Sách trong suy nghĩ của nhiều người trẻ là những trang giấy tinh tươm được thiết kế cầu kì; là vài cú click chuột sẽ có ngay cả một kho tàng; là những cửa hàng, con đường, quán cà phê trang trí “đẹp miễn chê” để vừa thưởng thức không gian vừa nhâm nhi sách.
Thế nhưng trong suy nghĩ của những người hoài niệm, mùi ẩm mốc của những trang giấy ố màu, nhàu gốc lại có một sức hút kì lạ. Ở đó, người ta tìm thấy kiến thức lẫn hơi thở của dòng chảy thời gian, tìm thấy chính bản thân mình dù lắm đi quyển sách còn “già đời” hơn những người mê sách.
Chuyện buôn sách, buôn chữ của ông giáo bỏ việc “ngang xương”
Tìm đến chú Long, người ta không chỉ mua sách mà còn nghe kể chuyện đời.
Ắt hẳn quầy sách cũ này cũng sẽ bị chúng ta vô tình lướt qua nếu như không bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đạo mạo quay lưng lại với không gian náo nhiệt của góc đường Nguyễn Văn Bình - Hai Bà Trưng để thong thả nghiền ngẫm quyển sách giáo khoa cũ. Kể cũng lạ, với những người buôn bán thường đon đả chào mời, còn với chú trừ khi có người hỏi mua, nếu không thì mọi sầm uất của cuộc sống dần lùi về sau để có thể thả hồn vào từng trang sách. Hỏi ra mới biết chú là Hoàng Việt Long (65 tuổi), một người am tường về các loại sách “Đông tây kim cổ”.
Khoảng 40 năm trước chú Long vốn là thầy giáo Toán ở trường cấp 3 tư thục. Rồi năm 1975, hòa bình được lặp lại, ngôi trường trở thành trường cấp 2 công lập. “Lúc đó ban giám hiệu có ngỏ ý, bảo tôi làm đơn xin được giữ lại trường để trở thành giáo viên cấp 2. Nhưng ngẫm lại thấy mình chỉ quen dạy và luyện thi tú tài, chắc hết duyên bảng phấn thật rồi, nên thôi đính kèm đơn xin nghỉ việc” - chú Long nhớ lại.
Cuộc sống khó khăn, chú Long tạm cất bằng cấp, giáo án để lao vào cuộc mưu sinh. Sẵn có tủ sách ở nhà, chú tập tành kinh doanh bằng “vốn tự có”. Đến năm 1977, chợ sách ở đường Đặng Thị Nhu được thành lập, chú Long được một người quen rủ về buôn bán ở đây.
Rồi chợ sách đóng cửa, những người buôn bán như chú Long tìm về vỉa hè dọc trường Tiểu học Trần Hưng Đạo để tạo ra một không gian “dư âm” của chợ sách. Thế nhưng, nghề buôn bán một lần nửa dở dang do phải trả lại mặt bằng thi công vỉa hè, mãi cho đến đầu năm 2016, chú cùng một số ít bạn nghề quyết định “tái xuất” khi đường sách Nguyễn Văn Bình đi vào hoạt động.
Thợ đồ họa lành nghề dù đã hai màu tóc
Rồi trong những năm tháng gián đoạn nghề sách, người ta lại thấy ông giáo Long cần mẫn với một “ngã rẽ” mới mà thoạt nghe chẳng có mấy liên quan: Thợ đồ họa.
Lần đầu nghe đến điều này chúng tôi không khỏi giật mình khi tuổi tác chú đã ngoài 60 nhưng lại sành sỏi công nghệ với nghề tay trái “thời thượng”. Nhắc đến điều này, chú Long chỉ bật cười: “Có học qua trường lớp gì đâu, chủ yếu là tự mày mò thôi. Vậy mà mấy đứa trẻ bây giờ chưa chắc làm lại tui đâu nha. Nhiều cô cậu sinh viên còn đến đây xin tui chỉ “tuyệt chiêu” nữa đó”.
Theo lời chú kể, năm 1997, vợ chồng dành dụm mua cho đứa con trai chiếc máy tính để hỗ trợ việc học. Thời gian ấy, chiếc máy 386 (dòng máy được xem là “huyền thoại”, sử dụng chipset đầu tiên của Intel) đáng giá bằng cả gia tài.
Nhận thấy thị trường lịch Tết cuối năm luôn sôi động, chú bắt đầu tập tành với công việc thiết kế in ấn. Ban đầu là học cách tắt mở máy tính, sử dụng Word để đánh chữ, chèn hình vào lịch. Giai đoạn đó dùng Word có cái khó là phải đo tay bên ngoài rồi ước lượng kích thước cỡ chữ, cỡ hình, vị trí để canh tỉ lệ,… mà như vậy mất thời gian, dễ sai sót. Nhận thấy những yếu điểm này, chú dần tập tành sử dụng Corel Draw và về sau là Photoshop.
Khi chúng tôi thắc mắc về người hướng dẫn, chú Long bật cười rồi chỉ tay vào chồng sách cũ: “Thầy của tôi là mấy quyển sách này nè. Ngồi bán rảnh rỗi cũng chẳng làm gì, thế là lại lôi sách ra đọc. Đọc sách tiếng Việt không hiểu, tôi tìm thêm sách tiếng Anh, sách dạy mẹo thủ thuật rồi tối đi bán về mở máy lên thực hành”.
Ấy vậy mà tuổi nghề của thợ đồ họa Long Hoàng cũng đã ngót nghét hơn chục năm. Ngày Tết bận bịu thiết kế bìa lịch, còn ngày thường chú vừa bán sách vừa nhận thiết kế tờ bướm, băng rôn quảng cáo… “Có lúc người ta đặt hàng tôi dàn 2 trang tạp chí với giá hơn 30 triệu đồng. Làm được 2 số tạp chí thế thôi là xem như vui cả tháng rồi. Ấy vậy mà tôi từ chối, vì cái mình học được dù sao cũng là “võ rừng”, đồ họa có thể thạo nhưng đánh máy thì toàn “nhất dương chỉ” không à. Việc này thì đành chịu thua mấy đứa trẻ” - chú Long bật cười.
Điều chúng tôi tâm đắc nhất trong suốt buổi trò chuyện với chú Long chính là lối sống nghị lực đến ngưỡng mộ: “Ở xã hội, mình đứng lại là thục lùi” và cả ở cái cách chú hồ hởi giới thiệu về bản thân: “Gọi tôi là Long Hoàng hay “Long què” đều được, vì tôi bị sốt bại liệt năm 3 tuổi. Mà thôi, mình có tật, ông trời cho lại cái tài lẻ đủ nuôi sống gia đình, nuôi sống đam mê. Vậy là vui rồi”.
“Chuyện ông giáo, thợ đồ họa 'Long què' 40 năm thăng trầm bể dâu gắn bó với nghề buôn sách cũ” là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.
Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: xahoi@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!
Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.