Mới đây, cầu thủ David Beckham đăng tải bức ảnh hôn môi con gái ruột của mình, bé Harper Seven Beckham lên mạng xã hội Instagram. Có lẽ đây sẽ chỉ là bức ảnh tình cảm cha con bình thường cho đến khi xuất hiện những ý kiến trái chiều cho rằng nam cầu thủ đang thể hiện sự thân mật thái quá với con gái của mình.
“Tôi thực sự đã bị chỉ trích về việc hôn môi con gái. Tôi hôn hôn môi với tất cả các con nhưng đối với Brooklyn có thể không vì Brooklyn đã 18 tuổi và có thể thằng bé sẽ thấy lạ một chút. Nhưng tôi rất yêu thương bọn trẻ. Đó là cách mà tôi và Victoria được trao yêu thương khi còn nhỏ nên chúng tôi cũng muốn dành tình yêu như như thế cho các con, đồng thời cũng muốn bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ chúng”. David Beckham nói về hành động của mình.
Bức ảnh đã tạo ra làn sóng tranh cãi khá gay gắt về việc có nên hay không hành động hôn lên môi của các con. Để tỏ tường hơn về vấn đề này, Saostar đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP HCM.
Về vấn đề thể hiện tình cảm của cha mẹ với những đứa con, cụ thể ở đây là bức ảnh của David Beckham hôn con gái mình, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình cho rằng: Chúng ta nên xác lập quan điểm rõ ràng rằng David Beckham và cô bé trong ảnh là cha con ruột. Bởi vậy hành động hôn môi nhẹ như trong bức ảnh nam cầu thủ này đăng tải là một hành động hết sức bình thường.
“Nét văn hoá yêu thương của tình cảm gia đình của người cha với con, chuyện thể hiện tình cảm giữa cha và con gái này có thể đối với cộng đồng người Việt - mang văn hoá Phương Đông nó hơi thái quá bởi thời gian qua dư luận xôn xao những câu chuyện liên quan đến ấu dâm. Nhưng chúng ta đã bỏ qua rằng đây là tình cảm yêu thương của những người trong gia đình.” - chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình cho biết.
Hôn môi hay những hành động ôm hôn nói chung là nét khác biệt của văn hoá phương Tây với văn hoá truyền thống phương Đông. Có thể, ở châu Á không nhiều gia đình thể hiện việc hôn môi các con nhưng tại châu Âu, việc này diễn ra thường xuyên hơn.
“Đừng quy chụp, khi những câu chuyện ấu dâm xảy ra quá thường xuyên chúng ta lại coi những hình ảnh này nó liên đới hoặc nó gây ra hậu quả, gây ra những hệ luỵ. Chúng ta đang vô tình so sánh một cách rất khập khiễng giữa hai hình ảnh này, không thể lấy tình cảm gia đình so sánh với những câu chuyện ấu dâm, xâm hại trẻ nhỏ.”
Ở một khía cạnh khác, việc hôn môi giữa cha và con gái nói riêng và giữa bố mẹ với các con nói chung có nhiều ý kiến cho rằng nếu điều này diễn ra thường xuyên, những đứa trẻ dễ lầm tưởng việc hôn môi là bình thường, lợi dụng điều này, những kẻ xấu sẽ có cơ hội để thực hiện những hành vi không đàng hoàng.
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình đồng ý với các ý kiến trên bởi theo anh, việc làm này sẽ tạo ra cảm giác yêu thương bình thường. Đứa trẻ có thể sẽ chưa hiểu và phân định rõ ràng người nào là người mà các em có thể đón nhận yêu thương. Lúc này, trách nhiệm bảo vệ con, giúp con hiểu rõ vấn đề sẽ thuộc về cha mẹ.
Đến một độ tuổi nhất định, khi đứa trẻ bắt đầu có nhận thức tốt hơn, người lớn phải dạy cho những đứa trẻ biết, những hành động như thế nào là đúng, hành động như thế nào là không đúng. Ví dụ như việc cha mẹ thì có thể được thể hiện yêu thương, còn đối với những người bên ngoài gia đình thì mọi việc chỉ nên giữ khoảng cách tránh trường hợp để những kẻ ấu dâm lợi dụng sự sơ hở để làm chuyện xấu.
Cuối cùng, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình nói, “Tôi xin nhấn mạnh rằng đây là những hình ảnh đẹp, là tình cảm gia đình thực sự, là những cái mà chúng ta còn phải nhân rộng lên để tăng tình cảm yêu thương của những thành viên trong gia đình.” Bởi theo anh, những đứa trẻ cần nhiều và nhiều hơn nữa tình yêu thương từ cha mẹ. Tất nhiên, kèm theo đó là sự giáo dục giới tính kỹ càng.