dân cũng bị hủy diệt theo…”.
Câu chuyện trên đã dành được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Đa số đều cho rằng, hành động của người đàn ông nước ngoài thật ý nghĩa và đáng trân trọng. “Không biết phải nói bao nhiêu lời cảm ơn. Người đàn ông không biết bơi mà sẵn sàng cởi áo, đi chân trần lội xuống ghềnh bao nguy hiểm. Đáng xấu hổ nhất là những người có mặt tại đó thấy mà không giúp”, một bạn chia sẻ.
“Thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Họ đã làm bằng tất cả tình yêu và khả năng của mình. Dù nguy hiểm nhưng người đàn ông sẵn sàng lội xuống nước chỉ để vớt những lá bài dưới ghềnh”, một người khác lên tiếng.
“Người Tây ý thức họ tốt nhỉ”
Chia sẻ với chúng tôi, chị T.N, người đã quay đoạn clip tâm sự: “Lúc anh ấy lội xuống nhặt, Ghềnh đá có nhiều chỗ cắt nguy hiểm cho chân mà anh lại không biết bơi, tôi có nói nhờ ai đó biết bơi thì nhặt những lá bài ở xa giùm anh nhưng không ai giúp”.
Xong xuôi, người ta xoay quanh người đàn ông hỏi thăm nói chuyện. Có người còn nói: “Người Tây họ ý thức tốt nhỉ?”.
Chị N. còn chia sẻ thêm, người đàn ông trong clip tên là Rob, lần này qua Việt Nam để đi du lịch: “3 lần trước, anh sang Việt Nam làm từ thiện cho mấy tổ chức NGOs. Hiện anh đang ở Campuchia để dạy tiếng Anh tình nguyện cho các trẻ em nghèo bên đó”.
“Nói về anh Rob, tôi rất tự hào về trái tim lớn của anh. Ở New Zealand công việc của anh ấy rất tốt, lẽ ra anh dành 3 tháng để đi du lịch hưởng thụ nhưng năm nào anh cũng đi sang các nước giúp người nghèo, không công thì chớ mà còn bỏ tiền túi ra làm đủ thứ chuyện. Điều kiện sống cực kì tệ, tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của anh ở New Zealand và cuộc sống của anh ở Campuchia cách một trời một vực như thế nào. Anh ấy không muốn nổi tiếng, không muốn khoe khoang về việc mình làm”, chị N tâm sự.